TP.HCM: Cô gái 28 tuổi bất ngờ phát hiện bị vỡ túi độn silicone sau 3 năm tái tạo tuyến vú vì ung thư

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Nhờ đi tái khám định kỳ qua siêu âm vú, bệnh nhân mới phát hiện bị vỡ túi độn ngực và sau đó được phẫu thuật thay túi.

Đó là trường hợp của chị T.T.T.Ng. (28 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM). Trường hợp này được các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM chia sẻ tại hội thảo Phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 22 năm 2019, diễn ra trong 3 ngày 4-6/12.

Cụ thể theo bệnh sử, chị Ng. phát hiện bị ung thư vú trái và đã được đoạn nhũ vào năm 2016.

Đến tháng 11/2016, chị được tái tạo vú trái bằng túi độn silicone. Sau điều trị, bệnh nhân được xuất viện và được chỉ định tái khám mỗi 3 tháng.

Đến tháng 6/2019 trong lần tái khám, siêu âm định kỳ, các bác sĩ bất ngờ phát hiện chị Ng. bị vỡ túi độn nên cho nhập viện trở lại.

TP.HCM: Cô gái 28 tuổi bất ngờ phát hiện bị vỡ túi độn silicone sau 3 năm tái tạo tuyến vú vì ung thư - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật xử lý biến chứng khi đặt túi độn ngực.

Điều đáng nói là thời điểm phát hiện vỡ túi độn tuyến vú 2 bên của bệnh nhân cân đối, sờ không thấy khối hay tổn thương trên vú trái. Hạch nách 2 bên sờ không thấy và các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường.

Siêu âm ghi nhận có hình ảnh túi độn ở phía sau cơ ngực lớn, vỏ bao xơ mỏng liên tục, bờ gợn sóng, giữa các nếp có dịch dày di chuyển khi đè. MRI ghi nhận có vỡ trong bao, silicone có chảy ra ngoài bao implant nhưng còn nằm trong bao xơ.

Người bệnh sau đó được các bác sĩ phẫu thuật lấy túi độn vỡ, bơm rửa và thay túi mới.

Hậu phẫu, tình trạng chị Ng. đã ổn định.

Theo các bác sĩ, túi độn silicone là một chất liệu cần thiết trong phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo vú trên toàn cầu.

TP.HCM: Cô gái 28 tuổi bất ngờ phát hiện bị vỡ túi độn silicone sau 3 năm tái tạo tuyến vú vì ung thư - Ảnh 2.

Một ca đặt túi ngực.

Tuy nhiên đến nay, không có phương pháp chuẩn hoá báo cáo tỉ lệ vỡ túi mà không cần phục hồi.

Thống kê cho thấy, tốc độ vỡ túi ban đầu rất thấp và bắt đầu tăng sau 6-8 năm cấy ghép.

Phần lớn các trường hợp vỡ túi silicone khó phát hiện lâm sàng. Bệnh nhân có triệu chứng co thắt vỏ bao, khối u ở vú hoặc thay đổi hình dạng vú. Có nhiều phương pháp chẩn đoán, đánh giá vỡ túi như MRI, chụp nhũ ảnh, siêu âm, chụp CT và cuối cùng là khám thực thể.

Trong đó MRI có thể đánh giá tính toàn vẹn và độ nhạy của túi với tỉ lệ hơn 90%.

Nguyên nhân phổ biến gây vỡ túi là do tác động của dụng cụ trong quá trình phẫu thuật. Vỡ túi độn silicone có thể được giới hạn trong vỏ bao giả hoặc có thể xâm nhập vào mô vú.

Bệnh nhân khi được phát hiện có triệu chứng vỡ sẽ được theo dõi, phẫu thuật có hoặc không thay túi mới.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo phụ nữ có túi độn trải qua sàng lọc 3 năm sau khi đặt và tiếp tục mỗi 2 năm sau đó.

Dù vậy theo các nghiên cứu từ cơ sở dữ liệu quốc gia của Đan Mạch, không có gánh nặng sức khoẻ nào rõ rệt liên quan đến cấy ghép bị vỡ.


Chia sẻ