Chị em gái - “trái cau khô”

Theo Mẹ & Bé,
Chia sẻ

Không ít mối quan hệ chị em gái với nhau không thắm thiết khiến người còn lại ấm ức.

Có bà chị gái “hám tiền” nên Thùy (28 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) không ít lần bực tức. Cưới chồng, vợ chồng Thùy thuê nhà ở riêng, còn vợ chồng chị gái và cháu nhỏ đã ở cùng ông bà ngoại từ trước. Vậy mà mỗi khi hai vợ chồng Thùy về chơi được chị gái tiếp đón dửng dưng như sợ em gái sẽ đòi chia đôi căn nhà đang ở.
 
“Bố mẹ mình bảo nhà chỉ có hai chị em gái nên mọi tài sản thừa kế sẽ được chia đều. Nhưng bà chị gái thì luôn bảo là “Anh chị có công nuôi bố mẹ”. Nghĩ mà chán lắm” - Thùy chia sẻ.
 
Chồng Thùy kinh doanh đồ điện tử nên có lấy cho chị vợ một cái laptop theo yêu cầu. Thế mà lấy về chẳng được chị cảm ơn một câu, còn chê đắt rồi trả 1/3 tiền, số còn lại thì nợ. Thùy có đòi thì chị gái lại than vãn: “Ôi, anh chị đang khó khăn lắm. Đợi sau này dì sinh con thì chị trả cả vốn lẫn lãi”. Chán nản Thùy quay sang “mách” mẹ thì mẹ Thùy mở tủ, lấy tiền đưa con gái rồi bảo: “Coi như mẹ trả tiền mua máy tính cho chị. Chẳng nhiều nhặn gì mà chị em bất hòa thì không hay”. Thùy kiên quyết phản đối nhưng mẹ cũng chỉ lắc đầu dặn dò: “Chị em lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt” khiến Thùy càng bức xúc hơn.
 
Khi mang bầu, Thùy về chơi thì được mẹ tẩm bổ bao nhiêu món ngon, chị gái thấy vậy bảo: “Ăn lắm rồi béo như lợn, chồng nó lại bỏ đi với bồ” khiến Thùy ức phát khóc. Mang tiếng chị em gái mà còn lạnh nhạt hơn người ngoài vì chẳng mấy khi tâm sự với nhau. Mỗi lần nhận được điện thoại hay tin nhắn của chị gái là Thùy đoán, thể nào cũng có chuyện nhờ vả nên nhiều khi, Thùy chẳng muốn nghe. Thùy cũng ngại về bố mẹ đẻ vì chán cái bộ mặt cau có của chị gái.
 
Chị em gái - “trái cau khô” 1
Ảnh minh họa

Còn Nhung (Thanh Trì, Hà Nội) lại bức xúc với em gái kém 4 tuổi của mình. Hồi sinh con, Nhung về ngoại ở cữ nhưng chẳng bao giờ được em gái giúp bế cháu. Có lần vì cháu trớ sữa vào bộ váy chuẩn bị đi chơi với bạn trai của dì nên bị dì “tét đít” và quát to làm cháu sợ, khóc thét. Từ đó Nhung có muốn nhờ em bế cháu một lát cũng không được vì: “Nó ị (tè, nôn) vào người thì sao, kinh lắm”.
 
Có lần, bé nhà Nhung làm nhàu quyển truyện tranh mà dì yêu quý nên bị dì phát cho mấy cái vào tay, khóc om sòm.
 
“Biết là em gái mình còn trẻ nhưng mà vẫn thấy ức với nó. Có lẽ là vì mình đi du học xa nhà rồi khi đi làm cũng công tác liên miên nên tình chị em chẳng mặn mà” – Nhung kể.
 
Nhung chẳng bao giờ hỏi chuyện được với em gái quá vài câu vì chị em không hợp nhau, có hỏi cũng bị em cáu. Hồi về bà ngoại ở cữ, Nhung càng stress hơn vì lúc nào em gái cũng nhăn nhó như muốn đuổi cả chị, cả cháu…
 
Khi chị em gái như trái cau… khô
 
Không chỉ có tình chị dâu - em chồng hay chị em dâu với nhau mới “sứt mẻ” mà ngay cả chị em gái cũng mâu thuẫn hoặc không hợp nhau. Có thể do khoảng cách tuổi tác nên có khác biệt lớn về quan điểm, suy nghĩ khiến chị em gái không hợp nhau, ít chia sẻ với nhau hoặc do tính cách mỗi người. Có chị (hoặc em gái) xấu tính, ích kỷ nên khiến người trong cuộc bức xúc hoặc thấy thất vọng. Cũng có những chị em gái vì hoàn cảnh nên phải xa nhau dẫn tới tình cảm lạnh nhạt một cách tự nhiên vì từ trước tới này đã ít tâm sự với nhau. Có chị em vì tranh giành, ghen tị nghĩ chị em mình được bố mẹ chiều hơn nên nảy sinh tâm lý khó chịu…
 
Chị em nên tranh thủ thời gian để trò chuyện, quan tâm và giúp đỡ nhau. Người ấm ức nên góp ý nhẹ nhàng để chị (hoặc em) mình hiểu ra. Nhiều khi chỉ vì vô tâm hoặc hiểu lầm mà gây xung đột cho chị em ruột thịt. Còn nếu góp ý không hiệu quả thì có thể nhờ tới người thân trong nhà giúp đỡ. Tất nhiên một mối quan hệ chỉ thành công khi hai bên biết lắng nghe và thông cảm cho nhau.
Chia sẻ