Trang Hạ: Phụ nữ muốn làm công chúa hay muốn làm thảm chùi chân?

Thanh Ba,
Chia sẻ

Hỏi về “vụ con lợn”, Trang Hạ cho rằng, đó là chuyện của 3 năm trước... "Nhưng với phụ nữ, tôi vẫn có câu hỏi này dành cho họ: Bạn muốn làm công chúa hay muốn làm thảm chùi chân?"



Nhà văn Trang Hạ: "Đám đông thật đãng trí"

Đám đông thật đãng trí


Dù ai đó muốn dẹp “vụ con lợn” xuống thì thực tế nó cũng đã gây bão suốt tuần qua, cho đến hôm nay vẫn không ít người tiếp tục nhắc đến nó vì thế chắc “tác giả” cũng không thể không nói vài lời...

Campaign “con lợn” là một trong những chiến dịch truyền thông của tôi từ năm 2012. Tôi cảm thấy buồn và buồn cười khi nó lại được “đào bới” khi tôi đã kết thúc campaign mục tiêu vì phụ nữ này. Nhưng nó cũng có phần vui khi nó mang lại cho tôi những hợp đồng kinh tế lớn. Tuy nhiên, tiền đối với tôi không phải là tất cả vì qua "vụ con lợn" này cũng cho tôi thấy hành trình của tôi đang đi khá đơn độc.

Tại sao lại đơn độc, thưa chị, trong khi có vô vàn chị em phụ nữ đang coi những phát ngôn của Trang Hạ là lý tưởng sống cho cuộc đời mình… Chẳng phải vì phụ nữ là mục tiêu lớn của đời chị đó sao?

Tôi không biết tại sao tôi lại có cảm giác này, nhưng nó vẫn xuất hiện. Hay có ai đang đi trước hay đi sau mà tôi không biết chăng?

Đúng là con đường tôi đi vẫn là vì phụ nữ, nhưng tôi đã chuyển sang hướng gián tiếp khác là nhắm vào sự thay đổi từ người cao tuổi. Thời gian gần đây tôi đang làm tất cả những việc có liên quan đến người cao tuổi để mong người mẹ sẽ thôi dạy con mình cách để lấy được người chồng tử tế, để các bà mẹ chồng thôi cằn nhằn: “Mẹ chưa bao giờ bắt chồng con phải rửa bát, sao con nỡ…”. 

Tôi sẽ không thể bảo họ: “Bà phải đứng ngoài cuộc, đừng soi mói và hằm hè khi con trai bà đang rửa bát”. Tôi sẽ đưa 1 số gói truyền thông cho người cao tuổi mà mục đích chính là giảm gánh nặng cho người phụ nữ. Tôi nói rõ, không phải mục đích của tôi là để người cao tuổi ăn chơi nhảy múa, mà để cho xã hội văn mình hơn, người cao tuổi tự chủ hơn và những người phụ nữ có thể hạnh phúc hơn.

Chị bảo chị nhận được về không ít hợp đồng kinh tế sau “vụ con lợn”. Nhưng ngược lại chị cũng nhận được không ít gạch đá ném về phía mình, trước những comment khiếm nhã chị tiếp nhận thế nào, bình thản hay nóng mặt?

Chắc bạn cũng biết “vụ con lợn” là chuyện của 3 năm trước. Tôi đã trải qua tất cả những điều này, chỉ có điều không dữ dội bằng vì ngày đó mạng xã hội đang phải “vượt tường lửa” mới có thể vào, và những comment dừng lại chỉ ở trên những bài báo. Thế nhưng, về tính chất nó chẳng khác gì ngày hôm nay, nó đủ để khiến tôi không cảm thấy nóng mặt vì những điều này tôi đã trải qua. Chỉ có điều đám đông thật đãng trí lại vẫn coi câu chuyện 3 năm trước như mới.

Chắc nhiều người muốn Ngọc Trinh viết văn


Theo chị tại sao đàn ông lại “xù lông” giận dữ như thế?

Tôi nghĩ đàn ông đã giận dữ không phải bằng đầu óc mà bằng bản năng. Có ai đó bảo đó là chiêu trò của tôi để bán sách nhưng chính tờ báo điện tử “khơi mào” đăng lại bài viết của tôi cách đây 3 năm có hẹn gặp tôi để phỏng vấn. Tôi nói rằng, dù sao đó cũng không phải là bài gốc của các bạn, vậy hãy đợi báo gốc lên bài rồi copy một thể. 


"Phụ nữ muốn làm công chúa hay muốn làm thảm chùi chân?"

Tôi chỉ có thể nói rằng đó là sự tình cờ. Có bao nhiêu nhãn hàng, mã hàng... có muốn cũng không làm được. Một năm có 500 campaign trên mạng xã hội nhưng chỉ 2-3 cái có thể nổi. Có báo nào cũng đã từng viết “Truyền thông bị Lệ Rơi dắt mũi”. Tôi cho rằng chẳng dễ dắt mũi một ai đó, khi có hàng ngàn sinh viên học thanh nhạc bài bản, có tất cả những điều kiện cần, có ông bầu chuyên nghiệp nhưng vẫn không thể nổi. Chứng tỏ nổi tiếng đâu có dễ. Đôi lúc lại cần đến những sự tình cờ.

Không chỉ có đàn ông "xù lông", dù có tiếng là “nhà văn của đàn bà” mà lần này cũng có không ít người cùng phái "xù cánh" với chị…

Ngay trong bài viết mới của tôi, khi tôi giới thiệu 1 trang sách, một người đàn bà share và comment đại loại thế này: “Ôi, thích quá, hay quá phải đi mua thôi. Nhưng mà nhìn cái mặt lại thấy ghét...”. Có lẽ nhiều người chắc muốn Ngọc Trinh viết văn.

Còn phụ nữ ư, tôi vẫn có câu hỏi này dành cho họ: Bạn muốn làm công chúa hay muốn làm thảm chùi chân? Tôi thấy đàn ông "xù lông" là chuyện rất bình thường nhưng tôi thấy có vấn đề ở những người phụ nữ "xù cánh". Vì thế, tôi muốn đối thoại với đàn bà hơn là với đàn ông. Luận điệu của đàn ông là: “Tôi không phải là con lợn mà kể cả tôi là con lợn đấy thì đã làm sao đấy?", chuyện đó tôi cho rằng là bình thường. Sau "vụ con lợn" tôi vẫn thế chẳng có thêm ai, nhưng họ có thêm những câu nói đùa.

Nhưng đàn bà sẵn sàng trở thành thảm chùi chân, thậm chí không phải cho con người mà cho những con lợn, thì đó mới là vấn đề trầm trọng. Nhiều người đàn bà Việt Nam coi đàn ông là thứ duy nhất có thể đánh giá giá trị của họ. Họ tự hào chồng đẹp, ngoan, ăn, tắm ngủ tại nhà, miễn là có một “con lợn” trong nhà, còn hơn "con lợn" đi ra ngoài, tối không về nhà ngủ, như thế có phải khổ không? 

Vì thế, tôi không tìm những comment chửi rủa mình để reply, tôi sẽ trò chuyện nghiêm túc ở những nơi nghiêm túc để nói chuyện, training, phá bỏ những định kiến cũ. Dù tôi biết rằng sẽ chuẩn bị đón nhận những định kiến mới. Nhưng tôi vốn không có ảo tưởng về đám đông. Dù sao tôi tin vẫn có rất nhiều người ủng hộ tôi, vì sự im lặng của họ cũng là tử tế rồi.

Dù là chuyện cũ tôi vẫn có thắc mắc người làm truyền thông giỏi và đủ độ sắc sảo như chị có cố tình gây ra những phát ngôn gây sốc không?

Tôi cho rằng đó là một câu hỏi vô lý. Chưa có trường lớp nào đào tạo phát ngôn gây sốc. Mà nếu có dạy cũng không thành nghề được, vì nó thuộc về kĩ năng, trình độ... Tất cả những phát ngôn gây sốc của tôi bắt nguồn từ khả năng giễu nhại. Câu nói: “Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng đàn ông trước khi dùng” của tôi đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng nhiều người vẫn cho rằng đó là một tuyên ngôn. Tôi có sự hài hước, câu ngắn và từ đắt như thế có thể thành những phát ngôn gây sốc.

Thậm chí, tôi cũng có thể mang cả bản thân mình ra làm sự giễu nhại “Đàn ông không đọc Trang Hạ”, nhưng người ta chỉ nghĩ: “À, đấy, đàn ông đâu có đọc Trang Hạ”. Trong một xã hội nhiều bất trắc như thế này nếu không có sự giễu nhại, hài hước chắc bạn sẽ rất nhanh già.

Có những sự cởi chỉ thấy trần truồng


Vẫn là chuyện phụ nữ, gần đây có không ít các cô gái sẵn sàng cởi đồ để níu tình hoặc cãi nhau cũng cởi, chia tay cũng tung ảnh phòng the… nhà “phụ nữ học” như chị "giải mã" hiện tượng này thế nào?

Tôi thấy sợ, chỉ có thể gọi đó là thiếu giáo dục. Những cô gái này thiếu giáo dục không phải vì không có ai dạy họ. Bố mẹ, trường lớp, xã hội dạy nhưng chưa thành ý thức và càng không thể biến thành hành vi. Có thể họ cũng biết quan điểm phải mạnh mẽ lên khi chia tay, nhưng cuối cùng lại cởi tồng ngồng ra để níu thứ gọi là tình yêu. Tôi phải chúc mừng cái anh này bỏ được cô gái ấy. Chắc không riêng tôi, nhiều người cũng chúc mừng, cô ấy vô liêm sỉ thế thì bỏ là phải.

Nhưng giả dụ nếu cô này làm cuốn tiểu thuyết diễm tình, hoặc lâp một website kêu gọi phụ nữ trẻ hãy làm chủ bản thân khi thất tình chẳng hạn, thì anh này đích thị thành Sở Khanh, xã hội sẽ lên án anh này. Tuy nhiên, khi cô ta hành xử theo cách kia thì chẳng có gì phải bàn cãi, anh ta bỏ cô ấy là hoàn toàn có lý. Tôi cho rằng “anh không đòi quà” là phiên bản đời sống thú vị, không biết phiên bản nào sẽ ra tiếp đây? Vì biết đâu đấy, nay một cô cởi, mai cả rạp cởi đồ thì sao?

Nhưng chị có lý giải được hành động của những cô này dưới góc độ tâm lý?

Tôi nghĩ không biết cô này có não không mà lại hành xử thế. Dù tôi không phải là người ác khẩu nhưng thật lố bịch khi làm cho người khác thấy mình trở nên "kì lạ" trong đời sống này. Có người cởi áo để thể hiện nữ quyền, người đàn bà cởi để bảo tôi còn một bên ngực vì ung thư vú nhưng tôi vẫn dám nude vì tôi mạnh mẽ, tôi có vẻ đẹp của tôi. Ung thư không phải lỗi của tôi, còn nếu anh không nhìn thấy cái đẹp của tôi là tại mắt anh. Có những sự cởi để khoe những đường cong, vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể. Nhưng đúng là có những sự cởi chỉ thấy trần truồng.

Vậy phải chăng một bộ phận giới trẻ đang có vấn đề…

Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ đây là một hành vi cá biệt của một số ít người, hoàn toàn có tính cá nhân, tôi không đánh đồng cho giới trẻ. Trong cuốn “Đàn bà 30” cũng như “Tình nhân không bao giờ đòi cưới” tôi có nói về cách chia tay quá khứ. Đó là bạn cần bước qua anh ta với vẻ xinh đẹp, tự tin hơn, hài lòng hơn để anh ta biết rằng anh ta đã sai. Còn nếu lăn lộn trên giường, hay cởi áo… chỉ là cách làm cho người ta thấy bỏ cô ta là đúng thôi. Chắc những cô gái này không đọc Trang Hạ, nếu đọc Trang Hạ chắc cô ta đã ứng xử khác (cười).

Nếu bạn có ý kiến khác - muốn trao đổi với nhà văn Trang Hạ, hãy gửi email về địa chỉ doisong@afamily.vn hoặc để lại comment phía cuối bài.



Chia sẻ