TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về từ 9/7: Có đặt đồ ăn qua mạng được không?

Thiên Kim,
Chia sẻ

Việc TP.HCM áp dụng tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về từ 0 giờ ngày 9/7 theo Chỉ thị 16 khiến các shipper đồ ăn có thể phải chuyển sang vận chuyển hàng hóa khác cho phù hợp tình hình thực tế.

Ngày 8/7, UBND TP.HCM đã chính thức ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện cách ly xã hội toàn địa phương theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ ship thực phẩm, không ship đồ ăn sẵn

Trong đó có quy định tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn Thành phố, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày, kể từ 00 giờ 00 ngày 9 tháng 7 năm 2021.

Ngoài ra, văn bản cũng yêu cầu dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách). Dù vậy, dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua ứng dụng (giao hàng shipper) vẫn được phép hoạt động.

Điều này có nghĩa là người dân sẽ không thể mua đồ ăn sẵn từ các cửa hàng, kể cả là mua mang về. Để cho dễ hiểu, thì trong vòng 15 ngày tới kể từ 9/7, người dân TP.HCM sẽ chỉ có thể ngồi nhà đặt mua thực phẩm (ví dụ: thịt bò, rau húng...) chứ không thể gọi ship đồ ăn đã chế biến sẵn (ví dụ: bát phở, đĩa cơm rang...).

Ứng dụng food delivery "đóng băng"

Với quy định như trên thì hàng loạt các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến như Baemin, Now, Grab Food... sẽ gần như bị "đóng băng" tại TP.HCM trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16, bởi các quán ăn uống phải tạm dừng hoạt động.

Thay vào đó, người dân sẽ tập trung vào việc mua lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa.

TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về 15 ngày: Baemin "đóng băng", shipper đồ ăn giờ tập trung... đi siêu thị? - Ảnh 1.

Hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ) sẽ bị dừng nhưng shipper vẫn hoạt động bình thường.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người hạn chế ra đường thì nhu cầu đặt hàng trực tuyến sẽ tăng cao. Vì vậy, các shipper có thể chuyển thành người "đi siêu thị hộ".

Ngoài ra, các mặt hàng, dịch vụ khác như quần áo, đồ gia dụng, dược phẩm, tài liệu... vẫn được phép giao dịch, hoạt động. Lực lượng shipper vẫn có thể tận dụng để giao các mặt hàng này.

Chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết

Tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch, để đạt kết quả cao nhất.

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết:

- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.

- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại Mục 4 của Văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.

Yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.

Chia sẻ