Cảm động tình mẹ - con không cùng huyết thống

Theo PLVN,
Chia sẻ

Nếu cả mẹ chồng và con dâu đều cố gắng đặt mình vào địa vị của nhau là họ đã tạo ra cơ hội để hiểu và dễ thông cảm cho nhau hơn.

Đến huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc, hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thăng không ai là không biết vì với suy nghĩ và hành động của mình bà đã làm cho “bánh đúc có xương”. 

Ngày ấy, cách đây mấy chục năm, khi bà Thăng quyết định lấy chồng, nhiều người trong họ đã can ngăn vì người đàn ông đó có tới tận 5 đứa con riêng. “Làm gì thì làm chứ đừng làm mẹ ghẻ”, họ đã khuyên bảo bà như thế. 
 
Các con của bà tuy nay đều đã thành đạt người làm giám đốc đài viễn thông của huyện, người làm giáo viên trường quân sự quân khu 2, người là hiệu trưởng của một trường THCS… nhưng đều vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày nào về bà Thăng - người mẹ kế.
 
Anh Trần Thai Mai hiện sống cùng bà là hiệu trưởng của một trường THCS kể: “Thú thật mới đầu chúng tôi cũng sợ, cũng không thích. Về sau thì mẹ là mẹ của chúng tôi thật sự. Ngày đó cuộc sống còn khổ, gia đình lại đông người. Những bữa cơm độn khoai, độn sắn, bà thường hớt lấy phần cơm cho các con, phần khoai sắn về mình. Tuy không sinh nhưng mẹ đã có công dưỡng dục, nuôi nấng chúng tôi trở thành người”.
 
Đã gọi tiếng mẹ, thì sao lại không yêu? (Ảnh minh họa)

Suốt những năm tháng “làm mẹ kế” ấy, bà Thăng đã chung lưng đấu cật với chồng quyết nuôi dưỡng các con nên người. Bà âm thầm làm lụng, đổi công, đổi sức, làm hết việc nhà bà lại đi làm thuê cho nhà khác, để lấy gạo cho gia đình cho các con đang tuổi ăn tuổi lớn đủ no “chứ không thì tội lắm”. 
 
Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở ấp Bình Thắng, xã An Bình (Phú Giáo) tỉnh Bình Dương, chị Lại Thị Hồng là một đảng viên mẫu mực, là tấm gương cho mọi người học tập, noi theo về cả tấm lòng nhân ái hay giúp đỡ người nghèo lẫn tình cảm hiếu thảo với mẹ chồng.
 
21 tuổi, chị Hồng theo chồng là anh Triệu Quốc Dũng về làm dâu trong gia đình ở ấp Bình Thắng, xã An Bình. Bà Đỗ Thị Cúc, mẹ chồng chị là người rất nghiêm khắc. Vì vậy, quan điểm sống của chị và mẹ chồng có phần khác biệt. Khi anh chị chưa kịp xin ra ở riêng để giữ hòa khí gia đình thì mẹ chồng chị Hồng phải nhập viện vì bệnh cao huyết áp.
 
Với tâm niệm mong muốn mẹ khỏi bệnh vui vầy cùng con cháu, chị dành hết tình thương yêu chăm sóc cho mẹ từng chén cháo, giấc ngủ. Lần ấy, bà Cúc nằm viện khá lâu. Tất cả mọi việc lớn nhỏ có liên quan đến bà đều một tay chị đảm đang, lo cho mẹ từng cái nhỏ nhặt nhất, từ thói quen sinh hoạt đến sở thích ăn uống.
 
Ban đầu, bà Cúc cự tuyệt sự chăm sóc của cô con dâu nhưng dần dà sự yêu thương, chăm sóc ân cần của chị Hồng đã chinh phục mẹ chồng. Bà Cúc xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của con cháu và sự phấn khởi trên khuôn mặt rạng ngời của cô con dâu. 
 
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình, tâm lý chung của những đứa con chồng đối với mẹ kế ban đầu bao giờ cũng là sự nghi ngại, không thoải mái, thậm chí là lo lắng sẽ mất đi hay phải san sẻ quyền lợi với người mẹ kế đó. Nếu con riêng của chồng còn nhỏ thì việc chống lại mẹ kế chủ yếu là vì tình cảm. 

Còn đối với trường hợp con chồng đã trưởng thành thì hầu hết việc chống lại mẹ kế là vì quyền lợi về kinh tế (như nhà cửa, tiền bạc…). 

Trường hợp con chồng đã trưởng thành thì người mẹ kế càng phải khéo léo hơn. Luôn cư xử đúng mực, thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe đối với con chồng, qua đó dần dần thuyết phục họ rằng bạn chân thành, thật lòng đến với bố họ chứ không phải vì mục đích nào khác.

Với mẹ chồng - con dâu: Hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của nhau. Để xoá bỏ mâu thuẫn, theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý Hoàng Nhân thì nếu ai từng rơi vào hoàn cảnh mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu điều trước tiên là hãy cố gắng lý giải và tìm ra nguyên nhân sâu xa của những hành động đó. Nếu cả mẹ chồng và con dâu đều cố gắng đặt mình vào địa vị của nhau thì như thế là họ đã tạo ra cơ hội để hiểu và dễ thông cảm cho nhau hơn.
Chia sẻ