Tình đẹp của đôi vợ chồng khiếm thị 8X

,
Chia sẻ

Khi cô gái “mắt nổ mắt xịt” thách: “Nếu hái cho em bông hoa phượng kia, em sẽ lấy anh làm chồng”. Tưởng Bắc sẽ bỏ cuộc, nhưng một người bạn đã “ẩn đít” cho cậu leo lên hái hoa.


Đứa con đầu lòng của vợ chồng Bắc - Hồng vừa tròn một tuổi.

Cả khu phố Cao Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, không ai còn lạ lùng khi nhắc tới vợ chồng Bắc - Hồng. Họ thương, họ cảm phục và xúc động trước tình yêu của đôi vợ chồng trẻ 8X mù lòa này. Hiền lành, ngoan ngoan lại chịu thương chịu khó nên hàng xóm làng giềng đều cảm thông và giúp đỡ tổ ấm bất hạnh ấy.

Một căn bệnh từ lúc nhỏ đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của Đinh Hữu Bắc. Lớn lên cùng thế giới của bóng tối, Bắc đã sớm phải quen với cuộc sống tự lập dẫu có phải mò mẫm. Thay vì nhìn được bằng đôi mắt, Bắc cảm nhận cuộc sống bằng các giác quan và bằng cả tâm hồn. Còn với Trần Phương Hồng, ngay từ khi sinh ra, đôi mắt của cô đã không được lành lặn như người bình thường. “Mắt nổ mắt xịt” nhưng dẫu sao cô vẫn nhìn thấy mờ mờ và còn sáng hơn chồng.

Hồng kể, chuyện tình của họ đặc biệt và đầy khiếm khuyết như chính sự không hoàn hảo vốn có của hai người họ. Quen nhau tại Hội người mù, cô bé Hồng thầm thương cho hoàn cảnh và số phận thiếu may mắn của Bắc. Bắc cũng đã để ý và yêu Hồng từ lời nói lễ phép tới cách cư xử nhẹ nhàng với người xung quanh. Để cưa đổ Hồng, Bắc luôn tìm cớ nhờ cô dẫn đi chỗ này chỗ nọ tâm sự. Hồng bảo, lúc đầu chưa yêu nhưng cảm thấy sự chân thành, thật thà ở Bắc, cô đã nhân lời làm vợ anh.

Hồng nhớ lại: “Em nói với anh Bắc rằng, nếu anh hái cho em bông hoa phượng kia, em sẽ lấy anh làm chồng”. Tưởng rằng anh chàng sẽ bỏ cuộc nhưng một người bạn đã nhận “ẩn đít” cho Bắc leo lên cây hái hoa. “Cuối cùng, bông hoa đó không hái được nhưng em vẫn bằng lòng về với anh ấy”.

Bắc tự làm mọi công việc trong gia đình.

Mỗi lần nhắc tới chuyện tình yêu, Hồng lại kể một cách tự nhiên những kỷ niệm thật cảm động. Cô hồn nhiên như chính cái tuổi mới ngoài hai mươi của mình, không mặc cảm cũng chẳng ngượng ngùng. Cô chia sẻ như muốn để khoe với mọi người rằng dù chẳng có nhiều thời gian tìm hiểu, hẹn hò như các cô gái khác nhưng cuối cùng cô cũng có một người chồng tốt bụng và yêu thương vợ.

“Đã cùng chẳng nhìn thấy gì rồi thì ai còn đi lừa nhau làm gì nữa, vậy nên em tin vào tình cảm của anh Bắc”, cô nói. Món quà tặng từ ngày còn “cưa cẩm” nhau đến giờ Hồng vẫn còn giữ. Đó là chiếc đồng hồ báo thức mất pin Bắc tặng dịp 8/3. Mãi tới khi đã thành vợ chồng, Hồng mới trách yêu chồng sao tặng bạn gái món quà vậy. “Anh Bắc bảo nó cũng giống như anh, chẳng lành lặn”, câu nói của chồng đã in sâu trong tâm trí của Hồng.

Cả hai gia đình đều nghèo và đều muốn gửi gắm con cái vào nơi nhàn hạ. Gia đình Hồng phản đối kịch liệt bởi họ muốn đứa con gái thiệt thòi ấy được bù đắp bằng một cuộc sống no đủ dẫu có phải làm lẽ. Mắt Hồng đã kém, giờ lại lấy thêm một người không nhìn thấy nữa sợ rằng cuộc sống sẽ chỉ cúi mặt xuống mà chẳng khi nào ngẩng lên được. Quyết định lấy nhau, Hồng đã nghĩ chắc sẽ phải đi ăn mày mất thôi. Cả hai chẳng có việc làm, cuộc sống sẽ chỉ trông chờ vào “ngày đực ngày cái” của nghề đấm bóp, bấm huyệt của Bắc. Dẫu vậy, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau.

Đám cưới của họ diễn ra trong bộn bề của cảm xúc, trong tiếng nức nở xót xa của người mẹ thương con gái và trong cả nụ cười hạnh phúc của hai con người tật nguyền đã tìm được đến với nhau. Đứa con gái đầu lòng của họ ra đời lành lặn và bụ bẫm là kết tinh của muôn vàn tình yêu thương. Âu cũng là điều phải lẽ. Có con rồi, cuộc sống của vợ chồng này vốn đã khó nay còn túng gấp bội.
 
Ngoài tiền ăn, vợ chồng cô phải chắt bóp từng đồng để mua sữa, cháo cho con. Gạo ăn hàng ngày của gia đình Hồng vẫn được hai bên nội, ngoại thay nhau trợ cấp. Vợ chồng cô muốn tự lập nên thuê một gian nhà cấp bốn trong một con phố nhỏ ở thị xã Phú Thọ mở quán đấm bóp, bấm huyệt. Mọi chi tiêu của cái “gia đình bé mọn” ấy đều trông chờ vào cái quán nhỏ này. Mùa hè đông khác còn dành dụm được chút ít, mùa đông thì “chỉ đủ trả tiền nhà 500.000 hàng tháng”.
 

Cuộc sống của vợ chồng Hồng còn nhiều khó khăn nhưng cả hai vẫn luôn lạc quan.
 
“Với chúng em, 10.000 - 20.000 đồng quý lắm. Em chỉ cần ngần ấy mỗi ngày để mua cháo cho con. Nếu cháo thịt, mua 10 nghìn, con em có thể ăn được vài bữa còn nếu cháo nấu với xương ninh thì chỉ 2.000 một bát. Buổi sáng, đứa trẻ bên cạnh ăn cháo không hết, họ cho con em một nửa”. Hồng nói tới nỗi khó khăn của mình một cách nhẹ nhàng, giọng không hề than vãn. Ngược lại, nụ cười tươi tắn và duyên luôn nở trên khuôn mặt gày gò với nước da bánh mật của cô.
 
Miệng nói, tay Hồng đã thoăn thoắt gấp gọn gàng những bộ quần áo trẻ con cũ được một nhóm tình nguyện cho lúc chiều. Cô vuốt phẳng phiu rồi xuýt xoa và lại ngồi ngẩn người ra thầm ước “giá như những chiếc quần áo này to hơn một chút để năm sau con em vẫn mặc vừa”. Thấy có một gói bỉm trẻ em lẫn trong túi đồ, Hồng mừng rỡ reo lên rồi nói như thanh mình: “May quá, sáng nay em vừa bảo anh Bắc, con hết bỉm rồi, không có khách thì lấy tiền đâu để mua. Giờ có bỉm, con bé sẽ đỡ bị lạnh. Đêm ngủ sẽ chẳng còn ọ ẹ nữa”.

Đêm đông lạnh ở vùng trung du Phú Thọ như buốt giá hơn ở căn nhà nhỏ trống huơ trống hoác ấy. Ngồi co ro bên đứa con đang ngủ, vợ chồng Hồng nép bên nhau hạnh phúc. “Dẫu có đói, chỉ cần chạm vào con, bế con vào lòng là chúng em thấy no”. Như chợt nhớ ra, Hồng quay sang người đối diện rồi nói: “Biết đâu sau này vợ chồng em bớt vất vả”.

Theo Phan Anh
Ngôi sao
Chia sẻ