Tổ ấm nhỏ tràn đầy hạnh phúc của người đàn bà hiếm muộn và bé gái bị mẹ bỏ rơi trên xe taxi
"Lúc bị bỏ rơi, con không có giấy tờ gì trên người, chỉ mặc mỗi chiếc áo mỏng manh, vỏn vẹn chiếc giỏ nhựa đựng cái xoong con ngoáy bột, bình sữa be bé vẫn còn nguyên hơi ấm... Vậy mà giờ con đã lớn, xinh đẹp, ai cũng mến yêu".
Con mèo mướp nhảy rầm xuống mái tôn giữa trưa, khiến đàn gà giật mình. Mảnh vườn nhỏ toàn cây chanh, húng quế, hương nhu thơm ngát, cây nào cũng đã già, mọc vừa cao vừa rậm, che khuất người phụ nữ dáng đậm đang lui cui bới tro bếp, mồ hôi lấm tấm. Nắng cuối tháng 10 hanh hao, càng khiến người ta thấy quạnh hiu trong không gian tĩnh lặng, ai cũng nghỉ ngơi buổi trưa, chỉ có căn bếp nhỏ phía sau ngôi nhà cũ kỹ này lúc nào cũng bận rộn.
Vì tôn trọng ước nguyện của vợ chồng cô, nên tôi xin phép không nêu rõ địa chỉ, để tổ ấm nhỏ ấy giữ được sự bình yên, họ muốn con gái nuôi được lớn lên trong tình yêu thương ấm áp và có cuộc sống an nhiên, không sóng gió. Người dân xung quanh khu tập thể cũ đều biết gia đình cô, dù ít dù nhiều, bởi vốn dĩ cái ngày cô bé con bị bỏ rơi trên xe taxi, rồi được cô Phương nhận nuôi, sự kiện ấy đã làm xôn xao cả một vùng hiền hòa, yên ả.
Cô Phương năm nay đã hơn 40 tuổi, vợ chồng cô kết hôn gần 10 năm nhưng không có con. Cưới xong, họ rất nghèo, đã thế số phận còn trêu ngươi không cho họ hạnh phúc vẹn toàn được làm cha làm mẹ, song, vợ chồng cô vẫn rất yêu thương nhau, luôn cầu trời khấn phật ban phép màu cho một hài nhi giáng thế.
Ngôi nhà thuê tuềnh toàng đơn sơ với đồ đạc ngổn ngang.
Cuối cùng, trời không phụ người có tâm, vào một chiều tháng 6 oi ả cách đây vài năm, khi cô Phương đang tất bật với hàng ăn nhỏ ở gần nhà, thì một người hàng xóm hớt hải chạy ra, gọi cô lên phường.
"Nghe cô bạn cạnh nhà nói qua loa câu chuyện, tôi vứt hết hàng quán khách khứa đấy, đạp xe thẳng lên công an phường. Gần đến nơi đã nghe tiếng trẻ con khóc la ầm ĩ, bản năng làm mẹ trỗi lên hay sao đó, chẳng kịp dựng xe, tôi chạy vào ngay. Một bé gái da đen, nhăn nheo, bé tí, tóc thì chẳng có, đang được mọi người tìm đủ cách dỗ dành. Tôi xin làm thủ tục giấy tờ nhận nuôi con ngay trong hôm ấy.
Chẳng biết linh thiêng thế nào, đứa bé khóc dữ lắm, mấy tiếng đồng hồ liền, nhưng khi tôi bế cháu về nhà, hàng xóm khuyên thắp hương xin thổ thần tổ tiên, thì đêm đó nó ngưng bặt. Nhưng chỉ theo tôi thôi, bao người hiếu kỳ tới xem bé, đòi bế nựng, nó khóc ré lên. Dù tôi không có sữa nó vẫn nằm yên trong lòng, ngậm chặt ti như thể đang bú mẹ. Chớp mắt mà cháu được hơn 4 tuổi rồi đấy, vừa xinh xắn vừa quấn bố mẹ vô cùng".
Tôi hỏi vì sao cô biết tuổi của bé, vì lúc bị bỏ rơi bé không có giấy tờ gì trên người, chỉ mặc mỗi chiếc áo mỏng manh, vỏn vẹn chiếc giỏ nhựa đựng cái xoong con ngoáy bột, bình sữa be bé vẫn còn nguyên hơi ấm. Cô Phương dựa lưng vào bức tường tróc vữa, đáp rằng, lúc bị bỏ rơi, bé được 8 tháng rưỡi, đó là điều duy nhất họ biết được, do anh lái taxi bắt chuyện hỏi han mẹ ruột đứa bé.
Chiếc taxi hôm ấy được người mẹ yêu cầu chở đi lòng vòng, cuối cùng dừng lại trong con ngõ nhỏ gần nhà cô Phương, cô ấy nói chạy vào nhà lấy tiền trả, để lại đứa bé làm tin nên anh tài xế không thắc mắc gì. Nhưng nửa tiếng, rồi nửa ngày trôi qua không thấy cô ấy đâu, anh taxi bế đứa bé khát sữa khóc ngằn ngặt trên tay chạy quanh khu dân cư, hỏi xem nhà ai có con gái mới sinh, chẳng ai biết. Và cái duyên trời định ấy đã giúp mẹ con cô Phương đến với nhau.
Căn bếp cũ nơi cô Phương hàng ngày cặm cụi chuẩn bị đồ ăn bán buổi chiều, kiếm sống nuôi con cùng chồng.
Lúc tôi đến thăm, chồng cô đang ngủ, còn con gái nuôi của cô không có nhà, bé ở chơi bên bà ngoại, cách đó mấy dãy. Vì nhiều nguyên nhân nên bé chưa được làm giấy khai sinh, nhưng cô vẫn đặt cho bé cái tên rất hay là Vi. Bao nhiêu ước vọng tốt đẹp của người phụ nữ hiếm muộn gửi gắm hết vào đứa trẻ mà định mệnh đã mang đến cho vợ chồng cô. Tình mẫu tử sâu đậm suốt mấy năm qua, chỉ có những người thân, bạn bè, hàng xóm trong khu phố nhỏ ấy trông thấy hàng ngày mới có thể hiểu được.
Chiều nào cũng vậy, bất kể đông hè, cô Phương đều bận rộn chuẩn bị nguyên liệu bán đồ ăn.
Ở nhờ bố mẹ đẻ được một thời gian, vợ chồng cô Phương bàn nhau thuê nhà riêng cho thoải mái, con gái lớn lên có không gian riêng tư. Họ may mắn kiếm được căn nhà 1 tầng cũ kỹ nằm sâu cuối ngõ, cách nhà ông bà mấy dãy, có việc gì dễ qua lại chăm nom. Cuộc sống giản đơn, chẳng dư dả gì, nhưng vợ chồng cô Phương chưa bao giờ tiếc tiền mua sắm cho con gái nuôi, bởi với họ, Vi không khác gì khúc ruột cùng chung huyết thống do cô mang nặng đẻ đau sinh ra.
"Vi ngoan lắm, hồi trước con bé khá lì, nhưng giờ hoạt bát hơn, nói rất nhiều, líu lo suốt ngày. Sáng nay ngủ dậy, nó lúc lắc đầu, ngồi thừ mặt ra rồi mếu máo kêu đau răng, thế là phải cho nghỉ học. Nó sướng quá, ôm điện thoại chạy sang nhà ông bà luôn. Bố mẹ bận rộn làm hàng chiều bán nên cũng không trông được, chỉ có buổi trưa nó chạy về ăn tí cháo tí bánh rồi lại tót đi.
Trộm vía, con lớn lên khỏe mạnh thông minh, lanh hơn bao nhiêu đứa trẻ khác cùng lứa. Lúc mới về đây được vài hôm thì con bị sốt virus 1 tuần, nhưng rất ngoan, chịu uống thuốc, uống sữa ngoài không kén mấy. Giờ thì ăn khỏe lắm, lại còn biết ăn ngon cơ".
Bận luôn tay làm việc nhưng đôi mắt cô Phương vẫn long lanh, gương mặt hồng lên trong nắng, như thể bao nhiêu hạnh phúc viên mãn đều toát cả ra ngoài. Nhìn căn nhà nhỏ, tôi nghĩ chắc gia đình cô yêu thương nhau nhiều hơn là những vật chất đắt giá. Bao nhiêu thứ ngon lành, đẹp nhất xịn nhất, vợ chồng cô đều dành cho bé Vi.
"Chiều nào nó cũng chơi loanh quanh ở hàng bánh đúc của mẹ. Nịnh mẹ ghê lắm, biết nói thương bố mẹ hàng trăm lần. Chẳng biết lớn lên được nhờ không, nhưng giờ đã thấy mồm nó dẻo lắm, biết thừa nó nịnh nhưng mát ruột lắm ấy chứ.
Bố nó thì chiều con hơn cả công chúa, hai bố con hợp nhau vô cùng, chơi với nhau cả ngày không chán. Ông ấy sắm hẳn cái giường mét hai, chỉ toàn đồ chơi của con, suốt ngày mua về cho con nào búp bê, đèn lồng, đồ hàng, váy áo giày dép các kiểu. Hôm qua 2 bố con nó vừa đưa nhau đi sắm cái bộ phù thủy độc ác kìa, nó bảo con sẽ mặc đi xin kẹo ngày Halloween. Mình thì mải mê kiếm tiền, mù đặc chẳng biết cái gì, mà con thì hỏi cái gì cũng biết, cứ hỏi các cô dì chú bác quanh đây xem, gặp nó ngoài đường hỏi han mấy câu chỉ có cười vỡ bụng. Nó như bà cụ non ấy, lanh lợi rồi lại còn hay trêu người khác".
Gần đến 4h chiều, cô Phương chuẩn bị xong xuôi các thứ để cho lên xe hàng, chồng cô đẩy ra đường ngồi góc quen thuộc cách đó không xa. Tôi ghé nhà ông bà ngoại Vi, gặp ngay cô nhóc nằm vắt vẻo trên chiếc ghế dài cùng ông ngoại ngoài hiên, chăm chú cầm điện thoại xem nhạc thiếu nhi. Bà ngoại đang ngồi gấp vỏ hộp, nhận làm thuê kiếm thêm đồng ra đồng vào, vừa nhìn đứa cháu nuôi vừa kể chuyện khá hóm hỉnh. Có vẻ như, bé là niềm vui bất tận của cả nhà, nhắc đến bé là gương mặt ai cũng bừng lên sức sống.
"Ngày cháu nó mới được đón về, lạ lẫm không có hơi mẹ hơi sữa nên nó khóc inh ỏi. Đầu thì trọc lóc, mình nhìn nó cũng thấy lạ cơ (cười). Nhưng rồi bà nói với mẹ nó (cô Phương – PV) là thôi con mình hiếm muộn, gặp được bé là duyên lộc trời ban, khó khăn nghèo túng mấy mình cũng sẽ nuôi được. May mắn là cháu nó lớn khôn mạnh khỏe, lại có phần thông minh nổi trội.
Nó lanh lắm, nhanh mồm nhanh miệng nữa. Nhà có khách đến chơi, nó hỏi nhỏ bà rằng: bà ơi bạn bà là ai kia? Tại sao bà vẫn khỏe mạnh mà bạn bà phải đến thăm làm gì? Hỏi xong bà cũng đứng hình luôn (cười). Rồi dăm hôm nó lại chau mày, vừa nghe nhạc vừa chống cằm nói: Bà ơi bà đừng đeo kính nữa, trông già lắm! Bà nhìn ông kìa, không đeo kính vẫn đọc được sách, trông trẻ chưa?".
Dù không giàu có nhưng tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất vợ chồng cô Phương đều dành hết cho con.
Vừa kể xong thì cô nhóc chạy vụt vào nhà, khoe bà bài nhạc yêu thích, rồi nhảy múa hồn nhiên. Bàn tay mũm mĩm khua đi khua lại, dễ thương vô cùng. Có đứa con gái nuôi bụ bẫm ngoan lành như vậy, ai mà không cưng chiều! Bà ngoại bé còn vui vẻ tiết lộ, cô cháu lém lỉnh có sở thích ăn tràng lợn luộc chấm mắm chanh ớt, ăn da gà không ăn thịt, thích cả thịt bò. Múa hát giỏi, lúc nào cũng khoe cháu sẽ đi thi làm ca sĩ diễn viên như phim Hàn. Bữa cơm nào thiếu vắng cô nhóc là cả nhà buồn hiu. "Nó đi học thì đỡ nghịch, nhưng mà nhớ lắm, nó về là ông bà cô bác cười còn hơn trúng xổ số".
Bà nhìn theo bóng dáng tí hon mặc bộ đồ hồng nhí nhảnh nhảy quanh nhà, gương mặt đầy nếp nhăn giãn ra vì niềm hạnh phúc vô giá không gì sánh nổi. Đang múa, bé ngước đôi mắt tròn xoe nhìn đồng hồ, giật mình như người lớn, kêu ầm lên với bà ngoại: cháu phải đi bán bánh với mẹ Phương đây, chắc mẹ mong cháu lắm. Ai cũng phì cười. Dọc đường đi, người quen nào bắt gặp cũng ngồi xuống hỏi han cô bé, hẳn cả khu phố ai cũng quý mến bé nhiều lắm.
Cả vợ chồng cô Phương lẫn người dân xóm nhỏ đều chưa bao giờ nghĩ sẽ có một đứa trẻ xuất hiện một cách kỳ diệu như thế trong cuộc sống bình dị của họ. Khởi đầu cuộc đời bé Vi không phải là một trang thơ dịu dàng êm ái. Bé còn quá nhỏ nên cô Phương có nói sự thật về thân thế của con, thì chắc bé cũng không hiểu. Nhưng đôi vợ chồng tốt bụng ấy quyết định nếu con gái trưởng thành, cũng sẽ không giấu giếm bất kỳ điều gì.
"Con là một bé gái ngoan ngoãn, xinh xắn, mang nụ cười cho tất cả mọi người xung quanh, như thiên thần nhí vậy. Tôi nhất định sẽ cố gắng để con có cuộc sống tốt đẹp hơn, ở ngôi nhà mới hơn, biết nhiều hơn về thế giới xung quanh. Vợ chồng tôi bây giờ bận rộn kiếm tiền đến nỗi ít có thời gian dành cho con, chỉ tắm rửa, chơi một chút với con buổi tối rồi cả nhà ôm nhau đi ngủ, dù biết là có lỗi với con, bé cũng biết phàn nàn về điều đó rồi, nhưng thật sự gia đình tôi còn quá nhiều khó khăn không thể nói hết".
Ra về, đi ngang qua quán nhỏ, tôi thấy bé đang dựa vào mẹ. Khách đông nghịt, thi thoảng có người khen cô bé dễ thương, biết ngoan cho mẹ bán hàng. Cũng chỉ mong cuộc sống của họ mãi êm đềm bình an như vậy.
* Tên nhân vật đã được thay đổi