Nàng dâu “nhiều chữ”

Diệu Thúy,
Chia sẻ

Những câu nói của Loan khiến mẹ chồng phải nóng mặt, đành rằng không to tiếng cãi vã, nhưng Loan cũng chứng tỏ mình "không vừa” chút nào.

Hàng xóm lại được dịp xì xào bàn tán khi tiếng cãi vã từ nhà bà Nhân vọng ra tận đầu ngõ. Chuyện nàng dâu, mẹ chồng nhà ấy không còn lạ gì với hàng xóm hai bên nhưng người ta vẫn tò mò, mẹ chồng như bà Nhân thì là chuyện thường, nhưng cô Loan con dâu bà thì là “của hiếm’.

Bà Nhân vừa la mắng vừa nhảy thếch trên ghế, khua tay tới tấp trước mặt cậu con trai: “Trời ơi là trời, con ơi là con, mày xem con vợ mày nói năng như thế mà mày cứ đần mặt ra, tao nuôi mày từng này để mày đối xử với tao như thế à”. Loan cũng đang ngồi cạnh chồng, chẳng nói năng gì. Bà Nhân thấy thế càng thêm bực bội, đay nghiến: “Con ơi, vợ thì mày lấy được nhiều chứ mẹ thì mày chỉ có một thôi con ạ”.

Loan quay sang mẹ chồng: “Mẹ à, xin mẹ cũng nói với bố con câu ấy!”. Mắt bà Nhân lại long lên, máu như muốn dồn lên não, uất ức mà không nói gì được con dâu, bà chỉ còn nước kêu làng, than vãn đủ điều: “Con dâu người ta ngọt nhạt với mẹ chồng còn chưa ăn ai, đằng này nó cứ bôm bốp vào mặt”. Loan bình thản nhìn vào mẹ chồng nói nhẹ nhàng: “Mẹ à, con đi học gần 20 năm trời, tối về nhà còn thức khuya đọc sách, con biết thế nào là đúng là sai, là phải hay trái. Có sao con nói vậy, con không nịnh bợ, không giả tạo như ai được”. Hùng nghe vợ đối đáp với mẹ mình như vậy cũng nóng mặt, quay sang quát vợ và định tát thì Loan đã quát lại: “Anh là đàn ông, có bất lực không mà phải đánh vợ? Không có lý gì để nói lại tôi hay sao mà định giở trò vũ phu, cùn hèn ra đây?!”.
 
Giữa mẹ chồng và Loan không có sự cảm thông như những bà mẹ chồng
và cô con dâu khác (Ảnh minh họa)

Hùng chỉ còn biết im lặng, đi thẳng lên phòng. Từ ngày anh mất việc ở công ty đến nay, gia đình xảy ra hết chuyện nọ chuyện kia mà chủ yếu là mẹ anh và Loan không thể hòa hợp. Anh ở nhà cả ngày, mẹ anh mới có thời gian kể vợ anh thế nọ thế kia, nhiều lúc bực quá anh cũng về trách mắng vợ, thế là Loan lại chồng chất thêm ức chế. Anh nói cốt để vợ rút kinh nghiệm chứ đâu ngờ cô lại để bụng vậy.

Dưới nhà bà Nhân vẫn lu loa: “Cô là con mất dạy, không hiểu cô đi làm, đi ăn người ta có nhìn được bản chất cô không?”. Loan mất bình tĩnh, giọng run run: “Thưa mẹ, con ăn học cũng như thiên hạ, chẳng hơn ai nhưng cũng được tiếng là thạc sỹ. Mà mẹ đừng lo, ai ăn ở thế nào ông trời có mắt hết. Con mất dạy nên ông trời đang phạt con, bắt con đi làm hàng ngày kiếm tiền nuôi con con, còn con nhà người ta được dạy dỗ đàng hoàng thì hàng ngày được nằm nhà ăn chơi”. Bà Nhân biết thừa Loan đang nói đến con trai mình, nhưng không có lý gì để nói lại con dâu, la lối vài câu nữa rồi cũng bỏ lên nhà.

Đợi vợ vào phòng Hùng mới lớn tiếng: “Cô nhường mẹ một câu thì chết à, cô cứ ngồi trả treo với mẹ chồng còn ra thể thống gì”. Loan vừa mắc màn vừa trả lời: “Thế anh có thấy tôi lớn tiếng câu nào không, tôi nói năng nhỏ nhẹ và lễ phép với mẹ anh đấy chứ, chỉ là mẹ anh cứ bù lu, bù loa, có để cho ai nói gì đâu, chính mẹ anh gọi tôi xuống nói chuyện. Người nói phải có người nghe, đấy là lịch sự tối thiểu, mẹ anh nói đến sáng thì tôi cũng thức đến sáng để hầu chuyện bà. Nhưng chắc bà đi ngủ rồi, lấy sức mai sang kể cho hàng xóm”.

Hùng chỉ còn biết lắc đầu, bỏ sang phòng khác, tâm trạng chán nản và bế tắc. Đây không phải lần đầu tiên, quá nhiều chuyện như này khiến anh cảm thấy cuộc hôn nhân của mình đang vô cùng mong manh. Một bên là mẹ, một bên là vợ. Hùng thấy mình vô dụng và thừa thãi.

Bà Nhân cũng ghê gớm, hay mang chuyện con dâu kể cho hàng xóm, lại hay kể tội con dâu với con trai, gây mâu thuẫn vợ chồng. Nhưng với vai trò con dâu, những câu nói của Loan cũng khiến mẹ chồng nóng mặt, đành rằng không to tiếng cãi vã, nhưng Loan cũng chứng tỏ mình "không vừa” chút nào.

Chia sẻ