Trải lòng của bác sĩ “chiến đấu” với nCoV

BẢO LOAN,
Chia sẻ

Khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) xâm nhiễm vào Việt Nam, các bác sĩ ở khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) đã không được đón Tết ở nhà cùng gia đình. Ở đây, mỗi bác sĩ là những chiến binh trong trận chiến chống lại nCoV.

 - Ảnh 1.

Khu vực sàng lọc, thu dung bệnh nhân của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bảo Loan.

Chưa thể về nhà từ 29 Tết

Là bệnh viện tuyến Trung ương có nhiệm vụ sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV nên các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tất bật hơn cả. Đặc biệt là từ khi Việt Nam có ca nhiễm nCoV.

Gặp PV Báo Gia đình & Xã hội khi vừa kết thúc 2 cuộc báo cáo nhanh về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết: 

"Tôi chưa thể về nhà từ 29 Tết bởi vì nCoV, chúng tôi tạm gác lại tất cả mọi chuyện cá nhân, gia đình để túc trực, ứng cứu bệnh nhân và xử lý những ca bệnh. Đặc biệt là việc theo dõi, điều trị các bệnh nhân đang được cách ly lâm sàng, cách ly điều trị tại bệnh viện".

Từ khi nCoV xâm nhiễm vào Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được ví như những người lính bước vào trận chiến và trong cuộc chiến ấy, mỗi bác sĩ phải là một chiến binh. Mặc dù không giấu được sự mệt mỏi trên ánh mắt nhưng BS Nguyễn Trung Cấp tự tin rằng: 

"Bác sĩ có vững tâm, có bản lĩnh, có tự tin thì bệnh nhân mới tiếp được sự can đảm, để cùng chung tay chiến đấu với virus corona".

 - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp bảo hộ y tế khi sàng lọc, thu dung bệnh nhân.

Trong cuộc chiến chống lại nCoV, không thể không kể đến những điều dưỡng viên - người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân đang được cách ly điều trị. Điều mà chị Nguyễn Thị Thu Hà, Điều dưỡng trưởng (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ với chúng tôi khi vừa kết thúc ca trực là nhiều ngày nay, chị chưa thể về nhà. 

"Tôi đã gửi 2 con đến nhà ngoại hơn một tuần nay để an tâm công tác. Nhớ gia đình và các con nhưng đành phải ngắm nhìn con qua ảnh, qua những cuộc gọi face-time", chị Hà trầm ngâm.

Chị Hà cho biết: "Tất cả các điều dưỡng viên, bác sĩ trực tiếp tiếp xúc với người bệnh nhiễm nCoV, trong đó có cả những người trực khu sàng lọc, thu dung bệnh nhân và những người trực tiếp điều trị bệnh nhân đều phải ở một khu riêng biệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người thân và cộng đồng. Trước và sau khi vào khu trực, chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi phải tắm gội bằng nước nóng, thực hiện các bước sát khuẩn, khử trùng và dùng đồ bảo hộ".

"Chúng tôi muốn nói với bệnh nhân rằng, hãy bình tĩnh, tự tin và đầy đủ tâm thế để chiến đấu với bệnh. Còn người nhà của các bệnh nhân, hãy đừng lo lắng, ở đây đã có các bác sĩ lo, từ việc chăm sóc đến nguồn thực phẩm. Người bệnh được cách ly nhiều vòng nghiêm ngặt nhưng bên trong phòng cách ly đều có nhà vệ sinh, ti vi, tủ lạnh cùng tất cả các đồ cơ bản để đảm bảo cho việc sinh hoạt và hồi phục", chị Hà cho hay.

Bệnh nhân hãy đồng hành cùng bác sĩ!

 - Ảnh 3.

Khử trùng trước khi đưa người nghi nhiễm nCoV vào khoa Cấp cứu.

Trong suốt cuộc trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, Trưởng khoa Cấp cứu và Điều dưỡng trưởng của Khoa Cấp cứu chỉ có một mong muốn là những người có nghi ngờ tiếp xúc với người nhiễm nCoV hoặc đi qua vùng dịch, khi đến khám lâm sàng tại bệnh viện, hãy đừng nài nỉ bác sĩ cho về và cũng đừng để bác sĩ ra sức thuyết phục bệnh nhân nhập viện, mà hãy đồng hành cùng bác sĩ trong cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi hô hấp cấp, bởi nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.

Là Điều dưỡng trưởng, chị Nguyễn Thị Thu Hà không chỉ có vai trò chăm sóc sức khỏe cho những người tại khu vực sàng lọc, thu dung bệnh nhân, mà chị còn phải mang trên mình sứ mệnh trấn an tâm lý cho người bệnh. 

Trong suốt những ngày sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, chị Hà không thể nhớ hết được bản thân chị đã thuyết phục, giải thích với bao nhiêu trường hợp khăng khăng từ chối nhập viện.

Vừa thuyết phục thành công một công dân trở về từ Trung Quốc ở lại Bệnh viện, BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ: 

"Phần lớn những người đến khám sàng lọc do nghi nhiễm virus corona đều không muốn ở lại bệnh viện để chờ kết quả xét nghiệm. Chúng tôi chỉ còn cách là phân tích, thuyết phục người nghi nhiễm ở lại để được cách ly và chờ kết quả. Nhiều người năn nỉ không được thì khóc lóc, xin về và tự cách ly nhưng cũng có không ít người không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng với bác sĩ. 

Chúng tôi mong muốn là hãy đừng đưa hết gánh nặng, trách nhiệm cộng đồng lên vai bác sĩ, mà những bệnh nhân đến khám sàng lọc, thu dung cần chia sẻ và đồng hành với bác sĩ để chung tay chống lại dịch bệnh nguy hiểm này".

Theo TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đơn vị huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV. Trong đó, có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Bệnh viện thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. “Về công tác hậu cần, khi tình huống đông bệnh nhân, Bệnh viện đã chuẩn bị hậu cần cho cán bộ, nhân viên, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, máy thở và công tác chuyên môn khác để đáp ứng kịp thời việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện đã có những khu cách ly khác nhau cho những người dương tính với virus corona, người bệnh nghi ngờ cách xa nơi làm việc của cán bộ nhân viên. Đối với bệnh nhân cách ly, chúng tôi đã phục vụ ăn uống tại giường”, TS Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Chia sẻ