Giới hạn của sự chiều chuộng

,
Chia sẻ

Hôn nhân bắt đầu từ sự chiều chuộng và cũng bởi sự chiều chuộng đó mà người ta... ly hôn.

Giới tâm lý cho rằng, nhu cầu tình cảm lớn nhất của phụ nữ là được chồng quan tâm. Ngược lại, đàn ông cũng có nhu cầu cao về sự phục vụ, nuông chiều một cách đặc biệt từ vợ.
 
Vấn đề “được chiều chuộng” là nhu cầu tất yếu trong hôn nhân, nhưng bản thân nó lại tiềm ẩn nhiều hệ quả khó lường, Nhà văn Mark Twain (Mỹ) từng cảnh báo: “Hôn nhân bắt đầu từ sự chiều chuộng và cũng bởi sự chiều chuộng đó mà người ta... ly hôn”.

Càng chiều càng xa

Thời đại học, Dạ Thanh được nhiều người biết đến nhờ vẻ yểu điệu “trên mức bình thường”. Nhà có điều kiện kinh tế nên Thanh đi học cứ như đến sàn catwalk với đủ loại váy áo. Nhiều chàng trai trong lớp thích Thanh nhưng không dám theo đuổi, vì sợ không đủ sức phục vụ cô nàng đỏng đảnh. Quang Minh, một SV khoa khác cũng kết nàng nên tìm đến “xin chết”. Minh đưa đón nàng đi học, đi mua sắm, đi tìm bằng được những món ăn nàng ưa thích... Người ngoài bảo “thằng Minh tự làm khổ mình”, nhưng Minh lại tự nhủ: “Không gì sung sướng bằng... được khổ vì người mình yêu”.
 

Ảnh minh họa

Sau ngày cưới, Minh như bước ra từ một giấc mơ, bởi trước đây mọi chuyện đẹp, lãng mạn bao nhiêu thì giờ... “oải” bấy nhiêu. Vất vả lắm Minh mới xin được chỗ làm cho vợ, nhưng làm được dăm bữa, nửa tháng, Thanh lại đòi bỏ việc, bảo chồng tìm chỗ khác. Chỉ nửa năm mà Minh đã phải tất tả xin đến 6 chỗ làm cho vợ.

Thời yêu nhau, thấy Thanh yếu đuối, Minh càng thương nhưng giờ thấy vợ than mệt, đòi đổi chỗ làm, Minh lại bực, vì rõ ràng là Thanh lười biếng, không quen chịu cực. Ở nhà, Thanh chỉ thích nằm õng ẹo trên giường coi tivi, Minh phải đi gọt trái cây cho vợ ăn, pha nước nóng cho vợ ngâm chân. Đến giờ, Minh còn phải giục vợ đi tắm. Thanh còn đẩy nhiệm vụ giặt đồ cho chồng với lý do “da tay em dị ứng với bột giặt”.

Hiếm khi Thanh nấu cơm ở nhà, thế nhưng đi ăn ở ngoài cô cũng cứ chê ỏng chê eo chỗ này mặn, chỗ kia dở khiến Minh phải chạy lòng vòng khắp thành phố mới tìm được quán ăn mà vợ vừa ý. Anh cố nén nỗi bực mình và tự trấn an mình: “Lấy vợ đẹp thì phải chịu, cái gì cũng có giá của nó”. Thế nhưng, càng ngày Thanh càng phát sinh thêm nhiều nhu cầu hưởng thụ khác như trang điểm ở tiệm, đi spa thư giãn, thường xuyên đi xem phim ở rạp...

Càng chiều, Minh càng đuối, buộc lòng phải đề nghị vợ xem lại cách chi tiêu. Thanh phản ứng: “Anh lấy vợ mà không nuôi nổi vợ, sao còn dám lấy tôi?”. Minh hiểu ra, sự chiều chuộng của anh vô tình đã đẩy hai người dần xa nhau hơn, Thanh đã trở thành người vợ “thuần” hưởng thụ, còn anh là người chồng “thuần” phục vụ.

Từ ngày về nhà chồng, Quỳnh Hân xác định “chiến lược” làm vợ: "Mình không xinh đẹp như người ta nên phải bù lại bằng cách chiều chuộng chồng thật nhiều”. Quang Thái (chồng Hân) càng được vợ chiều càng ỷ lại. Công việc nhà, anh tuyệt nhiên không đụng đến, chỉ ngồi gác chân chờ vợ dọn cơm, ăn no rồi lại nằm kềnh. Có người hàng xóm bảo: “Thằng Thái số sướng, lấy được cô vợ phục vụ tận răng”. Người khác lại bĩu môi: “Nó sướng bao nhiêu thì vợ nó khổ bấy nhiêu!”.

Vốn con nhà nghèo, Hân chưa kịp mừng vì lấy được chồng nhà khá giả, thì của cải đã đội nón ra đi theo thói đề đóm của chồng. Không dám khuyên can, có lúc Hân còn... đi ghi đề dùm chồng.

Tiền bạc khánh kiệt, nhà chồng cắt “viện trợ”, Thái vẫn lười biếng lao động, chỉ mặc quần áo đẹp, cưỡi xe la cà khắp xóm, đến giờ cơm lại về. Lương công nhân không đủ, Hân phải đi vay nợ để phục vụ cơm nước cho chồng nhưng không dám mở lời kêu ca. Gia đình bên chồng mắng Thái vì tật lông bông, Hân vẫn cố bênh chồng. Thái xin vào làm nhân viên giao hàng mới được một tuần, đã nghỉ đến ba ngày. Hân vẫn chiều, bảo chồng thôi việc, về nhà... nghỉ ngơi, dù Thái vẫn khỏe như vâm.

Những đứa con ra đời, Thái vẫn chứng nào tật nấy, Hân trót làm người vợ “siêu đảm đang” nên vẫn cố chịu đựng. Gần đây, cô chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ càng chiều càng được chồng yêu, nào ngờ anh ấy không yêu thì chớ, lại có lúc quát mắng tôi như mắng người hầu. Từ lúc lấy chồng đến nay, tôi toàn phải chịu đựng, chưa có được một ngày được vui vẻ thực sự. Tôi có nên chia tay?”.
 

Giới hạn

Cuối tháng 10/2007, tại Trung tâm văn hóa Q.Phú Nhuận, TP.HCM đã diễn ra buổi hội thảo Không hiểu chồng làm sao giữ được hạnh phúc gia đình? Những người có mặt đã tranh luận khá sôi nổi, về vấn đề “chiều chuộng thế nào cho đúng cách”.

Chị Đinh Thị Bắc (Q.3) chia sẻ: “Chồng tôi là con một, được nâng niu từ bé, chỉ biết đi học, rồi làm việc ở cơ quan, còn việc nhà thì... mù tịt. Có lúc, tôi đang mang bụng bầu mà leo lên thay bóng điện, tủi thân muốn khóc. Nhà dột, tôi cũng leo lên thay ngói. Đụng việc gì làm được là tôi làm hết, cuối cùng cái gì tôi cũng làm, còn chồng thì ngồi chơi không.

Tôi nhận ra, tất cả chỉ vì mình chiều chồng quá mức. Gia đình làm sao ổn được khi chồng thì nằm thẳng lưng, vợ quần quật không hết việc? Vậy là tôi thống nhất với chồng một số nguyên tắc: nhiệm vụ của chồng phải làm gì, vợ phải làm gì. Nếu chồng chưa làm được việc đó thì vợ sẽ hướng dẫn hoặc sẽ đi học từ người khác. Tôi đã dần cải thiện được tình hình và lấy lại được cân bằng trong gia đình. Bây giờ thì chúng tôi chiều nhau”.

Chị Hà Thu Minh (Q.Phú Nhuận) nói thẳng: “Tôi thấy các bà vợ quá nhõng nhẽo chỉ làm mệt chồng mình, chứ đâu được cái gì. Ví dụ như bắt chồng tháp tùng, đi hàng chục shop giày dép mới mua được một đôi giày vừa ý. Các ông cũng chiều, nhưng thử nghĩ có đáng không? Đàn ông vốn không thích đi mua sắm, mà bắt họ chạy lòng vòng khắp thành phố, rồi gửi xe, lấy xe, mệt phờ cả người, chỉ vì một đôi giày của vợ.

Trong khi đó, người vợ có thể rủ bạn bè cùng đi, tha hồ chọn lựa mà không sợ có người đợi mình, cuối cùng, mỗi người chọn được một đôi mà ai cũng vui vẻ. Về đến nhà còn được chồng tươi cười, rót nước cho uống nữa chứ! Cái chính của việc chiều chuộng là làm sao người chiều tự nguyện, thì người được chiều mới vui, người chiều cũng cảm thấy sung sướng”.

Lòng ham muốn của con người thường vô tận, vì vậy, người phụ nữ và người đàn ông được chiều chuộng đến mức nào cũng không cảm thấy là đủ. Người được chiều cứ vô tư nhận, người chiều phải bấm bụng, cắn răng cố gắng để rồi đến một ngày, người nhận cứ nghĩ mình xứng đáng được như thế, tiếp tục đòi hỏi, còn người cho quá mệt mỏi, chỉ muốn buông xuôi. Sự chiều chuộng cần xuất phát từ tình cảm, tránh trường hợp một bên hy sinh - một bên thụ hưởng. Sẽ là hợp lý hơn khi hai bên đều cảm thấy mình đang thụ hưởng.

Theo Phụ nữ

Chia sẻ