"Trăng mật đặc biệt" của cặp vợ chồng bác sĩ giữa tâm dịch Bắc Giang

THÀNH NAM,
Chia sẻ

"Tuần trăng mật ở tâm dịch rất đặc biệt bởi không ai có thể có kỷ niệm như chúng tôi được. Ở bất cứ đâu cũng được, chỉ cần ở cùng nhau, làm việc cùng nhau như thế chúng tôi đã rất hạnh phúc rồi", cặp vợ chồng bác sĩ chia sẻ.

Tại tâm dịch Bắc Giang vừa qua, hơn 200 y bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh Quảng Ninh đã cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi làm việc, họ là một đội - trong những giây phút nghỉ ngơi ít ỏi, họ là một gia đình. Và điều đặc biệt là trong đội ngũ ấy, có những gia đình thực sự khi cả hai vợ chồng cùng xung phong nhận nhiệm vụ tại tâm dịch.

Bén duyên từ nghề nghiệp, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Xuân Điệp và Đinh Hoàng Mai Anh là cặp vợ chồng thứ 96 cùng làm việc tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). 

Tháng 1/2021, vợ chồng bác sĩ trẻ Mai Anh - Xuân Điệp đã lên kế hoạch cho tuần trăng mật ý nghĩa sau đám cưới. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát tại Chí Linh (Hải Dương) sau đó lan sang Đông Triều (Quảng Ninh) nên cặp vợ chồng trẻ đã quyết định gác lại kế hoạch trăng mật của mình để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người "Chiến sĩ áo trắng".

"Trăng mật đặc biệt" của cặp vợ chồng bác sĩ giữa tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 1.

Vợ chồng trẻ bác sĩ Mai Anh - Xuân Điệp hưởng "tuần trăng mật tại tâm dịch". Dù công việc mệt mỏi và căng thẳng nhưng 2 người luôn dành nhau sự quan tâm, tin cậy.

Dịch bệnh tại Quảng Ninh được khống chế, Mai Anh và Xuân Diệp tiếp tục lên kế hoạch cho tuần trăng mật vào mùa hè. Thế nhưng khi dịch bùng phát tại Bắc Giang, cặp vợ chồng trẻ lại cùng gần 200 nhân viên y tế, bác sĩ của bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí lên đường chi viện cho các đồng nghiệp tỉnh bạn. 

Bác sĩ Đinh Hoàng Mai Anh cười vui vẻ: Những ngày làm nhiệm vụ tại tâm dịch Bắc Giang là trải nghiệm không thể quên của hai vợ chồng, giống như là "tuần trăng mật" đặc biệt vậy.

"Tuần trăng mật ở tâm dịch, tôi nghĩ nó rất là đặc biệt bởi không ai có thể có kỷ niệm như chúng tôi được. Bản thân mình là nhân viên y tế, mình cũng xác định rằng là phải hi sinh thời gian cá nhân của mình. Tôi nghĩ rằng đã là tuần trăng mật thì ở bất cứ đâu cũng được, chỉ cần ở cùng nhau, làm việc cùng nhau như thế chúng tôi đã rất hạnh phúc rồi", bác sĩ Đinh Hoàng Mai Anh nói.

Với nhiều chùm ca bệnh liên tục được phát hiện, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã trở thành những điểm nóng, cần được xử lý càng nhanh càng tốt. Bác sĩ Nguyễn Xuân Điệp (khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, BV Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí) cho biết, khối lượng công việc quá lớn nên nhiều khi đến 2-3 giờ sáng, hai người mới hết ca làm việc.

Vất vả, mệt mỏi nhưng anh chị luôn cố gắng chăm sóc, động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ: "Đối với nhân viên y tế thì những ngày nghỉ nó rất hiếm hoi bởi đặc trưng là phải đi trực bất kể ngày lễ, ngày Tết. Nhưng đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mình, nếu như dịch bùng phát thì mình vẫn gác lại những việc cá nhân, sẵn sàng lên đường, coi như là những ngày đi trực, đi làm bình thường".

Nắng tháng 6 như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời nhiều hôm lên đến 41-42 độ C. Trong những căn lều y tế dã chiến và cả phòng làm việc đều không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ để hạn chế dịch bệnh lây lan, điều dưỡng Nguyễn Thanh Tâm đã lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân và người dân huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Làm việc liên tục trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, thời tiết khắc nghiệt, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi và nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ hai con nhỏ khiến những ngày đầu, chị Tâm muốn bỏ cuộc. Hai bé vẫn thường thức khuya, chờ mẹ kết thúc ngày làm việc để gọi điện thoại: 

"Động lực để giúp tôi có thể vượt qua là gia đình và cộng đồng. Hai bé nhà tôi gọi điện, đăc biệt là cháu lớn bảo với mẹ là mẹ ơi đợt này mẹ đi chống dịch mệt, con ở nhà con cố gắng ôn tập để con thi đỗ cấp 3, để khi mẹ trở về thì con đã có điểm, con đỗ rồi mẹ ạ".

Gò bó trong bộ đồ bảo hộ, quần áo đẫm mồ hôi, da bàn tay nhăn nhúm và vệt khẩu trang hằn trên khuôn mặt cùng nỗi nhớ nhà là những điều mà những người "chiến sĩ áo trắng" vô cùng nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. May mắn là những ngày khó khăn, vất vả ấy, họ luôn có được sự quan tâm của gia đình, người thân và cả sự động viên, chăm sóc của những người đồng nghiệp.

Bác Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Chuyên khoa 2, trưởng đoàn bác sĩ tỉnh Quảng Ninh chi viện Bắc Giang cho biết: 

"Trong tuần đầu chúng tôi đi làm việc thì nỗi nhớ nhà chưa nhiều, nhưng sang tuần thứ 2, thứ 3 thì nhớ nhà nhiều hơn. Trong đội ngũ có những hoàn cảnh ví dụ như là gửi gắm con cho ông bà trông nhưng không may ông bà lại đổ bệnh, bất đắc dĩ không thể nào có người về chăm sóc được thì chúng tôi cũng nắm bắt tâm tư, tình cảm anh chị em, nếu có thể được thì khắc phục hoàn cảnh gia đình, còn nếu không thì chúng tôi cũng báo cáo về lãnh đạo bố trí cho anh chị em trở về Quảng Ninh sớm hơn để lo công việc gia đình".

"Trăng mật đặc biệt" của cặp vợ chồng bác sĩ giữa tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 2.

Hơn 200 y bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh Quảng Ninh đã cùng nhau chống dịch COVID-19. Khi làm việc, họ là một đội - trong những giây phút nghỉ ngơi ít ỏi, họ là một gia đình.

Những ngày tham gia công tác chống dịch tại Bắc Giang sẽ là những kỷ niệm chẳng thể quên với những y bác sỹ của bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, những tình nguyện chi viện phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Với vợ chồng bác sĩ trẻ Xuân Điệp - Mai Anh, họ sẽ tự hào kể lại cho các con của mình rằng: "Năm ấy, bố mẹ đã có một tuần trăng mật đặc biệt, tuần trăng mật ở trong tâm dịch". 

Còn với điều dưỡng Nguyễn Thanh Tâm, con của chị có thể hãnh diện khoe với bạn bè của mình: "Kia là mẹ tớ. Mẹ là một trong 200 chiến binh áo trắng đã nỗ lực chiến thắng dịch bệnh ở Bắc Giang".../.

Chia sẻ