Hạnh phúc của cái Tết nghèo

Lệ Chân,
Chia sẻ

Cái Tết của nhà anh chị Thắng - Loan tuy tiết kiệm, đơn giản và giá rẻ nhưng tinh thần Tết, sự hào hứng và phấn khởi đón Tết thì không bao giờ thiếu.

Anh chị Thắng - Loan (đều quê Hà Tĩnh) là một cặp vợ chồng nghèo xa quê, nhà thuê trọ, nghề nghiệp bấp bênh và thu nhập thì thấp. Do điều kiện không cho phép nên cứ 2 năm một lần, anh chị mới đưa con về quê ăn Tết với ông bà 2 bên. Và năm nay, cả gia đình anh chị ở lại thành phố đón Tết.

“Lập nghiệp nơi thành phố xa xôi, cuối năm ai chẳng mong ngóng được về sum vầy với bố mẹ. Nhưng điều kiện không cho phép thì cũng đành phải chấp nhận. Cũng may bố mẹ 2 bên cũng hiểu cho bọn mình, bươn chải nơi đất khách quê người kiếm được đồng tiền cũng đầy khó khăn và nước mắt. Cuối năm, mình gửi về quê ít và chút tiền biếu nội ngoại 2 bên gọi là tấm lòng thành. Ông bà cũng không hề đòi hỏi gì cả bởi cái cha mẹ mong nhất không phải là đồng quà tấm bánh mà là con cháu về sum họp quây quần” - chị Loan xúc động chia sẻ.

Hạnh phúc của cái Tết nghèo 1
Cái Tết của nhà anh chị Thắng - Loan tuy tiết kiệm, đơn giản và giá rẻ nhưng tinh thần Tết, sự hào hứng và phấn khởi đón Tết thì không bao giờ thiếu (Ảnh minh họa)

Ngày thường, đồng lương chi tiêu cho sinh hoạt gia đình anh chị cũng đã phải giật gấu vá vai mới đủ, Tết nhất các khoản chi tiêu còn đội lên rất nhiều. Anh chị tâm niệm, mình không có thì cũng không sao nhưng các con còn bé, thấy chúng bạn có mà mình không có sẽ tủi thân. Vậy là như mọi năm ở lại thành phố, anh chị  sau khi nghỉ làm ở công ty thì còn đi làm thêm thời vụ ở các siêu thị, cửa hàng đến tận chiều 30 mới nghỉ.

Chị phấn khởi nói: “Vậy là có thêm đồng ra đồng vào, mua được quần áo mới cho con, và sắm sửa thêm cho cái Tết được tươm tươm. Chiều 30, 2 vợ chồng mới chở nhau đi sắm Tết. Cành đào người ta mua tiền triệu, chồng mình mua được cành đào họ bán tháo bán rẻ để về cũng vui như được mùa. Nhìn niềm vui đơn giản và dễ dàng của chồng, mình thấy vừa xúc động vừa ấm áp.

Cả năm nay mình không mua bộ đồ mới nào, Tết vẫn mặc đồ cũ. Con gái ngày thường thì mình xin đồ bé nhà chị cùng cơ quan mặc lại. Nhưng Tết, mình đã sắm cho con một bộ mới. Nhìn con vì một tấm áo mới mà vui mừng suốt mấy ngày, vợ chồng mình cũng thấy vui lây”.

Sắm Tết xong về, 2 vợ chồng anh chị lại bật nhạc xuân tưng bừng cả nhà, xắn tay xắn áo vào cùng nhau dọn dẹp. Con gái thì thích chí chạy quanh nhà, tập hát theo nhạc. Đêm giao thừa, cả nhà lại quây quần quanh nồi bánh chưng để anh Thắng kể chuyện cổ tích cho 2 mẹ con chị nghe. Bước qua khoảnh khắc giao thừa, vợ chồng anh chị đều mừng tuổi cho nhau - lệ giữ từ hồi còn yêu nhau, để để mong một năm mới nhiều niềm vui mới!

“Cuộc sống vẫn còn đạm bạc nhưng mình thấy rất đầm ấm và hạnh phúc. Có những lúc phải nhìn xuống mà sống chứ - mình tâm niệm như vậy! Cuộc sống bây giờ tuy vất vả đấy, lo cho con cái áo mới, cái bánh chưng mà cũng vất vả. Nhưng mình tự hào vì chồng rất thương vợ con. Hai vợ chồng luôn động viên nhau phải cố gắng lên, rồi con cũng lớn, thu nhập sẽ khá hơn, chịu khó làm ăn và tích lũy rồi cũng sẽ được ấm no hơn thôi” - chị Loan nói với ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.

Có thể nói, cái Tết của nhà anh chị Thắng - Loan tuy tiết kiệm, đơn giản và giá rẻ nhưng tinh thần Tết, sự hào hứng và phấn khởi đón Tết thì không bao giờ thiếu.

Vợ chồng anh chị Nguyên - Nhàn (Từ Liêm, Hà Nội) mặc dù có hộ khẩu thành phố, không phải thuê nhà nhưng vị trí nhà ở ngoại thành xa trung tâm, lại trong hẻm nhỏ. Với đồng lương ba cọc ba đồng của cả 2 vợ chồng, anh chị vẫn thấy thật khó khăn mỗi dịp Tết về khi phải chi tiêu quá nhiều khoản.

Nhưng anh chị vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan và không hề lấy đó làm buồn. “Mình nghèo, mình nhận thức được và hoàn toàn chấp nhận những điều ấy. Vậy nên Tết nhất, mình cũng sẽ tổ chức theo kiểu vợ chồng nghèo mà thôi! Miễn sao để đây là dịp gia đình sum họp, vui vầy và mang được không khí Tết, không khí xuân về trong nhà là được!” - Chị Nhàn tâm sự.

Là người phụ nữ trong gia đình, quản lí chi tiêu, chị Nhàn đã theo đúng phương châm tiêu Tết theo cách của người nghèo. Giá cả và các loại mặt hàng thì có nhiều loại để lựa chọn, nhưng chị thường chọn mua loại ở tầm trung bình, miễn là vẫn đảm bảo chất lượng an toàn. Chị Nhàn còn thường mua dần từ hơn một tháng trước Tết, vừa giá cả ổn định hơn mà đến Tết đỡ phải mua một lúc nhiều tiền lại không đủ. 

“Tuy hơi mất công một chút nhưng tiết kiệm được kha khá tiền, và cái cảm giác đi sắm từng thứ một cho Tết ấy cũng rất thú vị. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Mình có khả năng như thế nào thì tiêu xài như thế ấy thôi!” - chị Nhàn hào hứng bày tỏ.

Chị “khoe” tiếp: “Năm nào, trong năm mình cũng nuôi một con lợn để dành cho Tết. Đến Tết sẽ vừa có thịt ngon, sạch ăn Tết. Nhất là cái không khí thịt lợn, đụng lợn với láng giềng, họ hàng thì vui khỏi nói, tấp nập như có hội vậy. Gà để phục vụ cho Tết mình cũng bố trí nuôi vài con từ trước, gọi là chỉ đủ ăn Tết thôi vì mình cũng không chuyên về chăn nuôi. Vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo chất lượng mà mỗi khi luộc lên, mấy bố con xúm vào khen: ‘Gà mẹ nuôi béo thế!’ là mình lại thấy hạnh phúc ngất ngây!

Không năm nào nhà mình không gói bánh chưng và tổ chức thức đêm trông bánh. Còn gói giò thủ và nấu thịt đông - toàn những món truyền thống của Tết cổ truyền. Mình phân công cho chồng và các con làm việc, cả nhà cùng nhau ‘hò hét’ nhau làm, mỗi người một tay, không khí rất tưng bừng. Các con chẳng cần đồ chơi đắt tiền, nhiều quần áo đẹp nhưng vẫn thấy háo hức với Tết lắm!

Hạnh phúc của cái Tết nghèo 2
Chị Nhàn còn thẹn thùng khi kể, giao thừa năm nào anh Nguyên cũng ôm chị thủ thỉ đầy ngọt ngào: “Anh sẽ cố gắng để mẹ con em không phải thiếu thốn, có cuộc sống sung túc hơn nữa!” (Ảnh minh họa)

Mấy năm trước, mình đã trồng một cành đào ở vườn trước cửa. Chăm bón cả năm, thế là mỗi dịpTết đến lại cắt một nhành vào cắm chơi Tết. Vừa không tốn kém lại vừa là cây nhà lá vườn, rất có ý nghĩa.

Không có điều kiện kinh tế để mua sắm những thứ đắt tiền thì mình thay thế bằng việc tạo không khí sum vầy, ấm cúng trong gia đình. Đối với mình, cảm giác hạnh phúc và ấm áp ấy không mâm cao cỗ đầy hay những thứ sang trọng nào thay thế được!”.

Chị Nhàn còn thẹn thùng khi kể, giao thừa năm nào anh Nguyên cũng ôm chị thủ thỉ đầy ngọt ngào: “Anh sẽ cố gắng để mẹ con em không phải thiếu thốn, có cuộc sống sung túc hơn nữa!”. Mặc dù chỉ là một lời nói thôi nhưng chị rất cảm động, nghe đi nghe lại cả chục năm rồi mà năm nào cũng y như rằng đều dơm dớm nước mắt… 
Chia sẻ