Vợ "hổ mang"

Di Thủy,
Chia sẻ

Long không thuộc dạng người hiền như đất nhưng cũng đành im lặng trước thói "hổ mang" của vợ vì không muốn ảnh hưởng đến con và thêm lời dị nghị từ người ngoài.

Vợ "lộng ngôn", chồng đành "ngậm tăm"

Ngày cưới Long, chú rể được dịp "nở mày nở mặt" vì ai cũng khen cô dâu xinh. Quyên trắng trẻo, người dong dỏng cao, tính cô lại hay nói nên nhanh chóng gần gũi bạn bè, người thân của Long. Long lại chừng mực, ít nói nên riêng chuyện "đấu khẩu" với người yêu, lần nào anh cũng thua. Khốn khổ nhất là Quyên rất hay ghen bóng ghen gió đâu đâu. Mỗi lần có gì nghi ngờ, cô phải ngồi căn vặn, chửi rủa cho hả dạ mới thôi. 
 
Vợ chồng người ta lỡ có "sứt mẻ" gì vẫn thường đóng cửa bảo nhau, đằng này hễ có việc gì dù bé bằng con kiến Quyên cứ oang oang ngay trước mặt con và hàng xóm. Đã nhiều lần Long góp ý, rồi nhắc nhở nhưng biết chồng không dám "lên lớp" khi có người ngoài đứng đó nên cô vẫn chứng nào tật ấy.

Cuối tuần vừa rồi, phòng Long tổ chức đi tham quan ở Ninh Bình trong một ngày. Đường xa, lại đi nhiều nơi nên hơn 11 giờ đêm cả đoàn mới về đến Hà Nội. Do không tiện đường nên các anh không thể đưa hết chị em về tận nhà. Thiết nghĩ là trưởng phòng, phải có trách nhiệm lo cho anh chị em đi đến nơi về đến chốn nên về nhà, Long nhắn tin lần lượt cho từng người hỏi xem đã về đến nhà chưa. 

Trong lúc Long đi tắm, thấy điện thoại liên tục có chuông báo tin nhắn, Quyên tò mò mở ra đọc. Máu ghen trong Quyên bùng lên, cô vào lôi thốc hai đứa con ra và bắt đầu "bài ca": "Xem bố chúng mày kìa, bảo sao mà về muộn, sao mà sáng họp, tối họp, cả tuần cơ quan, cuối tuần lại cơ quan. Lại còn ngang nhiên nhắn tin trước mặt con này à, giỏi lắm. Thích thì đi luôn đi". 
 
Giọng Quyên cứ lanh lảnh hướng về phía chồng, vừa nói, cô vừa cầm chiếc điện thoại chỉ chỏ. Long cứ cất tiếng thì cái giọng chua ngoa kia lại sa sả át đi. Thấy bố mẹ nói to, hai đứa trẻ sợ hãi, níu tay nhau định bước về phòng nhưng Quyên nhất định không cho: "Đi đâu, ở đây mà xem bộ mặt thật của bố chúng mày kia kìa. Đồ đểu". Không những thế, cô còn văng những từ bậy bạ ra để chửi chồng trước mặt con cái.

Long ấm ức lắm nhưng không muốn to tiếng trước mặt con. Anh vừa kịp lên giọng: "Để cho hai đứa ngủ mai còn đi học, khuya rồi" thì vợ càng được đà giữ chặt hai đứa lại. 

Đây không phải lần đầu tiên Quyên làm thế. Chắc nắm được điểm yếu của chồng nên hễ cãi nhau, cô lại nhất quyết phải cho con chứng kiến. Một lần khác, hai vợ chồng cãi nhau, các con đi học, cô mở tung cửa cất tiếng oang oang về phía nhà hàng xóm. Càng thấy có người, Quyên lại càng gào to hơn như thể được dịp bù lu bù loa cho người ngoài biết. 

Long không thuộc dạng người hiền như đất để vợ lên mặt cũng đành im lặng trước thói "hổ mang" của vợ - sẵn sàng giương giọng, ngoái cổ chửi chồng vì không muốn ảnh hưởng đến con và thêm lời dị nghị từ người ngoài. Còn Quyên, cô vẫn giữ thói cứ phải cho người ngoài cuộc biết thì mới hả dạ. 

Vợ "hổ mang" 1
Thấy chồng không nói, Quyên càng được đà quá quắt (ảnh minh họa).
 
Không cần đao to búa lớn nhưng vẫn "trị" được vợ

Tùng (Cửa Nam - Hà Nội) cũng chung cảnh "vợ khó trị". Nhưng giờ đây, nhìn vợ Tùng cơm nước, chăm sóc mẹ chồng ốm nằm viện, ai cũng trố mắt ngạc nhiên. Trước khi lấy chồng, Hoa vốn là tiểu thư con nhà giàu, việc gì trong nhà cũng có ôsin làm hết, đến luộc bắp cải còn phải gọi điện hỏi thái như thế nào cho vừa. 
 
Vẫn giày cao gót, vẫn váy ngắn, áo bó, mỗi bước cô đi cả hành lang bệnh viện đều phải nhìn theo. Vào đến giường mẹ chồng nằm, cô vội vã bỏ túi đồ, lấy cháo, gọt cam, đợi mẹ ăn xong lại bê hết bát đũa đi rửa. Rồi cả đống quần áo trút dưới gầm giường từ hôm trước, loáng một cái cô cũng giặt xong tinh tươm mới về đi làm. Bác bệnh nhân nằm giường bên cứ tấm tắc: "Con dâu bà được cả người lẫn nết, làm gì cũng nhanh". 
 
Bạn Tùng cứ thắc mắc, sao nhà Hoa giàu có mà chả có vẻ tiểu thư, làm gì cũng thoăn thoắt. Đã thế, trước đây cô còn có thói ăn nói chanh chua, chảnh chọe ngay cả với mẹ chồng. Nhưng giờ thì ngoan ngoãn một dạ, hai vâng. Lúc này, Tùng mới được dịp ra oai: "Phải có thời gian cả đấy. Các ông không biết à, không có chiêu thì làm sao vợ nghe lời!". Nghe thế, đám bạn chẳng ai tin, cứ ngỡ Tùng chỉ giỏi "chém".

Có chứng kiến hành trình "dạy vợ" của Tùng, nhiều người mới nể thật. Ngày Hoa về ra mắt, mẹ Tùng đi chợ mua đủ thứ lỉnh kỉnh về nhưng phải trông cháu nên không thể vào bếp. Hoa định ngồi dăm câu ba điều rồi chào về nhưng người yêu không cho, bắt ở lại nấu cơm. Thế là lần đầu tiên trong đời một mình Hoa phải ấm ức xắn tay nấu bữa một mình. Có con cá to không biết loay hoay ra sao, Tùng phải làm giúp. Còn lại, làm đến đâu Tùng lại chỉ đến đấy, cái gì anh không biết thì bắt Hoa vào hỏi mẹ. Không có món nào trong bữa hôm đó thật vừa gia vị, nhưng mẹ Tùng dễ tính cũng chẳng để ý mấy. Từ sau lần ấy, hễ đến chơi, Tùng lại giục Hoa xuống bếp phụ mẹ cơm nước. 
 
Tùng kể rằng từ khi chuẩn bị đến lúc kết hôn có cả trăm thứ việc Hoa không biết gì, hoặc Tùng làm cùng, hoặc anh chỉ cho vợ cách làm. Còn đối với lối ăn nói không kính trên, nhường dưới, mỗi lần Hoa như vậy là Tùng sử dụng độc chiêu "chiến tranh lạnh" cả tháng trời không thèm nói với cô câu nào. Thế là dần dần, Hoa chừa hẳn, ăn nói nhẹ nhàng, lễ độ hơn.

Sau một thời gian "huấn luyện" giờ Hoa đã khá hơn nhiều, dẫu chẳng đảm đang, khéo léo lắm nhưng bù lại, Hoa làm gì cũng tiến bộ trở thành dâu ngoan trong nhà. 



Có những ông chồng thích dạy vợ bằng bạo lực
Vợ "hổ mang" 2
Chia sẻ