Mặc cảm phận "tầm gửi"

,
Chia sẻ

Nhìn những phụ nữ theo mô hình gia đình: chồng kiếm tiền, vợ ở nhà nội trợ, không ít chị em đã ghen tị: “Giá mình có phước được chồng nuôi!”. Nhưng, có phải được chồng nuôi là có phước?

Lồng son!

Trước khi kết hôn với anh Nguyễn Thanh Bình - kế toán trưởng một công ty xăng dầu, chị Lê Bích Thu là điều dưỡng ở một bệnh viện lớn. Sau khi chị sinh con, anh thuyết phục vợ nghỉ làm với lý do: “Em trực đêm vất vả quá, trong khi anh thừa sức lo cho vợ con. Không ai chăm con bằng mẹ đâu em ạ”.

"Mỗi lần xòe tay nhận tiền chồng, em thấy nhục lắm!"

Ban đầu chị không đồng ý, nhưng rồi những hôm chị trực đêm, chồng điện thoại báo tin con khóc vì nhớ mẹ, con ho, sốt... khiến chị sốt ruột, âu lo, chẳng thể tập trung cho công việc. Cuối cùng, chị quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc chồng con.

Những tháng đầu ở nhà, chị Thu rất vui vẻ, hào hứng vì được “trọn gói” ở bên con, không còn cảnh sáng sáng mẹ bịn rịn hôn từ biệt con, hay đến bệnh viện chỉ trông mau hết giờ để về chơi với con. Rồi nhìn ánh mắt chồng long lanh niềm vui, khi anh về nhà cơm canh đã dọn sẵn, nhà cửa gọn gàng, chị rất hạnh phúc. Tối nào cả nhà cũng quây quần bên nhau rất vui, chị càng nghĩ sự hy sinh của mình là đúng đắn.

Nhưng, thói quen trò chuyện, chia sẻ vui buồn của vợ chồng chị dần mất đi từ khi có em bé thứ hai. Bé nhỏ hay quấy khóc, chỉ bám mẹ, lại thêm bệnh trào ngược thực quản, ăn gì cũng dễ nôn ra, khiến chị rất vất vả khi chăm con. Vậy mà, lâu lâu mẹ chồng ghé thăm còn phán: “Con chỉ mỗi việc ở nhà trông con, sao để thằng bé gầy thế này?” làm chị tủi thân muốn khóc. Bé lớn hai tuổi rưỡi cũng quanh quẩn bên mẹ suốt.

Mỗi ngày, sau khi quần thảo với hai cậu con trai, chị cũng thành “tay đua kiệt sức”: tóc bù xù, quần áo xốc xếch, người lại thoang thoảng mùi “a-mô-ni-ắc”, làm chị mất điểm cả phần “nhìn” lẫn “nghe” đối với chồng. Bi kịch gia đình xảy ra sau bảy năm chung sống: chồng chị ngoại tình và đòi ly hôn vì không thể sống chung với người vợ lôi thôi, lạc hậu như chị.

Cuối tháng 3/2010, chị Hạnh Dung - Báo Phụ Nữ nhận một lá thư dài gần bốn trang giấy của một bạn đọc. Thư viết: “Ngày em cưới, họ hàng, bạn bè và gia đình đều cho là em tốt số vì lấy được chồng giàu (là trưởng phòng của công ty nơi em thực tập). Cưới xong, anh không cho em xin việc làm, bảo ở nhà cho nhàn. Thời gian đầu, anh không chỉ chu cấp sinh hoạt phí đầy đủ, mà còn mua quần áo, mỹ phẩm cho em. Nhưng sau đó không lâu, anh bắt đầu thể hiện sự tính toán.

Anh đưa tiền chợ cho em hàng tuần, buộc chi tiêu gì cũng phải ghi sổ, dù chỉ là 1.000đ hành ớt, để cuối tuần anh kiểm tra. Mà anh rất hay quên đưa tiền, nhiều lần em nhắc, anh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Mới đó mà hết tuần rồi à?”. Những khi có việc đột xuất phải chi như con bệnh, điện nước tăng, cưới hỏi... thiếu tiền, em xin thêm, anh nói: “Em phải chi tiêu tiết kiệm chứ em không làm ra tiền nên không biết kiếm được tiền khó nhọc như thế nào”. Là phụ nữ, em cũng muốn được mua quần áo mới, làm đẹp như các chị em khác, nhưng xin tiền là bị chồng mắng ngay nên những nhu cầu bình thường đó đối với em cũng trở thành xa xỉ.

Mỗi lần xòe tay nhận tiền chồng, em thấy nhục lắm. Em đã nhiều lần xin đi làm lại, nhưng anh không cho, lại còn mỉa mai: “Em chẳng có kinh nghiệm, đi làm lương không đủ tiền xăng, ăn trưa. Ở nhà trông con đi”. Lấy chồng giàu nhưng em thấy cuộc sống tù túng, ngột ngạt quá. Chúng em cãi nhau suốt về chuyện ki bo của chồng nhưng không thay đổi được. Em có nên ly hôn không, dù con em mới 16 tháng?”.

Nguyên tắc “ba không”

Trên trang web TT có diễn đàn “Ở nhà chồng nuôi” với hơn 100 ý kiến của các bà vợ. Trong đó, có đến 80% người chọn ra ngoài kiếm tiền do thích làm chủ cuộc đời mình, hơn nữa ở nhà sẽ bị tù túng, bị “khủng long” (lạc hậu) dù ở giữa lòng thành phố. Có chị tuyên bố: “Tôi không thích bị lệ thuộc. Ghét cảnh ngửa tay nhắc chồng đưa tiền. Sợ cảnh mình không còn là mình, phải làm phải nghĩ theo ý người khác. Đi làm tôi thấy mình không bị lạc hậu. Không bị chồng “qua” mặt”.

Còn các chị ở nhà thì đầy tâm trạng: “Mình nghỉ làm đã ba năm, có những lúc tủi thân khi nhớ về những ngày vui vẻ với công việc, đồng nghiệp... Ở nhà sợ nhất bên chồng dị nghị “ăn bám”, còn đi làm thì ax (anh xã) không cho, mà có cho thì ai mướn? (ở nhà lâu quá em không sử dụng tiếng Nhật nên quên gần hết rồi)”. Hoặc: “Em mới ở nhà gần bốn tháng mà stress không biết bao lần. Thời gian đầu đúng là thích thật, vì suốt ngày chơi với con, không phải dậy sớm đi làm, không bị áp lực công việc. Nhưng chỉ ba tuần sau, em bắt đầu “điên” lên do luẩn quẩn suốt ngày: con cái, nấu ăn, dọn dẹp... không có thời gian gặp bạn bè, mà gặp gì được khi tụi bạn ai cũng phải đi cày”.

Thực tế, việc nấu nướng, chăm chồng con, nhà cửa mất rất nhiều thời gian và cũng đầy áp lực

Có thể thấy, chồng kiếm tiền, vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con không còn là mô hình chuẩn của gia đình trong cuộc sống hiện đại. Chị em ngày càng năng động, tự chủ trong suy nghĩ và hành động nên luôn muốn đóng góp công sức, khẳng định mình với xã hội và gia đình. Nhiều gia đình kinh tế ổn định, chồng thừa sức nuôi một vợ, hai con, nhưng người vợ vẫn đi làm dù lương công nhân, nhân viên văn phòng... chẳng được bao nhiêu.

Tuy nhiên, thu nhập nhỏ đó có thể giúp các chị tự xoay xở được cho một số nhu cầu tối thiểu của mình: mua quần áo, quà bánh biếu cha mẹ, ăn quà vặt... mà không phải xin tiền chồng. Điều này rất có ý nghĩa, vì vợ không bị chồng, gia đình chồng xem là “tầm gửi”, và quan trọng hơn là các chị không rơi vào mặc cảm bị lệ thuộc chồng.

Yếu tố lệ thuộc kinh tế được các chuyên viên tư vấn tâm lý cho là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn gia đình, ly hôn vì nó phát sinh khá nhiều hệ lụy: vị thế, tiếng nói của người vợ giảm đi do nhiều ông chồng cư xử theo kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”; hầu hết thời gian người vợ làm việc nhà, chăm con nên các chị ít chú ý đến ngoại hình của mình và cũng không cập nhật, quan tâm đến các vấn đề thời sự, xã hội.

Trong khi chồng hàng ngày gặp gỡ, tiếp xúc với các đồng nghiệp, đối tác năng động, thông minh nên dễ đem vợ ra so sánh và đâm... chán. Ngoài ra, do người vợ cả ngày bận rộn, xong việc là chỉ thèm được ngủ nên giao tiếp giữa vợ chồng thường bị “nghẽn mạch”. Mà không trò chuyện tất yếu sẽ dẫn đến vợ chồng không hiểu và không thông cảm cho nhau. Vì lẽ đó, đi làm vẫn là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ đã kết hôn.

Ngoài lệ thuộc, một yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình là suy nghĩ lệch của các bà vợ về công việc nội trợ. Có chị chọn việc nhà vì nghĩ không phải làm việc vất vả, không bị áp lực, không bị bó buộc thời gian... Nhưng thực tế, việc nấu nướng, chăm chồng con, nhà cửa mất rất nhiều thời gian và cũng đầy áp lực. Do đó, nhiều người vợ bị choáng khi tưởng sướng mà hóa ra cũng cực nhọc, gò bó... dẫn đến bực mình, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn.

Thật ra, không phải ai ở nhà làm nội trợ, chăm con cũng trở nên lạc hậu, bị stress, gia đình hục hặc... mà có những người thật sự hạnh phúc với vai trò bà nội trợ. Sự bền vững đó không phải trên trời rơi xuống hay may mắn có được mà do sự khéo léo của người vợ. Mẹ bé Na chia sẻ kinh nghiệm trên diễn đàn: “Nếu bạn cho quyết định ở nhà chăm con là đúng đắn thì không có gì phải mặc cảm. Điều quan trọng là bạn và chồng bạn suy nghĩ, ứng xử thế nào trong hoàn cảnh này? Chồng mình cho rằng người ở nhà thiệt thòi hơn nên thường về sớm phụ vợ làm việc nhà, chơi với con. Chúng mình cũng thường trao đổi về công việc, quan hệ bên ngoài của anh ấy, bàn việc gia đình...

Bản thân mình không cắt đứt hoàn toàn quan hệ với cơ quan cũ, thỉnh thoảng vẫn ghé thăm hoặc họp mặt với chị em, tham gia các nhóm bạn khác nhau... nên không thấy tù túng và lạc hậu”.

Nhiều chị khác thì chọn cách tham gia sinh hoạt ở địa phương: Hội Phụ nữ, CLB Gia đình hạnh phúc... Hoạt động đoàn thể, xã hội giúp các chị tự tin, năng động và phát huy được năng lực, đóng góp cho xã hội.

 
Qua đó, các chị không đánh mất vị thế của mình trong mắt chồng và trong gia đình. Và, cái lợi lớn hơn là chẳng may khi gia đình có biến cố như ly hôn, làm ăn thất bại... thì người vợ luôn trong tư thế sẵn sàng hòa nhập chứ không phải lơ ngơ với cuộc sống như chị Thư, chị Thu. Theo chị Hạnh Dung: “Không để bị lệ thuộc cả kinh tế lẫn tinh thần; không thụ động và không nhận thức sai lệch về trách nhiệm, vai trò của người ở nhà” là ba nguyên tắc cơ bản để giữ gìn hạnh phúc, nếu bạn chọn ở nhà chồng nuôi.
 
Theo Phụ nữ
Chia sẻ