“Tôi lấy anh giống như lấy 1 cục nợ”

Chị Tâm An,
Chia sẻ

Chồng tôi lén lút lấy tiền lo vào những khoản mà mẹ chồng bắt buộc 1 cách vô lý. Nhiều lúc điên quá tôi nói chồng: “Anh không có não hả? Tôi lấy anh giống như lấy 1 cục nợ đó. Lo cho con cái chưa xong mà đi lo những khoản bao đồng vớ vẩn”.

Hỏi:

Ngay từ những ngày đầu tiên bước chân về nhà chồng tôi thật sự bất ngờ trước cách cư xử của gia đình anh. Tối hôm đám cưới xong, người ta đến lấy tiền trang điểm cô dâu, tiền chụp hình cưới, mẹ chồng kêu tôi đến và bảo cái khoản này 2 vợ chồng tự lo lấy chứ mẹ không biết...

3 hôm sau cô em dâu hỏi lấy tiền mà trước đây chồng tôi có mượn của chú ấy 500 ngàn. Tôi hơi buồn xong cũng không suy nghĩ gì nhiều. Tôi phải bán bớt nữ trang để chi trả những khoản đó dù mới cưới có 4 ngày. 

Nghe chồng bảo rằng toàn bộ lễ vật trong ngày cưới 1 tay anh lo liệu, từ nữ trang cho đến lễ vật. Chứ gia đình nhà chồng không tốn đồng nào cả, tôi nghe mà hơi choáng. Nửa tháng sau, chúng tôi ra riêng nhưng tuyệt nhiên không ai đả động gì đến chuyện trang bị cho chúng tôi ra riêng. 

Ở riêng, mẹ đẻ tôi cho mượn đất xây nhà, mẹ tôi cho mượn vốn làm ăn, mọi thứ ly chén, bếp núc đều do mẹ đẻ tôi lo cho cả. Đã vậy mẹ chồng còn hỏi xin tôi 1 chiếc xe đạp điện. Thời đó cái xe ấy tầm giá 5 chỉ vàng chứ ít đâu. Vậy mà bà hỏi thẳng không ngại ngần. Tôi lảng tránh vì lúc đó tôi thật sự rất khó khăn. Bà lại bảo tôi keo kiệt, tôi mặc kệ.

 “Tôi lấy anh giống như lấy 1 cục nợ” 1
Khi tôi sinh, chồng tôi vẫn lén vợ gửi các khoản tiền về quê đầy đủ (Ảnh minh họa)

Rồi ít bữa sau bà hỏi mượn tiền đi bệnh viện, tôi nhắm mắt cho xong chuyện kẻo bà lại bảo tôi keo kiệt. 3 cô chị chồng và em chồng mỗi người cho bà 500 ngàn. Số tiền ấy bà mua 1 chiếc xe đạp Hàn Quốc. Còn chồng tôi cho bà 800 ngàn để mua điện thoại di động, nhưng chồng giấu nhẹm không cho tôi biết.

Rõ ràng là chồng tôi cho bà nhiều hơn các cô. Vậy mà đi đâu bà cũng chỉ khoe mấy cô con gái cho tiền mua xe, chứ không thấy khoe con trai bà cho tiền mua điện thoại. Tôi tủi thân nhắc khéo chồng: “Lần sau có cho mẹ hay cho ai cái gì thì cũng phải công khai cả 2 vợ chồng, để mẹ anh khỏi chê trách em chứ”. Chồng tôi làm thinh.

Rồi cứ mỗi năm về quê thì mẹ chồng lại lên thẳng nhà bảo đóng góp khoản này khoản kia. Cn trai đóng 3 phần, con gái đóng 1 phần. Và 8 năm lấy chồng vợ chồng tôi cứ ròng rã như thế... 

Mà thực ra con trai hay con gái khác nhau gì đâu. Chồng tôi là con trai nhưng có được hưởng gia tài nhà chồng gì cho cam. Chúng tôi tự lực cánh sinh và chủ yếu nhờ mẹ đẻ tôi nâng đỡ nhiều. Chứ gia đình chồng có ai ngó ngàng tới chúng tôi những lúc khó khăn đâu. Vậy mà có việc gì đóng góp cho nhà chồng là ông bà kêu gọi đủ thứ. 

Rồi tôi có bầu đứa thứ 2 cùng lúc cô út cũng có bầu. Mẹ chồng tôi mua nào là trứng ngỗng, dừa xiêm, bánh trái, trứng gà ta, từng bịch nặng trĩu đem lên bồi dưỡng cho cô út. Nhưng tuyệt nhiên bà không cho tôi 1 tí gì để lấy thảo lúc bầu bì. Dù sao con tôi sinh ra cũng là cháu nội của bà.

 Lúc tôi ở cữ, bà đi chợ nấu cơm cho chồng tôi về đấy ăn cùng mà bà cũng lấy tiền. Mà chồng tôi là con trai của bà đấy. Còn phần tôi thì có người giúp việc nên không cần đến mẹ chồng chăm. Tôi sinh 2 đứa con , bà chẳng cho tôi được bát cháo chứ nói gì đến nuôi đẻ. Bà lên thăm con dâu đẻ mà chỉ ngồi đung 15 phút rồi về.

Khi tôi sinh, chồng tôi vẫn lén vợ gửi các khoản tiền về quê đầy đủ. Nào là tiền gửi về quê đi đám cưới, cho tiền cậu út ở tù ra, tiền cho mấy dì chồng ở quê vào chơi, cho cậu út điện thoại, cho dì điện thoại, cho mượn tiền, cho tiền đứa cháu ở Sài Gòn ra chơi... 

Nhưng làm sao mà giấu hoài được, trong khi thu nhập của 2 vợ chồng chỉ 300 ngàn đồng/ngày. Hai vợ chồng 2 con nhỏ, tằn tiện lắm mới đủ tiêu. Vậy mà chồng tôi lén lút lấy tiền lo vào những khoản mà mẹ chồng bắt buộc 1 cách vô lý. 

Nhiều lúc điên quá tôi nói chồng: “Anh không có não hả? Tôi lấy anh như lấy 1 cục nợ đó. Lo cho con cái chưa xong mà đi lo những khoản bao đồng vớ vẩn. Mẹ anh phải hiểu rằng bản thân mình làm mẹ nếu không lo được cho con cái thì nên tiết kiệm cho con cho cháu. Chứ đằng này ngồi chỉ tay năm ngón điều khiển con cái như vậy là có tội cho con cho cháu đấy”.

Tôi hận lắm, nhiều đêm tôi khóc 1 mình mà tủi thân. Tôi phải làm sao?

(B.M.V, Hà Nội)

Chị Tâm An trả lời:

Thân chào bạn!

Qua chia sẻ của bạn, tôi thấy bạn đang rất bức xúc khi gia đình nhà chồng và nhất là mẹ chồng mà bạn đang nghĩ rằng họ muốn lợi dụng vợ chồng bạn để xin tiền. Tôi mong bạn hãy bình tĩnh suy xét mọi vấn đề để có những cách giải quyết thấu đáo nhất.

Trong hoàn cảnh của bạn, khi mà lương tháng hai vợ chồng cũng không cao, trong khi đó phải lo rất nhiều khoản chi tiêu trong gia đình, đối nội đối ngoại. Hơn nữa theo bạn nói thì mọi người bên nội rất hay xin tiền. Trong hoàn cảnh đó bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu gắt cũng là điều có thể hiểu được. 

Đứng ở góc độ là con dâu với mẹ chồng, có thể bạn không hài lòng với cách ứng xử của mẹ chồng bạn hiện nay. Nếu xét một cách khách quan thì đúng là mẹ chồng bạn cũng đang có những cư xử không công bằng khi ít quan tâm đến vợ chồng bạn và thường dựa dẫm để hỏi han tiền nong. 

Tuy vậy, ở vai trò của bạn, liệu bạn có nhìn nhận một cách quá tiêu cực trong hoàn cảnh này hay không? Với một người đã có tuổi, khả năng kiếm tiền rất hạn chế thì việc dựa dẫm vào con cái cũng không có gì khó hiểu. Bạn đã bao giờ suy nghĩ về mối quan hệ giữa bạn và mẹ chồng chưa? 

Bạn đã làm gì để xây dựng mối quan hệ cho tích cực hơn hay bạn chỉ cảm thấy khó chịu và xa cách với bà hơn sau những hành động của bà? Có thể bà cũng là người không quan tâm lo lắng cho bạn khi bạn sinh con. Nhưng dù sao trong hoàn cảnh này bạn nên xác định sự trợ giúp của bà chỉ là phần nào đó thôi. Còn tốt nhất là hai vợ chồng nên tự lập. 

Hơn nữa, có thể bà cũng có tư tưởng rằng con trai trong gia đình thường phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn. Vì vậy nên bà thường yêu cầu vợ chồng bạn phải đóng khoản tiền cao hơn trong các ngày lễ giỗ. 

 “Tôi lấy anh giống như lấy 1 cục nợ” 2
Thay vì việc bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và chán nản, bạn thử xem liệu trong hoàn cảnh này bạn có thể suy nghĩ khác đi hay không (Ảnh minh họa)

Thay đổi người khác bao giờ cũng khó hơn thay đổi bản thân. Thay vì việc bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và chán nản, bạn thử xem liệu trong hoàn cảnh này bạn có thể suy nghĩ khác đi hay không. Thử cởi mở chia sẻ những suy nghĩ quan niệm của mình để mẹ chồng bạn được biết. Tôi nghĩ rằng, bà sẽ hiểu bạn hơn và mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu sẽ bớt căng thẳng phần nào.

Còn với chồng bạn, tôi nghĩ rằng ở góc độ làm con, làm chồng, anh ấy sẽ rất khó để có thể làm hài lòng cả hai bên. Có thể bạn sẽ khó chịu khi thấy anh giấu giếm không dám nói với bạn về việc anh cho tiền mẹ. Nhưng bạn có tìm hiểu vì sao anh lại làm thế không?

Có thể vì chồng sợ bạn sẽ lo lắng. Hơn nữa bạn phản ứng với anh ấy có phần tiêu cực khiến anh ấy không công khai với bạn cũng là điều đương nhiên. Có thể bạn đang khó chịu khi thấy anh làm thế, nhưng nếu bạn nhìn nhận một cách tích cực và cố gắng hiểu anh ấy thì bạn thấy mọi chuyện không quá xấu như bạn nghĩ.

Thay vì việc bạn tức giận và có những lời nói làm tổn thương đến chồng cũng như mẹ chồng, bạn hãy chia sẻ cảm xúc để chồng bạn có thể hiểu được tâm trạng của vợ và nhận ra anh ấy cũng cần có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Bạn nên có chính kiến cũng như tác động tích cực để mẹ cũng thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của các bạn hơn.

Chị Tâm An của chuyên mục Chuyện khó nói sẽ tư vấn giúp bạn các vấn đề xoay quanh những thắc mắc về tình yêu, hôn nhân, gia đình.
 
Hãy gửi những băn khoăn của bạn về địa chỉ email tinhyeuhonnhan@afamily.vn. Chuyện khó nói sẽ giữ bí mật thông tin cá nhân của bạn (Yêu cầu thư gửi về phải viết có dấu).
 
Chuyên mục Chuyện khó nói mời bạn đón đọc những bài tư vấn trên aFamily - Website hàng đầu dành cho phụ nữ vào 11 giờ các ngày thứ 3, Chủ Nhật trong tuần.


Chia sẻ