Nỗi đau khi thiên chức làm mẹ không còn

,
Chia sẻ

Làm mẹ luôn là khao khát của tất cả những người phụ nữ, tuy nhiên, nhiều người vì không hiểu biết, vì coi thường đã đánh mất cơ hội trở thành mẹ của mình.

Làm mẹ luôn là khao khát của tất cả những người phụ nữ, tuy nhiên, nhiều người vì không hiểu biết, vì coi thường đã đánh mất cơ hội trở thành mẹ của mình.
Tưởng là…
 
Chị Nga bước từ phòng khám của bác sĩ ra với gương mặt đầy nước mắt, giọng nức nở với người mẹ đi cùng: “Con không còn khả năng làm mẹ nữa…”.

Chị Nga năm nay 31 tuổi. Chị lấy chồng từ năm 27 tuổi nhưng ngày đó hai vợ chồng chị chỉ đủ điều kiện thuê một căn phòng nhỏ để ở. Anh chị tính với nhau, tiền lương của hai vợ chồng cộng lại cũng chỉ đủ chi chế các khoản thuê nhà, ăn uống, rồi đóng góp hai bên, những tháng có nhiều đám đình hai vợ chồng còn phải thắt lưng buộc bụng. Vậy nên, họ quyết định kế hoạch tới chừng nào kinh tế của hai vợ chồng vững hơn sẽ sinh em bé.

Anh chị đã thực hiện các hình thức kế hoạch hoá nhưng rồi một lần vì sơ sẩy chị đã có thai. Biết tin, hai vợ chồng chẳng vui tẹo nào mà thêm phần lo lắng, cuối cùng họ quyết định sẽ bỏ cái thai. Chồng động viên vợ: “Mình còn trẻ mà, sợ gì không có con”. Chị nghe anh đi bỏ cái thai đã được hơn một tháng tuổi.

Lần bỏ thai ấy cũng chỉ ám ảnh chị một thời gian ngắn bởi cuộc sống quá nhiều lo lắng, toan tính. Chị và chồng lao vào công việc với hy vọng sớm có điều kiện đón chào đứa con đầu lòng ra đời. Hiện tại, chồng chị đã lên được chức trưởng phòng, chị cũng được ký hợp đồng dài hạn, công việc ổn định, có đồng ra đồng vào nên hai vợ chồng quyết định sinh con. Sau nhiều lần thử mà vẫn không thấy động tĩnh gì, chị nhờ mẹ đi cùng tới khám bác sĩ. Một ngày ở bệnh viện với hàng loạt các xét nghiệm, siêu âm… chị nhận được tin sét đánh – không còn khả năng làm mẹ.

Chị Nga nghẹn ngào: “Tôi tưởng nạo thai sẽ không để lại ảnh hưởng gì vì bao người vẫn làm chuyện đó có sao đâu, nào ngờ…”.

Khi chúng tôi còn đang nghe câu chuyện của chị Nga kể thì lại giật mình bởi tiếng khóc xé lòng của một cô gái trẻ.

Cô gái ấy tên là Lan. Lan đang làm cho một ngân hàng lớn, chồng Lan cũng có một vị trí tốt trong công ty xuất nhập khẩu nên dù vừa cưới xong hai người vẫn quyết định có con ngay. Lan đã có thai được gần hai tuần nhưng cô không hề bị nghén như nhiều người khác. Bạn bè còn trêu Lan đang hay ăn quà vặt, cái gì cũng thèm giờ có thai tự nhiên ăn uống điều độ, chẳng thèm gì nữa.

Sáng qua, sau khi Lan đưa chồng ra ga đi công tác về nhà được một lát thì thấy đau bụng âm ỉ vùng hạ vị. Lúc đầu chỉ đau ít nên Lan nghĩ là mình có thể bị đau bụng do đi xe bị xóc. Lan vào giường nằm nghỉ nhưng chỉ được một lúc cô thấy đau dữ dội nên gia đình đưa cô đi cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ khám và phát hiện cô chửa ngoài tử cung nên quyết định cắt bỏ vòi trứng bên trái. Trước đó hai năm, Lan đã bị cắt vòi trứng bên phải vì bị áp xe nên bây giờ hầu như cô không còn khả năng làm mẹ theo cách tự nhiên.

Bác sĩ giải thích rằng Lan vốn đã bị mất một bên vòi trứng cộng với chứng viêm nhiễm vòi trứng không được phát hiện và điều trị kịp thời nên buộc lòng bệnh viện phải cắt bỏ vòi trứng bên phải.

“Giá như…”

Lan đã thốt lên như thế sau khi tỉnh lại vì khi nghe tin cô đã sốc và ngất đi. Lan kể, ngày trước cô nhận thấy những triệu chứng không bình thường nhưng ngại không dám tới bệnh viện phụ sản vì cô cùng chồng đã quan hệ trước hôn nhân nhưng họ chưa cưới.

Chị Nga thì đau đớn, bây giờ có đánh đổi tất cả để có được một đứa con chị cũng bằng lòng. “Tôi sẽ phải sống thế nào đây?” - chị kêu lên. Những ngày ở bệnh viện chị đã liên tục tránh mặt chồng nhưng anh vẫn một mực ở lại chăm nom vợ, dù cố gắng tới đâu thì họ cũng không thể tìm lại nụ cười sau nỗi đau này.

Tất cả những người phụ nữ khi đã mất đi khả năng làm mẹ đều ao ước có thể quay lại thời gian họ sẽ sống có trách nhiệm với bản thân và giọt máu của mình. Họ ước mình đã không ngại ngùng đi khám bác sĩ để khỏi lãnh hậu quả không được làm mẹ vĩnh viễn nhưng tất cả những điều ước, lời nguyện cầu hay hối lỗi của họ giờ đã muộn.

Theo Thanh Lan
Phunu.net

Chia sẻ