"Cái dằm" trong mắt con dâu

Theo TGPN,
Chia sẻ

Thấy mẹ chồng ăn mặc, trang điểm đẹp đi nhảy, Ngần lại dẩu mỏ nựng con: “Bà nội cưa sừng làm nghé đấy, xanh xanh đỏ đỏ như con cào cào ấy, con nhỉ...”.

Bà Mỹ thích hát múa, sân khấu. Thời còn đi làm, bà chưa vắng mặt trong bất cứ hội diễn nào. Tiết mục nào bà cũng tham gia, ốm bà cũng không nghỉ. Dạo Thắng mới được vài tháng, bà mải mê tập kịch quên cả đón con ở nhà trẻ, quên cho con ăn, quên cả tắm rửa cho con, con khóc cũng mặc kệ, mọi việc nhà đổ tất lên đầu chồng, đến nỗi ông chồng chẳng chịu được, suýt li dị.

Từ ngày về hưu, chẳng mấy khi bà ở nhà. Sáng đi tập thể dục từ tờ mờ đất đến 8, 9 giờ mới về. Chiều ra câu lạc bộ đánh bóng bàn, chơi khoảng nửa tiếng nhưng ngồi xem cả buổi. Tối bà đi nhảy. Cho nên về hưu mà bà bận hơn cả đi làm nhưng càng ngày bà càng khỏe ra...

Bà tuân thủ theo lịch của bà. Bà không chờ cơm con cháu, cũng không bắt con cháu chờ. Bà hay nói: Sướng nhất là được làm theo ý mình. Những ngày đầu làm dâu, Ngần thích lắm. Mẹ chồng bận bịu với lịch sinh hoạt của mình nên thoáng, chẳng bắt ne bắt nét, chẳng soi mói con dâu. Việc mẹ mẹ làm, việc con con làm, chẳng ai động chạm, nhắc nhở, dạy bảo, trách cứ ai. Nhưng đến khi Ngần sinh con, bao nhiêu việc Ngần chẳng biết xoay xở thế nào mà mẹ chồng đi về thấp thoáng, chẳng giúp đỡ gì khiến Ngần bức xúc. Bà tuyên bố với hai con: “Mẹ ở tuổi này là tuổi được nghỉ ngơi, mẹ chơi với cháu chứ mẹ không phải là người trông cháu. Không tự lực được thì thuê người giúp việc, đừng nghĩ là bà phải có trách nhiệm với cháu mà ỉ lại...”

Vợ chồng Ngần có tiền để thuê người giúp việc nhưng tìm được người tử tế đâu có dễ. Có rồi nhưng những lúc nhà họ có việc mà mình cần họ cũng vẫn phải cho nghỉ. Những lúc ốm, tuy không phải đi bệnh viện nhưng cũng không thể mặc con cho người giúp việc được. Ngần mong được mẹ chồng đỡ cho một tay thì tốt biết bao. Nhưng bà vẫn không thay đổi lịch của mình, dần dần mẹ chồng trong mắt cô cứ như cái dằm.
 

Thấy bạn bè đi chơi vô tư vì có bà trông cháu, Ngần lại ấm ức, cô xả hết vào chồng bằng cách kể tội mẹ chồng. Ngần kể: “Chẳng ai như bà nội nhà này, cháu sốt đùng đùng mà bà chỉ nói mỗi câu: Cho nó đi bác sĩ đi... thế rồi đi nhảy, chẳng bế cháu lấy một giây...”. Rồi: “Chẳng biết kiếp trước bà là công chúa hay hoàng hậu mà chẳng động tay làm việc gì, ăn sau mà có cái bát đôi đũa cũng vứt đấy bảo để mai người giúp việc rửa. Hay kiếp trước bà là địa chủ cường hào gian ác?”

Thấy mẹ chồng ăn mặc, trang điểm đẹp đi nhảy, Ngần lại dẩu mỏ nựng con: “Bà nội cưa sừng làm nghé đấy, xanh xanh đỏ đỏ như con cào cào ấy, con nhỉ...”. Có lần, nửa đùa nửa thật, Ngần bảo chồng: “Anh điều tra xem bà nội có tình nhân không. Dạo này bà làm đỏm lắm, mắt cứ lúng la lúng liếng, đi đứng thì nhún nha nhún nhảy”. Có lần Ngần mệt, con ốm, người giúp việc thì về quê nên khi thấy mẹ chồng đi nhảy về, mùi nước hoa thơm phức, Ngần nghiến răng kèn kẹt bảo với Thắng: “Sống lâu mà dở hơi như bà thì em thà chết quách từ bây giờ còn hơn, để con dâu nó khỏi xấu hổ...”

Mỗi lần nghe vợ nói về mẹ mình với cái giọng thiếu lễ độ như thế, máu trong người Thắng như sôi lên. Đó là mẹ anh, người đã đẻ ra anh, đã nuôi anh... Đến bây giờ, vợ chồng anh chưa làm gì được cho bà. Chưa phải chăm sóc bà những lúc ốm đau cũng là may mắn lắm rồi, sao lại có quyền đòi hỏi bà phải phục vụ con mình... Nhưng Thắng cho qua bằng cách tự an ủi: Để vợ xả stress với mình còn hơn đem ra ngoài vạch áo cho người xem lưng...
 
Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Thắng chỉ mong sao vợ ý thức tự lực cánh sinh, biết lo cho bản thân và vui với cuộc sống một cách nhẹ nhàng. Đừng đòi hỏi ai phải làm gì cho ta, cũng đừng đòi hỏi người khác phải mang ơn. Khi thực sự cần sự hỗ trợ của người khác thì đề nghị thẳng thắn. Thấy ai cần giúp đỡ thì vô tư giúp, vừa với sức mình. Đã có lúc Ngần vui với cách sống của mẹ anh, có phải vì cô thấy bà không làm phiền gì đến mình. Còn giờ đây, Ngần xét nét bà vì bà không giúp đỡ cô. Đó cũng là những đòi hỏi ích kỷ mà Ngần nên xem xét lại.
Chia sẻ