Khi vợ chồng "cắn xé" nhau

,
Chia sẻ

Trong trường hợp này cơn giận dữ khiến các cặp đôi bỏ qua sự kỳ diệu của lời "xin lỗi".

Nhiều khi những cuộc cãi vã nhỏ trở thành ngọn lửa hiềm khích âm ỉ có thể bùng cháy dữ dội bất kỳ lúc nào. Quan hệ đôi lứa khi ấy bị rạn nứt, thậm chí tan vỡ. Ấy là bởi phần lớn các cặp đôi thường ít hiểu hết sự kỳ diệu của lời nói "xin lỗi" và họ thường kiệm lời khi nghĩ đến điều này.

Học biết nhận lỗi!

Khi vợ chồng không thống nhất hoặc ngầm bất mãn với nhau, các cuộc trò chuyện hay bàn thảo về một vấn đề nào đó thường dễ chuyển sang gây gổ rồi cãi vã lúc nào không hay.

Họ đột ngột cắt đứt những cử chỉ thân thiện, ngọt ngào để quay sang "cắn xé" lẫn nhau, đổ tội cho nhau, giận dữ và nghi ngờ lẫn nhau. Khi ấy, những cảm xúc bực tức dồn nén bấy lâu được dịp bung ra hết, những hình ảnh khó chịu, những suy nghĩ tức tối, ghen tuông về cuộc tình trước của người kia lập tức xuất hiện ầm ầm trong tâm trí người này. Những lúc ấy, giận dữ, ghen tuông trở thành virus phá hoại dữ dẵn nhất cho hôn nhân.

Một cặp vợ chồng sau gần hai năm "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", từng có không biết bao lời khuyên can từ gia đình, bạn bè vẫn không làm dịu bớt căng thẳng trong quan hệ của họ. Cả hai người không ai chịu nhường ai, người này luôn tìm cách đổ lỗi cho người kia với thái độ bực tức, ghen tuông. Cuối cùng, sau khi nói chuyện với chuyên gia tâm lý, người chồng lần đầu tiên sau quãng thời gian dài hằm hè với vợ đã cất lời "xin lỗi". Anh cũng chẳng nói mình xin lỗi về cái gì nhưng chỉ một lời ấy đã làm nên điều kỳ diệu trong tâm trí người vợ, chị cảm thấy mình được công nhận. Những tức tối, ghen tuông, dằn hắt bấy lâu trong lòng chị lập tức được giải tỏa.
 


Quan tâm đến cảm xúc của đối phương

Các nhà tâm lý phân tích: Cơn giận dai dẳng trong lòng chị được giải tỏa nhanh như vậy bởi nguyên nhân ngầm khiến chị bực tức, cãi vã với anh cơ bản không phải ở sự việc cụ thể nào đó mà là bởi anh không đếm xỉa đến cảm xúc của chị. Chị cảm thấy bị chối bỏ và không quan trọng, thậm chí chị càng cay đắng hơn khi nghĩ trong trái tim chồng chị chẳng bao giờ bằng người bạn gái cũ của anh ta.
 
Và khi người chồng cao giọng nói rằng mình đúng thì người vợ cảm thấy chồng không quan tâm đếm xỉa đến công sức của mình và chị thấy không chấp nhận nổi một người chồng không bao giờ biết nhận lỗi. Nhưng khi anh cất tiếng nói "xin lỗi" thì lời kỳ diệu ấy khiến chị thấy mình được công nhận chứ không phải là bị bỏ rơi, bị so sánh với người khác.

Điều kỳ diệu nữa là lời nói ấy khiến chị cảm thấy được tôn trọng, được ấp ủ, được yêu thương và quan trọng hơn là chị thấy anh đã biết chia sẻ cảm xúc với chị. Theo chuyên gia tâm lý, mặc dù tất cả cảm xúc và nhu cầu đau đáu ấy đều hiện hữu thực sự nhưng chúng lại ít khi được đề cập một cách trực tiếp. Những cảm xúc ấy lại cứ âm ỉ, sôi sục bên trong tâm hồn hai người và sẽ bùng cháy dữ dội bất cứ lúc nào.
 
Đôi khi, dù có được phơi bày trực tiếp đi chăng nữa thì chúng cũng chỉ biểu thị qua nét mặt, điệu bộ hay giọng nói. Vì thế, giao tiếp theo cách tôn trọng nhu cầu cơ bản của nhau, chúng ta sẽ hiểu bản chất vấn đề, khi đó tranh cãi sẽ trở thành phương tiện dàn xếp những mâu thuẫn, hiềm khích, ghen tuông giữa hai người.

"Tập" nói lời xin lỗi...

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, đàn ông rất khó nói lời "xin lỗi" vì trong thế giới của phái mạnh, người ta chỉ nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai trái.
 
Anh rất hiếm khi nói lời xin lỗi với chị vì anh cho rằng mình chẳng làm điều gì sai cả, nếu anh nói câu đó với chị thì khác nào anh tự thừa nhận mình có lỗi - điều đó với anh là tối kỵ.
 
Thế nhưng, trong thế giới của phụ nữ thì lời "xin lỗi" không mang nghĩa "nhận lỗi, nhận tội" hay quàng trách nhiệm vào ai đó mà nó thường đơn thuần mang ý nghĩa thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc của đối phương, như một sự công nhận và chia sẻ tình yêu thương. Nếu đàn ông tập dùng thứ ngôn ngữ đó của phụ nữ thì anh ấy sẽ bắt gặp điều kỳ diệu.
 
Và cách tốt nhất để dập tắt cuộc khẩu chiến là cất lời "xin lỗi". Bởi hầu hết các cuộc tranh cãi leo thang đều do anh gièm pha cảm xúc của chị, khiến chị phản ứng kịch liệt. Phương pháp mà đàn ông thường dùng là bài bác quan điểm hay cảm xúc của phụ nữ, một cách vô tình hay hữu ý.
 
Chẳng hạn khi anh buông lời: ôi giời, việc quái gì em phải lo lắng đến nó; với anh đó là câu nói dạng thân thiện, xuề xòa nhưng với chị thì câu đó thật sống sượng và chẳng tâm lý chút nào. Rồi anh cố trấn an chị bằng câu nói: Chuyện không đến nỗi trầm trọng thế đâu, rồi đưa ra giải pháp hy vọng là chị nguôi ngoai và vui vẻ lên. Nhưng anh đâu biết rằng, hành động đó khiến chị cảm thấy không được ủng hộ và không được công nhận. Chị sẽ không đồng tình với anh đâu, trừ phi anh thừa nhận nhu cầu cần được tức giận của chị.
 
Vì đâu nên nỗi?
 
Mỗi cuộc cãi vã đều có nguyên nhân riêng của nó. Trong số các cặp vợ chồng đến tư vấn tâm lý có đôi cãi nhau ngay trong cuộc đi chơi rất vui vẻ. Cuộc cãi vã của họ bắt đầu khi cô vợ giật bắn người lên khi nghe chồng nói đến chuyện bỏ tiền tiết kiệm ra đầu tư hết vào cổ phiếu.
Ý người chồng thì mới chỉ là dự định nhưng người vợ thì cho là chồng đã hoàn tất kế hoạch đó lâu rồi. Cô lập tức thấy uất nghẹn trong lòng vì chồng dám làm chuyện "tày đình" như thế mà không bàn thảo với vợ, còn người chồng khi ấy cũng giận dữ vì thái độ không tin cậy của vợ. Kết cục là họ cáu kỉnh và cãi nhau.
 
Người chồng nghĩ vợ không bằng lòng với cách đầu tư ấy và xét nét về hiệu quả của nó, nhưng tâm trí anh ta lại tức giận về thái độ của vợ với mình. Còn người vợ thì vùng vằng vì tự ái khi anh không hỏi ý kiến chị lại còn không chấp nhận quyền được tức giận của chị.
 
Các nhà tâm lý cho rằng, hiểu cặn kẽ diện mạo của cơn cãi vã, người ta có thể giải quyết vấn đề có lý lẽ hơn. Trong thế giới của phụ nữ, đàn ông chớ nên tập phán xét cơn giận của chị em mà hãy cố tìm hiểu xem mình đã làm gì khiến chị em giãy nảy lên như vậy.
 
Thậm chí, nếu chị có hiểu lầm anh khiến anh bị tổn thương thì anh cũng vẫn nên tỏ ra ân cần chăm sóc chị. Lúc chị giận dỗi, việc đầu tiên phái mạnh nên làm là cố gắng lắng nghe để tìm hiểu nguồn cơn  rồi nhẹ nhàng nói: Xin lỗi đã làm em bực mình khi nói vậy... Những lời ấy luôn có kết quả diệu kỳ khiến các cặp đôi bớt cãi vã nhau hơn.
 
Những lúc thấy thật khó mở lời xin lỗi thì hãy hít thở thật sâu và im lặng hoặc thể hiện sự quan tâm nào đó. Dù chưa phải là lời xin lỗi nhưng nếu nhận thấy sự quan tâm từ phía anh, chị sẽ nhẹ nhõm trong lòng hơn.
 
Theo GĐ&XH
Chia sẻ