Tỉnh ngộ

Theo TGPN,
Chia sẻ

Cô hối hận về những tháng năm ảo tưởng, mơ mộng về một cuộc sống đủ đầy.

Ngày cưới, Trinh xúng xính trong chiếc váy hàng hiệu được đặt mua tận Singapore. Đám cưới xa hoa, tưng bừng, nào là hoa kết tràng dọc lối rước cô dâu chú rể, đám múa lân rồng, rồng mẹ sinh rồng con rộn rã sau lưng cặp tân nương, tân lang, một dàn ca múa nhạc tạp kĩ ầm ĩ, hàng trăm mâm cỗ chặt khách mời.

Đêm tân hôn, cô dâu chú rể thức đến tận khuya ngồi kiểm kê lại đống quà cưới tặng riêng, được đưa tận tay cho hai người. Nào là vòng kiểng, lắc tay, nhẫn vàng tây, vàng ta đủ loại... Chưa bao giờ Trinh thấy mình may mắn và hạnh phúc đến thế, sở hữu nhiều thứ có giá trị đến thế. Cô ngất ngây trong nụ cười thỏa nguyện. Yêu Khánh, Trinh gần như bỏ bê hẳn việc học hành, tập trung vào làm đẹp, phấn son, áo quần để làm hài lòng người yêu với hy vọng không có cô gái nào có thể chen vào vị trí của cô bên Khánh.

Cô rong ruổi với những cuộc chơi sành điệu cùng bạn bè người yêu, thay đổi hẳn phong cách sống và tiêu chí về một người yêu, người chồng lý tưởng sau này, gạt bỏ ước vọng tốt nghiệp ra trường, đi làm kiếm tiền tự lập. Cô tính toán, chỉ cần lấy được Khánh, trở thành dâu con trong ngôi nhà bề thế ấy, vợ chồng cô chẳng cần phải lo đi làm kiếm tiền. Cô chỉ cần sinh cho gia đình họ cháu đích tôn là vị trí và cuộc sống của cô sẽ được đảm bảo suốt đời, của cải họ tích lũy chẳng phải để cho con, cho cháu thì còn cho ai nữa.

Tỉnh ngộ  1
Cuộc sống của Trinh ngày càng trở nên tù túng, bí bách (ảnh minh họa)

Sinh con, một mình Trinh vất vả chăm con cả ban ngày lẫn ban đêm. Mẹ chồng còn mải lo việc kinh doanh, lễ bái hết đền này đến phủ kia. Làm bố trẻ con rồi nhưng Khánh vẫn giữ nếp sinh hoạt của một chàng trai sành điệu, vẫn tiệc tùng, quán bar, chơi tennis mỗi chiều, khuya về còn chếnh choáng men rượu. Con khóc đêm, Khánh cằn nhằn kêu vợ không biết dỗ con, làm mất giấc ngủ của chồng, ở nhà cả ngày chỉ có chăm con mà cũng không xong.

Tiền lương hàng tháng chẳng đủ cho Khánh tiêu xài, ỉ lại hết việc chu cấp tài chính, sinh hoạt hàng ngày của gia đình cho bố mẹ lo. Trinh muốn chi tiêu gì, từ việc mua sữa, mua bỉm cho con cũng phải ngửa tay xin mẹ chồng, mọi chi phí trong nhà đều phải nhất nhất nghe theo sự sắp đặt của mẹ. Cuối tuần, tranh thủ đưa con về nhà mẹ đẻ chơi, cực chẳng đã, cô lại phải thủ thỉ xin bà chút tiền tiêu vặt.

Cuộc sống của Trinh ngày càng trở nên tù túng, bí bách. Sau khi sinh con, cô rơi vào trầm cảm, người gầy khô, lúc nào cũng trong tình trạng mỏi mệt, thiếu ngủ, thèm ăn. Cô vỡ mộng về một cuộc sống giàu sang, được nâng như nâng trứng, những tưởng “chuột sa chĩnh gạo”, nào ngờ phải chịu đựng cuộc sống phụ thuộc một cách đớn hèn thế này.

Cô hối hận về những tháng năm ảo tưởng, mơ mộng về một cuộc sống đủ đầy, được thỏa sức sở hữu và tận hưởng những thứ không phải do mình làm ra.

Cô tiếc vì đã phí hoài những năm tháng sinh viên không học hành, chạy theo những thú vui của đám con nhà giàu, từ bỏ ước mơ chính đáng được học tập, sống và làm việc bằng chính sức lực và bàn tay của mình. Trinh đã tỉnh ngộ, muốn sống khác, muốn tự mình sửa sai. Hàng ngày, tranh thủ thời gian ở nhà chăm con, cô tự học, củng cố lại vốn tiếng Anh, kiến thức cũ từng học ở trường để khi con đến tuổi đi mẫu giáo, cô sẽ tự mình kiếm việc làm nuôi mình và con.

Trinh không muốn sau này con cũng sống phụ thuộc như cô. Cô muốn nó được nuôi dạy bằng chính bàn tay, sức lao động của cha mẹ. Trinh tự nhủ, bản thân phải làm gương trước, có thế cô mới có thể khuyên bảo chồng mình sống vì gia đình, vợ con hơn. Tất cả sẽ phải bắt đầu lại từ chính bản thân mình trước đã.

Chia sẻ