Lời trần tình của "bà cô bên chồng"

T.Giang,
Chia sẻ

"Dung hòa với chị dâu cũng là điều tốt cho anh trai mình. Trong gia đình ít những va chạm thì anh trai sẽ sống hạnh phúc hơn" - đó là lời gan ruột của chị Thanh Hạnh - 1 "bà cô bên chồng" chính hiệu.

Chưa kết hôn và đang sống chung nhà với gia đình anh trai, nhiều người phụ nữ đi làm dâu sẽ vô cùng ái ngại khi nhà chồng có một bà cô vừa già, vừa ế như thế. Song cách nhìn nhận và ứng xử của người em chồng này lại cho thấy một quan niệm khá thú vị, khác xa với lời đồn đại "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng".

Gia đình bạn có hai anh trai, bạn giờ đã 30 tuổi mà chưa lập gia đình. Hiện tại bạn đang sống cùng bố mẹ và gia đình một anh trai. Bạn có thấy điều gì đó khó hòa hợp khi gia đình có chị dâu không? Và bạn nghĩ thế nào về câu nói: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng?

Tôi chưa lập gia đình, đang sống cùng bố mẹ nhưng cuộc sống của tôi không ôm lấy cái nhà như những cô tiểu thư khác. Tức là tôi ra ngoài làm việc từ sáng, đến tối mới về nhà. Hôm nào may thì kịp bữa tối cùng bố mẹ và anh chị, hôm nào không may thì ăn cơm một mình. Cũng có khi tôi ăn tối ở ngoài với bạn bè và những mối quan hệ công việc khác.

Chị dâu tôi cũng là người đi làm từ sáng tới tối, ít khi chúng tôi có thời gian sống với nhau lâu. Có lẽ vì thế mà chúng tôi không có thời gian xét nét nhau. Cũng có thể nghĩ theo hướng, chị dâu tôi không hài lòng về tôi nhiều thứ nhưng chị không có thời gian, không có cơ hội hoặc không cần phải nói với tôi điều đó. Vì tôi phải tự lo cho bản thân mình là chính.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc làm thế nào để hòa hợp với chị dâu của mình. Vì ngay từ khi biết nhận thức, tôi hiểu là rổi anh trai mình cũng phải lấy vợ. Vợ anh sẽ là một thành viên trong gia đình mình. Người chị dâu đó xấu tốt thế nào chủ yếu anh tôi “hưởng”, tôi không ảnh hưởng gì nhiều. Tất nhiên, mọi việc ảnh hưởng tới tôi quá đáng tôi cũng sẽ có ý kiến. Hiện tại mọi việc chưa có gì.

Việc chị dâu về nhà sống, tôi coi đó là việc tự nhiên. Chị ấy mới phải là người khó khăn trong vấn đề hòa nhập. Tôi là phụ nữ, tuy chưa có chồng nhưng tôi cũng hình dung rằng việc về nhà chồng, sống chung với bố mẹ chồng, sống chung với em chồng là điều không dễ dàng gì. Có thể tôi cũng sẽ trải qua những gì chị dâu tôi phải trải qua. Điều đó nhẹ nhàng, hoặc không nhẹ nhàng tôi không nói trước được.

Đối với chị dâu mình, tôi không thể nói quá yêu thương vồ vập chị ấy được và cũng không kỳ vọng điều ngược lại đối với chị ngay từ đầu. Tình cảm phải vun đắp qua thời gian, qua sự va chạm thì người ta mới thấy “quen” được nhau. Tôi là một “bà cô bên chồng” dễ tính, tôi tự cảm thấy thế. Là phụ nữ với nhau, tôi không thích chảnh chọe với bất cứ lí do gì.

Lời trần tình của
"Đối với chị dâu mình, tôi không thể nói quá yêu thương vồ vập chị ấy được và cũng không kỳ vọng điều ngược lại đối với chị ngay từ đầu" (Ảnh minh họa).

Bạn nói chị dâu sẽ là người khó khăn hơn khi về sống với nhà chồng, sống với một “bà cô bên chồng”. Vậy có bao giờ bạn nghĩ sẽ chủ động giúp đỡ chị dâu của bạn trong vấn đề hòa nhập cuộc sống chung không?

Nói thật là tôi không nghĩ tới việc mình sẽ chủ động giúp đỡ chị dâu trong việc hòa nhập cuộc sống gia đình chung.

Tại sao?

Tại vì chị ấy là một người trưởng thành, có những lựa chọn, cân nhắc riêng của mình. Chị ấy đi lấy chồng, tự biết những vấn đề gì thích hợp với mình, những vấn đề gì không thích hợp với mình. Nếu chị ấy thấy cần phải dung hòa giữa những cái riêng vốn có của chị ấy với những cái của chồng, của gia đình nhà chồng thì chị ấy sẽ biết cách làm. Còn nếu chị ấy muốn sống theo cách riêng của chị ấy, tôi nghĩ cũng là bình thường. Tất nhiên, nếu không dung hòa hợp lý, có mâu thuẫn thì phải chịu (cười).

Theo tôi, một người được phát triển cuộc sống của mình theo ý mình vẫn tốt hơn là việc bị áp đặt cách sống, cách ứng xử của người khác. Điều đó không có nghĩa là chị ấy không tôn trọng cuộc sống chung của cả gia đình. Nó có những giới hạn mà mỗi người cần tự hiểu.

Việc tự tìm cách hòa hợp với môi trường mới một cách thỏa mái cũng giúp người mới tự tin hơn trong gia đình mới. Không ai trong gia đình tôi gây cản trở cho chị dâu tôi bằng những đánh giá. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc lại, những quy tắc chung, cơ bản trong ứng xử văn hóa thì mọi người phải tôn trọng.

Tôi không chủ động giúp đỡ chị dâu trong gia đình mới, nhưng nếu chị ấy cần, chị ấy hỏi, tôi sẽ trả lời và hướng dẫn tận tình. Đó là việc tôi thấy nên làm.

Bố mẹ bạn có nghĩ thế không?

Tôi không rõ bố mẹ tôi nghĩ gì, nhưng tôi thấy giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa vợ chồng anh chị tôi không có những mâu thuẫn to. Tôi thường nói với mẹ mình mỗi khi mẹ không hài lòng với cách ứng xử của chị dâu: Mẹ phải cân nhắc nhé! Vì góc nhìn của mẹ khác góc nhìn của chị ấy. Mẹ áp đặt góc nhìn của mẹ đối với chị ấy rồi hằn học bắt chị ấy phải thay đổi theo ý mẹ là không hay đâu. Chị ấy có thể vì mẹ là mẹ của chồng mình mà phải chịu nhịn, nhưng chị ấy không phục đâu ạ!

Tôi không kỳ vọng việc chị dâu yêu quý mình như em gái và cũng không kỳ vọng chị ấy hoàn toàn đồng ý với mình mọi thứ. Nhưng bản thân tôi, tôi ứng xử công bằng. Đó cũng là vì anh trai tôi. Nếu gia đình ít mâu thuẫn, anh trai tôi sẽ hạnh phúc hơn, yên tâm làm việc hơn.

Nếu bạn lấy chồng, bạn có sợ gia đình có "bà cô bên chồng” không?

Nếu gia đình không có bà cô bên chồng, sẽ có những điều khác khó chịu thay thế. Tôi không mong, không sợ điều gì cả. Những khó khăn sẽ phải giải quyết. Đối với tất cả các mối quan hệ tôi đều cho nó vào quỹ đạo có thể nói chuyện, có thể thông cảm được cho nhau. Còn khi không dung hòa được, câu chuyện sẽ sang hướng khác. Biết đâu tôi sẽ là một bà chị chồng khó tính thì sao? Cuộc sống không nói trước được. (Cười)!

Tôi vẫn nghĩ em dâu hiện đại không còn đáng sợ kiểu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” như ngày xưa nữa. Cảm ơn bạn vì những chia sẻ trên! Bạn là một cô em chồng rất thú vị!
Chia sẻ