"Lười yêu" vì... yêu sớm

,
Chia sẻ

Thùy Dung, quê Thái Bình đang học đại học năm thứ 3 ở Hà Nội. Thời gian này Dung là “lính phòng không” dù có nhiều “vệ tinh” theo đuổi.

Dung tâm sự: “Giờ em chỉ muốn tập trung vào học, không thiết tha lắm, thậm chí là rất ngại chuyện yêu đương do có nỗi khổ tâm riêng”.

Tâm tính của Dung bây giờ khác xa với 4 năm trước - khi yêu lần đầu. Ngày đó suýt nữa Dung đã phải bỏ thi ĐH, với tâm trạng sẵn sàng “nhảy vào lửa” vì người yêu.

Tình đầu đến với Dung khi đang học lớp 12. Người bạn trai hơn Dung 3 tuổi. Họ quen nhau ở lớp học tiếng Anh. Không ở gần nhà nhau nhưng cùng một tuyến đường nên anh chàng thường xuyên đưa đón Dung đi học.
 
Ảnh minh họa

Tình yêu đầu đời nhanh chóng hút chặt cô vào một thứ cảm xúc rất mới, ngọt ngào và dịu dàng chưa từng xảy đến bao giờ. Cả 2 đều có những ước mơ chung, muốn cùng đi du học nước ngoài.

Khi anh ấy chăm sóc em, em cảm thấy chưa từng có người con trai nào tốt với em như thế. Tình yêu của chúng em mặn nồng lắm”, Dung nhớ lại.

Do không được trang bị những kiến thức về tâm sinh lý cũng như cách “yêu an toàn”, 2 tháng trước kỳ thi ĐH, Dung phát hiện mình có thai. Hoang mang, lo lắng Dung đã có ý định bỏ thi ĐH để cưới chồng. Thế nhưng, cũng vào thời điểm đó, anh chàng người yêu có quyết định đi du học. Vậy là chia tay.

Rất may, Dung được mẹ ở bên chăm sóc, động viên. Dù rất đau lòng nhưng Dung vẫn phải bỏ đi giọt máu trong bụng để tiếp tục học...

Không thể phủ nhận rằng yêu ở lứa tuổi thiếu niên mang tính chất tình cảm thuần tuý. Song có điều không phải tất cả đều đi theo xu hướng lãng mạn, trong sáng. Tình yêu đầu đời của Dung là một ví dụ.

Hầu hết mọi người cho rằng tình yêu phát triển đến một mức độ nhất định thì chắc chắn sẽ phát sinh “chuyện ấy”. Nhưng các chuyên gia tâm lý học lại khẳng định: Nếu để xảy ra hành vi tình dục quá sớm sẽ gây trở ngại đến sự phát triển của tình yêu.

Để tình yêu phát triển một cách lành mạnh, các bạn trẻ cần có thời gian tìm hiểu và chăm sóc lẫn nhau. Xã hội hiện đại đang tác động đến sự phát triển sớm về giới tính của tuổi vị thành niên, dẫn đến việc ngày càng có nhiều bạn trẻ “bập” vào yêu sớm.

Nhìn nhận về những hệ luỵ từ việc yêu sớm, không ít những bạn gái trẻ là người trong cuộc quan niệm thiếu chín chắn rằng: Có rất nhiều việc trên đời cần kinh nghiệm của chính bản thân. Tình yêu cũng vậy nếu không trải nghiệm sẽ không biết thế nào là sai lầm.

Tạp chí Sức khoẻ và hành vi xã hội (Mỹ) đã tiến hành một cuộc điều tra trên 8.000 thanh thiếu niên. Kết quả cho thấy, tình yêu đầu đời của các em là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm ở các mức độ khác nhau.

Tại Việt Nam, tình yêu tuổi vị thành niên và những hệ luỵ cũng được đề cập ở nhiều diễn đàn, và ở những lĩnh vực xã hội khác nhau. Trở lại câu chuyện của Dung.

Nguyên nhân khiến bạn “lười yêu” là do “dư âm buồn” của tình đầu vẫn đè nặng tâm trí. Là cô gái biết suy nghĩ, Dung day dứt và thấy “khó chấp nhận bản thân mình” vì chuyện đã qua.

Nếu như có thể trở lại tuổi 16, em sẽ học cách khống chế cảm xúc bản thân và không để xảy ra chuyện vượt rào...”, Dung ân hận nói.
 
Theo TGPN
Chia sẻ