Tin nóng ngành y: Bác sĩ cắt nhầm, vắc xin lại gây "scandal"

NN (TH),
Chia sẻ

Bệnh nhân đau ruột thừa nhưng bác sĩ lại cắt nhầm ruột già, 9 trẻ phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem... là những thông tin y tế "nóng" trong tuần.

Khởi tố bác sĩ đánh vợ sảy thai

Chiều 12.11, Công an Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Kha Ly (31 tuổi, bác sĩ làm việc tại Khoa Tiêu hóa - Huyết học Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ) về hành vi hành hạ người khác.

Trước đó, ngày 22.3, chị T.C.L (32 tuổi, vợ bác sĩ Ly) đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo bác sĩ Ly đã hành hạ chị, như đánh đập, cắt tóc... Hậu quả là 1 tuần sau đó, chị L. bị sảy thai (4 tuần tuổi).

Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ đã kiểm điểm bác sĩ Ly trước tập thể, và bác sĩ này đã thừa nhận hành vi hành hạ vợ của mình. Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo bác sĩ Ly, đồng thời cắt thi đua trong thời gian 3 tháng; không được đi học bác sĩ chuyên khoa 1 trong vòng một năm.                     

Nhờ nhanh trí, mẹ cứu con 14 tháng thoát chết đuối nước

Trong vòng 5-10 phút không thấy con gái Ng.T.C.V (14 tháng tuổi) đâu, mẹ bé hốt hoảng chạy đi tìm kiếm và phát hiện V. ngập trong nước ao. Lập tức vớt cháu, người mẹ này tiến hành hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo, ấn tim. Khoảng 5 phút, cháu thở lại.

Tin nóng ngành y: Bác sĩ cắt nhầm, vắc xin lại gây
Bé V hồi phục sau một tuần điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM (Ảnh: BV NĐ1)

Sau cấp cứu ban đầu của mẹ thành công, bé V được chuyển từ bệnh viện địa phương, Cần Giuộc, Long An, đến TP. HCM. Tại bệnh viện địa phương cháu được sơ cứu, sau đó chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, ghi nhận cháu hôn mê, gồng chi, thở yếu. Chụp X-quang phổi cho thấy bé bị viêm phổi lan tỏa 2 bên do hít nước dơ sình bùn. Ngay lập tức cháu được đặt nội khí quản thở máy, chống co giật, chống phù não, kháng sinh mạnh phổ rộng, điều chỉnh nước điện giải.

Đến ngày 7/11, tình trạng của cháu V đã cải thiện dần, được cởi máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc được.

Qua trường hợp này, các bác sĩ rất hoan nghênh bà mẹ trẻ đã biết cấp cứu ngưng thở ngưng tim tại hiện trường, giúp cứu sống con trẻ, không để lại di chứng não về sau.

Đau ruột thừa, bác sĩ cắt nhầm ruột già

Mổ cắt ruột thừa nhưng không khỏi, chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1988, thôn 6, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chuyển viện thì mới biết mình vừa bị cắt nhầm ruột già. Sau gần 20 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, chị đã tử vong.

Trước đó, ngày 22/8, chị Hương đau quặn thắt vùng bụng suốt 2 ngày không khỏi nên được gia đình chuyển vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đau ruột thừa nên tiến hành mổ nội soi. Sau khi mổ xong khoảng một tuần thì giữa ổ bụng chị Hương nổi lên một cục u.

Tin nóng ngành y: Bác sĩ cắt nhầm, vắc xin lại gây
Thi thể chị Hương được đưa từ nhà xác Bệnh viện TW Huế ra xe về quê.

Đêm 3/9, chị Hương lên cơn đau và co giật mạnh nên gia đình đã yêu cầu kíp trực cho chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương Huế nhưng không được chấp nhận.

Khoảng 8h ngày 4/9, chị Hương được đưa lên bàn mổ lần 2 do bác sĩ Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Khoa Ngoại và bác sĩ Trần Tiến Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp mổ. Ông Hoàng Văn Lệ cho biết thêm: “Kết quả siêu âm cho biết nguyên nhân dẫn đến mổ lần 2 là do mổ lần đầu bị dính ruột vào vòi trứng, máu đọng trong bụng kích thước khoảng 3 x 4cm”.

Sau khi mổ xong lần 2, nằm điều trị tại Bệnh viện gần một tháng, ngày 3/10 chị Hương được xe bệnh viện chở về nhà và hẹn sau 2 tuần tái khám. Tuy nhiên, đến ngày 11/10 vết thương của chị Hương tái phát và phải nhập viện.

Tin nóng ngành y: Bác sĩ cắt nhầm, vắc xin lại gây
Anh Hoàng Văn Hà - chồng nạn nhân bức xúc trước việc làm tắc trách
của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam -Cu Ba Đồng Hới.

Hai ngày sau, chị Hương lại được viện cho về. Tuy nhiên, lần về nhà này chưa được 3 ngày thì thức ăn trong bụng trào ra từ ống truyền dịch. Gia đình tiếp tục đưa chị Hương trở lại bệnh viện, kết quả siêu âm cho thấy chị Hương bị rò rỉ ruột và phải nhập viện gấp.

Do lo sợ tính mạng chị Hương, gia đình một mực yêu cầu cho chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để chữa trị nhưng bác sĩ Hùng không cho. Trước sức ép của gia đình, ngày 22/10 chị Hương mới được bệnh viện cho chuyển viện.

Sau khi vào Bệnh viện Trung ương Huế, chị Hương được làm các xét nghiệm, siêu âm và được mổ lần 3. Sau khi mổ xong, gia đình được các bác sĩ cho biết hiện tại ruột thừa chưa được cắt bỏ nhưng đã bị cắt ruột già nên khi ăn vào bị trào ra ống thông dịch gây nhiễm trùng toàn thân. Trong những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, chị Hương không có dấu hiệu khá hơn mà bệnh tình ngày một xấu đi. Lúc 22h30 ngày 10/11, chị Hương đã trút hơi thở cuối cùng.

1 trẻ tử vong, 8 bé nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem

Đêm 10/11, sau khi tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, bé Hồ Thị Trinh, gần 3 tháng tuổi (trú thôn Pa Roi, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã tử vong.

Trước đó, ngày 5/11, cháu Trinh được gia đình đưa đến trạm Y tế xã tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem. Đến rạng sáng 6/11, cháu bỏ bú, tím tái nên gia đình đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa. Do chuyển biến bệnh trạng nặng nên bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị điều trị và tử vong sau đó không lâu.

Nguyên nhân ban đầu được xác định, cháu Trinh chết do suy hô hấp, suy đa phủ tạng và viêm phổi phải rất nặng.

Theo bác sĩ Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị Nguyễn Văn Dàn, trước đó do bệnh nhân có tiêm vắc xin Quinvaxem nên cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh vắc xin Quinvaxem có tác động tới nguyên nhân gây viêm phổi ở bệnh nhân và làm bệnh nhân tử vong hay không. 

Ngày 11/11, Bộ Y tế thông báo, kết quả giải phẫu tử thi cho thấy bệnh nhi bị tử vong sau tiêm ở Bệnh viện Hướng Hóa, Quảng Trị là do viêm phổi, không phải do vắc-xin Quinvaxem.

Trong khi đó, tại Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương vài ngày qua đã tiếp nhận 8 trường hợp bị phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem.

Tin nóng ngành y: Bác sĩ cắt nhầm, vắc xin lại gây

Trong 8 bệnh nhi nhập viện này, bệnh nhi lớn nhất đã 2 tuổi, bệnh nhi nhỏ nhất là 4 tháng tuổi. Trong đó có 4 cháu bị sốt và phát ban nhẹ ở chân, bụng, 1 bé bị phát ban đỏ toàn thân. Ngoài ra, có 1 trường hợp không bị sốt, nhưng gia đình nghi cháu bị tím tái nên đưa vào viện. Bệnh nhi này, sau điều trị 1-2 ngày thì không có biểu hiện gì, sức khỏe bình thường.

Chia sẻ