"Đẩy" con dâu ốm về nhà mẹ đẻ

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Hễ nàng dâu muốn về thăm bố mẹ là bà Cúc kiếm cớ ngăn. Nhưng nếu dâu ốm nặng một chút, kiểu gì bà cũng gợi ý cho về bên ngoại.

“Dâu là con, rể là khách”, không ít bà mẹ chồng chỉ hiểu câu đó theo nghĩa: nàng dâu có nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ chồng, lo việc nhà chồng hơn việc nhà mình. Thế nhưng khi nàng dâu ốm, họ lại nhớ ra rằng, dâu mình là con của… bà thông gia.

Hễ ốm là bị “đuổi khéo” về nhà ngoại

Thúy Hà là gái Hà Nam làm dâu Thanh Hóa. Hai bên không quá xa, nhưng hầu như mỗi năm cô chỉ được về thăm bố mẹ một lần vào dịp Tết Nguyên đán, sáng mùng hai đi, chiều mùng ba về. Trong năm, nhiều khi nhớ nhà, hoặc bố mẹ ốm, hay chỉ đơn giản là được nghỉ làm mấy ngày muốn cho con về thăm ông bà ngoại, nhưng đều bị bà Cúc, mẹ chồng, tìm cách ngăn cản.

Thúy Hà ấm ức kể: “Khi thì mẹ nói là nóng hoặc rét quá, cho trẻ con đi nó ốm. Lúc mẹ bảo là dịp đó có khách đến chơi, phải ở nhà giúp làm cơm, dù sau đó chẳng ai đến cả. Khi ông bà ngoại ốm, xin về thăm thì mẹ bảo chờ vài bữa để mẹ thu xếp, vài hôm sau mẹ gọi điện cho thông gia rồi bảo thôi ông bà đỡ rồi không phải đi thăm nữa”,.

Rồi có lần, chính bà Cúc khuyến khích con dâu về nhà ngoại. “Lần đó mình cảm động muốn rơi nước mắt khi mẹ chồng ân cần nói thôi về bên nhà ít ngày cho khuây khỏa, được gần bố mẹ đẻ sẽ vui mà chóng khỏe hơn. Nhưng đến lần thứ ba, thứ tư được ‘bật đèn xanh’ như thế, mình nhận ra một điều là hễ mình ốm nặng một chút, đến mức phải nằm trên giường chứ không cố nhúc nhắc được, là kiểu gì mẹ chồng cũng gợi ý cho về ngoại. Mình về Hà Nam, mẹ ngày nào cũng điện thoại hỏi thăm, thế nhưng hễ nghe nói khỏe rồi là kiểu gì cũng bắt về lại Thanh Hóa ngay”, Hà chia sẻ.
 
Dù Hà không nói gì với bố mẹ đẻ mình nhưng ngay cả họ cũng nhận ra động cơ của bà thông gia. Hễ nghe tin Hà ốm là họ lại chuẩn bị tinh thần đón con gái vì biết ngay kiểu gì Hà cũng bị mẹ chồng “trả về nơi sản xuất”.
 

Con ai, người ấy chăm

Hai bên nội ngoại của Hương đều ở Hải Phòng, chỉ cách nhau chừng 7 km. Bố mẹ chồng cô có quan điểm, con gái đã đi lấy chồng thì là người của nhà chồng, nên dù khi sinh đẻ hay lúc ốm đau thì phải ở nhà chồng, nếu về bên ngoại thì chẳng khác gì bôi bác bên nội là không chăm nổi con cháu. Vì thế, những lúc cơ thể yếu ớt như thế, Hương muốn về nhà đẻ ít ngày để mẹ chăm sóc mà cũng không được phép.

Thế nhưng bản thân mẹ chồng Hương lại không muốn chăm con dâu. Bà bế cháu một lát đã kêu mỏi lưng, nấu cho con dâu bát cháo cũng kêu vất vả. Thấy thế, chồng Hương bảo mẹ cứ nghỉ, để anh chăm vợ. Nhưng nhìn con trai lụi hụi giặt giũ, nấu cháo cho vợ ốm, bà thấy xót xa và bất bình. Con bà đẻ ra đâu phải để làm những việc này. Thế là bà gọi điện cho thông gia, mời “chị sang chơi với cháu ít ngày, động viên tinh thần cho cháu chóng khỏe”. Nói là động viên tinh thần nhưng sang đến nơi thì bao nhiêu việc rơi hết vào tay bà ngoại, còn bà nội được giải phóng là “quên luôn”. Biết ý chị sui là con ai người ấy chăm, những lần sau mẹ Hương xin cho con gái về nhà, khi nào khỏe sẽ về, nhưng không được đồng ý. Có lần Hương ốm nhưng mẹ chị cũng ốm không sang được, chồng cô đành phải làm việc nhà thay vợ, thế là mẹ chồng chửi bóng chửi gió: “Loại đàn bà gì mà cứ thích nằm ườn ra cho chồng hầu hạ”.

Nghĩ về những ngày đau ốm, Hà chua chát: “Lúc bà ngã xe bị gãy chân, hết nằm ở viện đến nằm ở nhà, một tay mình ngày đêm chăm sóc, hai đứa con gái lấy chồng gần cũng chỉ đáo qua thăm hỏi rồi về. Hai đứa em chồng đẻ, bà cũng gọi mình vào trực mấy đêm trong bệnh viện trong khi chồng và hai bên bố mẹ của bà đẻ đều về nhà ngủ. Thế mà khi mình đẻ, mình ốm, cấm ai động tay vào. Đấy là mình thỉnh thoảng mới ốm, chứ nếu suốt ngày yếu đau bệnh tật thì chắc bà bắt chồng mình ly dị mất”.

Tình cảm cũng phải “có đi có lại”

Lan Trinh, một nàng dâu thời đại @, phát biểu: “Mẹ tớ bị bà nội ngược đãi cả đời nhưng vẫn cả đời phụng dưỡng bà còn hơn mẹ đẻ, không oán thán. Đến tận khi nhắm mắt, bà mới nói một câu tử tế với mẹ, thế mà mẹ tớ đã khóc vì cảm động, coi như tấm lòng mình đã được đền đáp. Mẹ bảo đạo làm dâu phải thế, nhưng tớ thì chịu. Tớ không thể chờ đến lúc tớ già, mẹ chồng mất mới được ban một lời tử tế. Trên đời này chỉ có tình yêu trai gái và tình cảm mẹ con ruột thịt mới là mù quáng và vô điều kiện, còn những tình cảm khác phải có đi có lại. Không thể cứ ngược đãi người ta mà lại muốn người ta cung kính, yêu thương mình”.

Với quan điểm đó, Lan Trinh thuê osin chăm sóc mẹ chồng khi bà ốm, còn bản thân chỉ sai phái osin chứ không đụng tay vào, bởi cô luôn nhớ mình vẫn phải chpj búa, nấu nướng, giặt giũ cho cả nhà chồng ngay cả lúc ốm đau.

Không phải nàng dâu nào cũng quyết liệt như Lan Trinh. Thúy Hà cho biết, dù bị ngược đãi, cô vẫn chăm nom mẹ chồng khi bà đau yếu. “Nhưng mình chỉ làm vì nghĩa vụ, cho trọn đạo lý thôi, chứ không thể hết lòng được khi không có chút tình cảm nào, Hà nói.

Chia sẻ