Tôi đi làm chỉ mong đến cuối tuần và cực kỳ sợ ngày thứ Hai ở công ty

M.B,
Chia sẻ

Người đến kẻ đi, vậy mà sếp tôi vẫn chẳng rút được kinh nghiệm...

Hiện tại công việc khiến tôi khá stress và mệt mỏi, song tôi không thể nghỉ được vì rất nhiều lý do. Công ty này làm về mảng nội thất, đồ gia dụng còn tôi đảm nhiệm vị trí lên kế hoạch bán hàng, tư vấn cho khách. Đợt dịch, tình hình kinh doanh lao đao khiến cho công ty gặp nhiều trở ngại khó khăn. Lương của nhân viên cũng bị cắt giảm. Song từ cuối năm ngoái, mọi thứ trở lại bình thường, mức lương cũ mới được khôi phục.

Đáng nói ở đây là chuyện sếp tôi, tức người quản lý cả phòng bán hàng rất "hắc ám". Tôi sẽ kể hết về những điều vô lý của sếp, và chắc chắn các bạn sẽ thấy... sợ. Đầu tiên là việc, sếp tôi đi làm từ rất sớm, mặc dù công ty yêu cầu chấm công trước 9 giờ nhưng khoảng 7 giờ là chị ấy có mặt ở văn phòng rồi. Bình thường chúng tôi toàn gần 9 giờ mới đến và bắt đầu ngồi vào bàn làm việc. Hàng sáng, sẽ luôn có "bài ca" rằng "Các anh các chị ngủ trương thây bây giờ mới đi làm đấy à?". Mặc dù chúng tôi đang làm đúng luật, không đi muộn, chỉ là sát giờ mới tới, đâu có gì sai chứ?

Không chỉ vậy, cứ hễ mọi chuyện không được như ý của sếp, chị ấy sẽ nói đi nói lại, thậm chí mắng chửi cấp dưới cả buổi. Chúng tôi không tập trung làm việc được, càng không thể đeo tai nghe để át tiếng ồn. Rất nhiều nhân viên vào làm việc sau tôi đã ức chế mà nghỉ việc.

Từng có một giai đoạn, sếp soi đến cả từng bức ảnh của nhân viên, nếu thấy ai đi chơi cuối tuần, chị ấy sẽ "ghim" trong đầu, để rồi khi đi làm thì nói với giọng điệu kiểu "Tưởng là chăm chỉ thế nào, cuối tuần cũng đi chơi bạt ngàn đấy!". Chị nói vậy với hàm ý nhân viên nếu không làm việc chăm chỉ cũng đừng up ảnh đi chơi. Thật vô lý!

Tôi đi làm chỉ mong đến cuối tuần và cực kỳ sợ ngày thứ Hai ở công ty  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nhưng chưa là gì so với những buổi họp ác mộng sáng thứ Hai hàng tuần. Đó là buổi họp như nhấn chìm cả một tuần làm việc. Kể cả khi doanh số bán hàng có tăng, sếp cũng rất kiệm lời khen. Dường như, cấp trên chỉ biết đào bới lỗi để mắng mỏ nhân viên mà thôi, mệt mỏi vô cùng. Tôi đã phải vào "phòng họp định mệnh đó" gần 3 năm trời. Cứ đến sáng thứ Hai, là phòng lại vang lên nhiều tiếng mắng mỏ. Nhân viên mới vào rất sợ kiểu làm việc quá gay gắt của sếp.

Cứ khoảng 1-2 tháng, phòng tôi lại phải tuyển thêm nhân sự vì người cũ không chịu được cách làm việc hà khắc. Tôi còn từng nghe sếp bảo với phòng nhân sự là họ rất kém cỏi trong việc tìm người. Chả nhẽ, chị ấy không nhận ra vấn đề nằm ở chính bản thân mình hay sao? Đúng là nực cười.

Còn về phía tôi, tôi không dám nghỉ vì bây giờ 3 năm làm việc, tôi cũng tạm coi là có mức thu nhập ổn. Chỉ sợ ra ngoài, tôi phải bắt đầu lại mọi thứ, mà chưa chắc mức thu nhập đã như ý muốn. Song điều đó đồng nghĩa tôi phải chấp nhận chịu đựng cách làm việc của chị sếp khó tính kia.

Mỗi tuần, tôi đều chỉ mong đến cuối tuần để được ở nhà, không phải gặp sếp, cũng như rất sợ sáng thứ Hai bước vào căn phòng họp đáng sợ. Thật tình, tôi không biết mình có thể trụ lại ở công ty tới chừng nào. Có những người vào sau tôi, họ đã nghỉ việc hết rồi. Bạn bè nghe tôi kể chuyện, chúng nó nói tôi là kẻ cam chịu, hèn nhát không dám đứng lên đấu tranh. Nhưng tính tôi là vậy, bất bình trong lòng chứ ngoài mặt nào có dám "bật" lại sếp đâu...

Tôi có tâm sự câu chuyện của mình với nhiều người, họ đều bảo tôi nên nghỉ việc sớm, kẻo sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chỉ để tâm tới mức lương thì không thể sống vui vẻ, hạnh phúc được. Ngoài những yếu tố về phúc lợi thì chúng ta cũng cần để tâm nhiều hơn về môi trường làm việc cũng như tính cách của cấp trên. Tôi nghe lời khuyên như vậy thì rất hiểu, chỉ là hơi khó áp dụng. Ước gì sếp tôi có thể nhận ra rằng chị ấy đã phạm quá nhiều sai lầm khi làm lãnh đạo. Nhưng chị ấy cứng nhắc, bảo thủ quá...

Chia sẻ