TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa hạnh phúc đón con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Khao khát cháy bỏng được làm mẹ trong suốt 13 năm trời của người phụ nữ đã được cô em chồng nhận giúp quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày. Đây cũng là ca mang thai hộ thành công đầu tiên tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM.

"Vợ chồng tôi mừng lắm và rất vui sướng khi được biết con chúng tôi là đứa trẻ đầu tiên của chương trình mang thai hộ tại bệnh viện" – chị P.T.H.N. (41 tuổi), người phụ nữ chia sẻ xúc động.

Khao khát cháy bỏng được làm mẹ trong suốt 13 năm qua, mà nay ước mơ ấy đã trở thành hiện thực nhờ chương trình mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 1.

Cô bé ra đời nhờ em dâu của mẹ mang thai hộ.

13 năm chịu đủ đau đớn cầu con

Chị N. và chồng kết hôn năm 2008 tại quê anh ở Đồng Nai. Với hy vọng sẽ sinh con ngay từ lúc mới cưới nên anh chị vừa xây dựng cuộc sống gia đình vừa bồi dưỡng cơ thể để đón nhận em bé.

Tuy nhiên, mong mỏi ấy cứ vơi dần khi thời gian trôi qua rất lâu mà vẫn chưa có thai. Lấy hết can đảm để đi thăm khám từ năm 2014, bác sĩ từ các bệnh viện lớn nhỏ đều chẩn đoán chị có u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng 2 bên rất lớn và lạc nội mạc trong cơ tử cung, ứ dịch nặng 2 ống dẫn trứng.

Nếu muốn có con, vợ chồng họ cần can thiệp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho người vợ rất kỹ.

Buồn lắm, nhưng chị N. và chồng vẫn động viên nhau quyết định bắt đầu hành trình tìm con bằng tất cả sự nỗ lực của hai vợ chồng.

Lựa chọn Bệnh viện Hùng Vương là nơi gửi gắm niềm tin của mình, chị trải qua cuộc phẫu thuật nội soi cắt bỏ ống dẫn trứng và u nang 2 buồng trứng.

Anh bên ngoài đứng ngồi không yên vì lo lắng cho vợ. Chị thấy cảnh đó, thương lắm nên càng quyết tâm nén chịu cơn đau sau mổ để anh cảm thấy yên lòng và thầm nhủ mình sẽ làm mọi cách để tặng cho anh một đứa con.

Lần đầu chị thực hiên thụ tinh trong ống nghiệm là năm 2015, chị được bệnh viện báo chỉ được một lần chuyển phôi do số phôi tạo được rất ít.

Bấm bụng, chị thực hiện chọc hút trứng lần thứ 2… rồi lần 3 trong cùng năm 2016.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 3.

Cô bé là sự chờ đợi suốt 13 năm của vợ chồng chị N.

Những mũi kim tiêm kích thích buồng trứng như "cắm vào sâu trong xương tủy" vẫn không thể làm mòn đi quyết tâm có thai của chị.

Lần thứ 3, chị đã thành công. Ngày xét nghiệm máu sau chuyển phôi, vợ chồng chị vui mừng khôn xiết.

Anh chị dự tính sẽ có một em bé kháu khỉnh sau 10 tháng, dự tính đặt tên cho con, dự tính nếu con trai sẽ mua thật nhiều ô tô đồ chơi, nếu gái sẽ mua thật nhiều váy áo…

Niềm vui kéo dài chỉ vỏn vẹn 2 tháng sau khi… chị bị sẩy thai. Cuối cùng, bác sĩ khuyên người vợ nên chọn lựa giải pháp mang thai hộ.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 4.

Những người theo sát hành trình tìm con của sản phụ đều không khỏi xúc động.

Em gái mang thai hộ giúp vợ chồng anh trai thỏa ước nguyện

Toàn bộ quá trình từ bắt đầu làm hồ sơ, duyệt hồ sơ, tư vấn về pháp lý và chuyên môn, các bác sĩ luôn tạo điều kiện tốt nhất để anh chị có thể dần hiện thực hóa ước mơ của mình.

Chị may mắn tìm được người thân mang thai hộ một cách nhanh chóng. Đó chính là người một người em 37 tuổi bên phía gia đình chồng.

Vậy nên hồ sơ của chị được tiến hành thuận lợi và suôn sẻ. Ngày chuyển phôi của chị vào tử cung người mang thai hộ, anh chị không ngừng cầu nguyện và lo lắng vì đó là một trong hai phôi còn sót lại của mình.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 5.

"Hai bà mẹ" bên cô con gái nhỏ.

Hồi hộp xen lẫn lo âu hiện rõ lên nét mặt của anh chị và cả những nhân viên y tế khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương.

Và rồi, anh chị và tất cả những nhân viên khoa như vỡ òa khi kết quả xét nghiệm sinh hóa cho thấy phôi đã thụ thai trong tử cung của người mang thai hộ với chỉ số beta rất cao.

Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui, em bé dần có phôi thai, tim thai, bắt đầu lớn dần, cử động trong tử cung người mẹ mang thai hộ.

Theo dõi sự phát triển từng ngày của con, anh chị cứ ngỡ như mình đang mơ.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 6.

Các bác sĩ cũng hạnh phúc chia vui cùng gia đình.

Có đôi khi những khó khăn xuất hiện trong thai kỳ như người mẹ mang thai hộ bị đái tháo đường thai kỳ, rồi huyết áp cao phải nhập viện điều trị trong những tháng cuối thai kỳ khiến anh chị thấp thỏm.

Thời gian mang thai em bé lại rơi đúng vào đợt dịch COVID-19 đang hoành hành, việc khó khăn khi đi lại giữa hai tỉnh thành để thăm khám và đảm bảo an toàn phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Nhưng dẫu có thêm bao khó khăn đi nữa, vợ chồng chị N. vẫn sẽ luôn sát cánh cùng nhau vượt qua mọi thứ để đón "niềm vui" mà anh chị đã hằng mơ ước trong 13 năm qua…

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 7.

Bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.

Và đến ngày 9/7, vợ chồng chị N. thông báo trong nghẹn ngào: Em gái đã hạ sinh con của anh chị khỏe mạnh.

Xúc động đến mức giọng nói run lên không thành lời, chị N. vì vẫn chưa thể tin rằng mình đã nhận được quả ngọt như hôm nay.

PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, đây là trường hợp mang thai hộ thành công đầu tiên tại bệnh viện, sau khi chính thức được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 8.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương bên bé gái mang thai hộ thành công đầu tiên tại đây.

Với những nỗ lực về cả phía cặp vợ chồng hiếm muộn, người được nhờ mang thai hộ và đội ngũ y bác sĩ của khoa Hiếm muộn, các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật này và đặc biệt là đã mang đến niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp họ thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ mà họ đã mong đợi từ rất nhiều năm.

Đây là bước khởi đầu để bệnh viện có thể tiếp tục chương trình mang thai hộ và sẽ đem lại nhiều hạnh phúc hơn nữa cho các căp vợ chồng hiếm muộn nói chung và những cặp vợ chồng hiếm muộn có chỉ định mang thai hộ nói riêng…

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 9.

Đây là bước khởi đầu để bệnh viện có thể tiếp tục chương trình mang thai hộ.

Với vợ chồng chị N., họ gửi đến với đội ngũ y bác sĩ lời cảm ơn chân thành nhất từ tận trong tim mình.

Còn Ban giám đốc bệnh viện và đặc biệt là những nhân viên y tế khoa Hiếm muộn cũng thấy mình đã may mắn khi chứng kiến được hình ảnh người mẹ đang bế ẵm đứa con của chính mình với ánh mắt ngập tràn hạnh phúc.

TP.HCM: 13 năm chịu đựng nhiều đau đớn, người phụ nữ vỡ òa đón đứa con đầu lòng nhờ em chồng mang thai hộ - Ảnh 10.

Vợ chồng chị N., họ gửi đến với đội ngũ y bác sĩ lời cảm ơn chân thành nhất từ tận trong tim mình.

"Và chúng tôi tin rằng, giữa dồn dập những đợt sóng dịch bệnh COVID-19, thì vẫn còn đâu đó những khát khao, những nỗi niềm, những hạnh phúc.

Đặc biệt là những mầm sống đang len lỏi vươn lên từ những khó khăn để lan tỏa một sức mạnh kỳ diệu..." anh Trần Hữu Nhân – Phòng Công tác xã hội của BV trải lòng.

Chia sẻ