Khi mẹ chồng nắm "chìa khóa"

,
Chia sẻ

Dù rất hiền nhưng đã có lúc, Loan tranh cãi gay gắt với mẹ chồng chỉ vì muốn mua xe đẩy cho con mà cụ không đồng ý.

Sau khi sinh con, Loan (28 tuổi, Hà Nội) tạm thất nghiệp. Mọi khoản sinh hoạt phí của hai mẹ con trông chờ vào mức lương 4 triệu của chồng cô. Hàng tháng, nộp 3 triệu cho mẹ chồng gọi là sinh hoạt phí, Loan chỉ còn dư lại một khoản nhỏ.

“Một triệu đồng để tiêu vặt cho cả mình, chồng mình và con mình. Có khác gì đánh đố?” – Loan bày tỏ. Loan thấy khó chịu và bí bách vì mỗi khi muốn mua thêm thứ gì hay định làm cơm đãi bạn bè lại phải hỏi xin mẹ chồng. Cô đành nhịn cho xong. Hôm sinh nhật con trai, Loan muốn mua tặng con xe đẩy nhưng hết tiền. Cô bàn với mẹ chồng nhưng cụ gạt đi bảo: “Vẽ vời, vài bữa nó lớn để vứt xó à?”.

Ấm ức đến phát khóc, Loan tâm sự với chồng thì chồng cô cũng từ chối: “Giờ kinh tế nhà mình còn kém. Em bớt mua sắm đi”. Loan bảo, nếu cô tiêu xài phung phí thì bị cản cũng không oan, vì thấy con trai thích có xe đẩy quá nên cô mới mạnh dạn hỏi mẹ chồng. Món quà này cũng không to đến mức nhà chồng cô không thể mua nổi. Buồn nhất là mẹ chồng cô không mua quà gì tặng cho cháu trai của bà.

 

Cùng cảnh với Loan, Nguyên (29 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) vốn là thợ may. Mẹ chồng cô cũng có hiệu may nên khi về sống chung một nhà, cô “làm thuê” cho mẹ chồng. Nguyên kể, ban đầu mẹ chồng cô bảo: “Trả cho người ngoài thế nào cũng sẽ trả cho con như thế” nhưng khi làm, mỗi tháng cô chỉ được 800 nghìn đồng. Cơm ăn, nhà ở không mất tiền thì với Nguyên, 800 nghìn đồng/tháng không phải là khó sống.

Chuyện chỉ căng thẳng khi Nguyên sinh con gái đầu lòng mà mức tiêu vặt hàng tháng của mẹ chồng vẫn không suy chuyển.“Hồi trẻ đi làm, tiết kiệm được tý thì mua cái xe. Bây giờ sinh con chẳng có đồng nào trong tay. Muốn mua cho con loại sữa này nhưng mẹ chồng không đồng ý cũng đành chịu” – Nguyên chia sẻ.

Nguyên cho biết, khổ nhất là khi mẹ chồng xót tiền sữa, ca cẩm cả ngày. Cứ như hai mẹ con cô là gánh nặng cho cả nhà. Nhiều lúc bí quá, Nguyên đành vay tạm của bạn bè, họ hàng. Cô chỉ mong sớm thoát khỏi cảnh này.

Khi không được quản lý chi tiêu

Khi kết hôn, người vợ muốn khẳng định vai trò “tay hòm chìa khóa”, tự quản chi tiêu của mình. Nếu có thêm một “tay hòm chìa khóa” khác là mẹ chồng thì những bất đồng có thể xảy ra. Người con dâu sẽ có cảm giác bị phụ thuộc, không có vị thế hay giá trị gì trong mắt nhà chồng.

Từ đó, mọi chi tiêu ngay cả mua sắm cho bản thân, cho chồng, cho con cũng chịu sự chi phối của mẹ chồng. Có khi, con dâu thích nhưng mẹ chồng không đồng ý nên ấm ức. Hoặc con dâu không có đủ tiền tiêu vặt để xoay sở, nhất là khi có con mọn. Khi ấy, nếu nàng dâu có lên tiếng thì cũng không được ai trợ giúp, kể cả chồng mình. Nhiều người còn cho rằng, được mẹ chồng quản lý và tính toán thì không phải lo gì cả. Có sướng mà không biết hưởng.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ đó. Bởi người phụ nữ khi đã làm vợ, làm mẹ, họ muốn đảm nhiệm vai trò chi tiêu cho gia đình nhỏ của mình. Nếu bị mẹ chồng can thiệp, vô tình quyền và trách nhiệm này của họ bị tước bỏ. Đó là điều không thoải mái nhất, thậm chí, nhiều người có cảm giác như đang bị “giam hãm”.

Ở vào hoàn cảnh này, người vợ nên bày tỏ quan điểm của mình. Trước hết là tìm kiếm sự đồng cảm của chồng. Trong tình huống này, vai trò của người chồng là đặc biệt quan trọng. Chỉ có sự giúp sức của chồng mới khiến người mẹ tìm được tiếng nói chung với mẹ chồng. Nếu muốn bàn bạc chuyện gì với mẹ chồng thì cũng cần kiên trì, khéo léo, bởi đây là vấn đề tế nhị.

Ngoài ra, nàng dâu cũng cần độc lập về tài chính. Nên có công việc và thu nhập của bản thân. Thống nhất khoản đóng góp hàng tháng với chồng và mẹ chồng. Từ đó, việc chi tiêu cũng bớt gian nan hơn.
Theo Me&be
Chia sẻ