Những cơn "ngứa ghẻ hờn ghen" gắn với chiếc "alo"

,
Chia sẻ

Mỗi lần bác thu tiền điện thoại đến là một lần chị run bần bật, rối loạn hành vi và quên hết mọi thứ mình đang chuẩn bị làm.

Không trả lời được là... đánh

Lấy chồng, chị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) được anh Tuấn đề nghị ở nhà làm thợ may cho vui nhà vui cửa, không phải quá lăn lộn ngoài đường, ảnh hưởng tới nhan sắc. Được chồng yêu chiều, chị rất hạnh phúc. Nhưng chỉ một tháng sau đó, khi người thu tiền cước điện thoại mang hoá đơn thanh toán đến, cũng là lúc chị chứng kiến cơn ghen lồng lộn của chồng.
Chồng chị ngồi "tra từ điển" từng số điện thoại, từ đầu chí cuối, xem ai gọi số nào, số nào không phải mình gọi thì anh ta sẽ chủ động gọi lại kiểm tra, mặc dù anh chị ở chung nhà với bố mẹ chồng, em chồng, các cháu...

Thế nhưng, bất cứ số nào không phải mình gọi, mà là nam giới nghe máy (sau khi anh kiểm tra lại), anh sẽ ngay lập tức tra hỏi vợ. Nếu vợ không trả lời được đó là ai thì anh sẽ ngay lập tức đánh đòn và đêm về giày thì vò về thể xác vợ mà không quan tâm vợ bị đòn đau như thế nào. Nếu chị cảm thấy mệt mỏi, ức chế tâm lý, không đáp ứng được thì anh quát ầm ĩ cả đêm: "Mày để dành cho thằng nào phải không?"

Chưa hết, trước khi chị về nhà chồng, chồng chị có mua 1 điện thoại cũ, sim được tặng. Vậy mà khi chị về, anh ta lục tìm các số điện thoại cũ trong máy đó gọi lại. Nếu là đàn ông, anh ta chửi bới, lăng mạ tại sao mày quan hệ với vợ tao.

Chưa dừng lại ở đó, anh ta ghen với ông hàng xóm mới, tuổi lục tuần, khiến ông này phải bán nhà đi ở chỗ khác. Anh ta ghen với thợ sửa nước đến sửa cho nhà chị. Sau mỗi lần ghen là 1 trận đánh vợ nhừ tử. Sau mỗi lần người thu tiền điện thoại đến là chị run bần bật vì biết được những trận đòn mình sắp phải chịu. Nó nhiều, thường xuyên suốt 3 năm qua và ám ảnh đến nỗi cứ đến ngày đó chị rối loạn hành vi. Bật bếp ga thì quên tắt, không may được tí quần áo nào, cái gì liên quan đến chồng là chị sợ.
 

Cho tới một ngày, chị bị đánh vào mắt thâm tím, bị đuổi ra khỏi nhà lúc 10h và phải xin trú trong đồn công an. Rồi chị được những người có trách nhiệm đưa đi khám mắt, gửi chị vào Ngôi nhà bình yên, nơi những người phụ nữ bị bạo hành được che chở. Tại đây, chị đã quyết định trở về Huế ở với bố mẹ, chuẩn bị cho mình một công việc ổn định để có thể giành được quyền nuôi con khi ly hôn.

Hàng trăm tin nhắn lăng mạ mỗi ngày

Hai vợ chồng chị đều trình độ đại học, làm ở các cơ quan lớn ở Hà Nội và có 2 con trai xinh xắn, học giỏi. Mọi chuyện tốt đẹp chỉ kết thúc khi anh phát hiện chị có bồ. Mặc dù chị xin lỗi anh, quay về thu vén chuyện gia đình nhưng dường như, cú sốc kia làm anh mất hết niềm tin vào vợ.

Vậy là mỗi ngày, chị nhận được hàng trăm tin nhắn. Mỗi tin nhắn là một câu chửi. Anh chửi từ bố mẹ đến anh em họ hàng, mạt sát, nguyền rủa chị. Anh định ngày chết, ngày giỗ cho vợ, nguyền rủa bố mẹ vợ chết, vợ chết, đe doạ tạt axit, đe doạ giết chị. Ngày này qua ngày khác, anh cứ sà sã gửi tin nhắn tới vợ, tới những người thân của chị và khủng bố tinh thần chị.

Chưa hết, anh ta còn viết lên cả tường của nhà vệ sinh của cơ quan vợ về chuyện ngoại tình của vợ mình để nhục mạ.

Anh ghi trên lịch tường là hôm nay vợ mặc quần lót màu gì, trạng thái tâm lý như thế nào, chắc là sẵn sàng lên giường ngủ với thằng nào. Anh bê cả bát hương, đặt vàng mã vào giỏ xe vợ...

Mặc cảm vì mình có lỗi, mặc dù đã ly hôn, nhưng chị vẫn để anh nhắn tin mỗi ngày, vì nghĩ anh cần phải có nơi để xả stress, rằng mình là nguyên nhân dẫn tới những tổn thương tâm lý của anh.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến đấu khốc liệt vì ghen đó, hai con của anh chị đang không được ai để mắt tới, và không ai hiểu rằng, những đứa con đang bị bạo hành về tinh thần một cách khủng khiếp.

Chị cho biết: "Có nhiều đêm, 2 con tôi phải thức để canh cho tôi, sợ bố trong cơn tức giận làm hại mẹ. Tôi thực sự lo lắng vì đứa thứ 2 quá yếu đuối, dễ bị tổn thương, trầm cảm, buồn phiền, co mình lại, ủ rũ. Đứa đầu thì tính cách mạnh, hay gây gổ đánh nhau, có xu hướng bạo lực. Tôi còn không lo nổi thân tôi, làm sao lo được cho con mình đây?".

Trút hờn ghen bằng... “rao vặt”

Từ ngày chồng lên chức trưởng phòng, chị Minh thấy anh bắt đầu có những cuộc nói chuyện điện thoại rất lâu, nhắn tin nhí nhoáy và mặt mày rạng rỡ. Cảm nhận sự bất ổn, lựa một ngày anh say, đi ngủ sớm, chị lén mở ra xem lịch sử cuộc gọi. Sau vài ngày theo dõi, chị tìm ra số di động thường xuyên gọi đến, gọi đi.

Điều tra kỹ càng, chị đã xác định được tên, tuổi, địa chỉ của đối tượng này, một nhân viên dưới quyền anh.

Sau đó, chị lập tức bỏ tiền để rao vặt ti tỉ thứ, từ xe máy, tivi, tủ lạnh, máy tính, máy ảnh, usb, bàn, ghế, nhà cửa, đất đai... đến cả cần nhu cầu tâm sự, chia sẻ sự cô đơn. Dưới mỗi khung quảng cáo là số điện thoại của cô nhân viên kia.

Suốt gần 1 tháng liền, cô gái kia điêu đứng vì những cuộc gọi quấy rầy lúc nửa đêm, của những kẻ cợt nhả có, những người nhầm tưởng có... Cho đến lúc cô nàng sắp phát điên vì bị quấy rầy thì chị nhắn tin bằng số di động thật của mình, với lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng: “Nếu còn tiếp tục tán tỉnh chồng tôi, thì có đổi số cũng không tránh được chiêu này đâu”.

Ghen điên cuồng -  triệu chứng của thiểu năng tâm lý

Điện thoại là vật bất ly thân đối với nhiều người nhưng giờ đây đang trở thành vũ khí, công cụ, phương tiện cho những cơn ghen của một số người.

Cách hành xử ghen như anh Tuấn thể hiện một sự ghen tuông "độc quyền tuyệt đối". Anh đã đối xử với người “được yêu” không khác gì một đồ vật tầm thường và cấm đoán vợ có một cuôc sống cá nhân chủ động.

Điều này đã khiến chị Mai có một cuộc sống như ngục tù, chị Lê Thị Ngọc Bích, tham vấn viên của Ngôi nhà bình yên không nén nổi sự bất bình khi nhắc tới trường hợp đôi vợ chồng này.

Sự ghen tuông với các hành vi nhắn tin lăng mạ vợ, bêu rếu vợ, đe dọa vợ cũng là cách để người ghen tuông muốn lấp đầy một khoảng trống chứa đựng các mặc cảm tự ty về khả năng không giữ được người bạn đời về thể chất và cả tinh thần. Các nhà tâm lý nhận định, cách ghen khủng bố bằng điện thoại trên chính là triệu chứng của một thiểu năng tâm lý.
Theo VTCNews
Chia sẻ