Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng: "Tôi cũng làm từ thiện nhưng không thể làm như Thủy Tiên, Phan Anh... được, tôi không bao giờ cầm 1 đồng xu nào"

Minh Khôi,
Chia sẻ

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần ủng hộ các cá nhân, người nổi tiếng làm từ thiện, tuy nhiên phải tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để kiểm soát, tránh xảy ra việc trục lợi hay tiêu cực.

Câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện và sao kê những ngày qua vẫn chưa hết "nóng" trên mạng xã hội. Từ những câu chuyện lùm xùm trên Facebook và YouTube, vấn đề được đẩy đi xa hơn và buộc nhiều nghệ sĩ phải thực hiện thủ tục sao kê với ngân hàng, công khai chi tiết các khoản tiền được quyên góp.

Với mong muốn tìm hướng đi đúng cho hoạt động từ thiện cá nhân, để yêu thương nối dài những yêu thương chứ không phải những ồn ào, thị phi hay trách móc…, báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?" diễn ra vào lúc 14h chiều nay (24/9).

Tiến sĩ luật nói gì về vấn đề cá nhân làm từ thiện: Cần xã hội hóa việc làm từ thiện nhưng phải tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Thủy Tiên "quay xe" ngay trước giờ G

Khách mời của chương trình gồm: TS Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khoá XIV; Đại tá, Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh và một số nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện: MC Phan Anh; ca sĩ Thuỷ Tiên; ca sĩ Thái Thuỳ Linh.

Tiến sĩ luật nói gì về vấn đề cá nhân làm từ thiện: Cần xã hội hóa việc làm từ thiện nhưng phải tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát - Ảnh 2.

Hình ảnh Thủy Tiên làm từ thiện.

Tuy nhiên, theo thông báo của BTC, đến phút cuối, nữ ca sĩ Thủy Tiên đã không thể tham gia vì lý do sức khỏe. Thay vào đó, Thủy Tiên ủy quyền cho luật sư tham gia sự kiện này nhưng đại diện BTC cho rằng như vậy là không phù hợp nên chương trình diễn ra mà không có ca sĩ Thủy Tiên.

Trong buổi tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khoá XIV cho rằng: "Từ thiện là một vấn đề liên quan đến tâm đức. Nếu con người ta có lòng tốt để làm từ thiện thì vĩ đại lắm".

Tuy nhiên, làm từ thiện phải tuân thủ pháp luật. Luật sư phân tích: "Có 2 điều rất quan trọng trong Nghị định 64 là điều 4. Điều 4 cho phép tổ chức, kêu gọi đóng góp tiền cứu trợ bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ Trung Ương và Địa phương, Quỹ xã hội từ thiện, các cơ quan thông tin đại chúng (báo chí, báo đài)... và cơ quan tổ chức được Mặt trận cho phép. Như vậy, ngoài những tổ chức trên, không cá nhân nào được phép kêu gọi, tiếp nhận. Pháp luật có quy định rất chặt chẽ về điều này...".

Có nhiều quy định về làm từ thiện, tuy nhiên, cách vận động từ thiện thế nào cho đúng.

"Lòng tốt nếu thiếu lý trí có thể dẫn đến hậu quả xã hội"

Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng phân tích: "Tôi cũng đi làm từ thiện, nhưng tôi làm theo cách của tôi vì chúng tôi hiểu pháp luật chứ không như Thủy Tiên, Phan Anh hay Thái Thùy Linh... Tôi đi làm từ thiện vẫn phải nhân danh người đóng tiền và tôi không bao giờ cầm một đồng xu nào. 

Các đại biểu Quốc hội cũng vậy, người ta dựa vào uy tín cá nhân để người ta đi vận động từ thiện, ủng hộ. Ví dụ chúng tôi có thể xin một lúc mấy chục căn nhà hay xây cầu nhưng xin doanh nghiệp đó sẽ liên hệ với Mặt trận Chữ thập đỏ, đoàn đại biểu ở đó... thì các doanh nghiệp sẽ chuyển tiền vào đó, chứ chúng tôi không cầm đồng tiền nào".

Tiến sĩ luật nói gì về vấn đề cá nhân làm từ thiện: Cần xã hội hóa việc làm từ thiện nhưng phải tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát - Ảnh 3.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khoá XIV

Luật sư nhấn mạnh: "Từ thiện liên quan đến lòng tốt, liên quan đến uy tín, liên quan đến cái tâm của con người. Nhưng nếu chúng ta hiểu được quyền và nghĩa vụ của chúng ta, chúng ta có lý trí, thì câu chuyện nó sẽ khác. Và lòng tốt là thứ không bao giờ vô hạn về không gian, thời gian. Chưa cần nói đến vấn đề có trục lợi hay không, việc một cá nhân đứng ra vận động một quỹ riêng (quỹ chính thức), chỉ cần chúng ta không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì nó đã là một vấn đề rồi. Có những người không hề trục lợi, nhưng vẫn là vi phạm pháp luật.

"Lòng tốt nếu chúng ta thiếu lý trí thì có thể dẫn đến hậu quả xã hội. Chính lòng tốt đôi khi lại là nguồn cơn của các vấn đề vi phạm", ông Nhưỡng nói.

Cần tạo cơ chế pháp lý cho cá nhân làm từ thiện

Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, làm từ thiện là 1 vấn đề mang tính trách nhiệm xã hội. Hiện nay làm từ thiện dựa trên uy tín của người nổi tiếng là việc làm rất hoan nghênh, cần xã hội hóa vấn đề này về công tác từ thiện, chứ không phải chỉ Mặt Trận hay Hội Chữ Thập Đỏ. Chính vì vậy cần mở rộng và không nên cấm các cá nhân làm từ thiện. Điều quan trọng là phải tạo được cơ chế pháp lý.

Luật sư cho rằng, cơ chế pháp lý để thực hiện việc từ thiện có hiệu quả. Đồng thời, xem xét năng lực của người đứng ra hoạt động từ thiện, làm bằng cách nào, hướng dẫn phương thức để người làm từ thiện biết phương hướng. Pháp luật phải tạo cơ chế cho toàn xã hội được làm từ thiện.

Tuy nhiên, luật sư nhấn mạnh, bên cạnh xã hội hóa công tác từ thiện, cần phải tạo ra cơ sở pháp lý để kiểm soát việc làm từ thiện. Nhà nước không thể không kiểm soát, phải tạo cơ sở pháp lý để tránh tình trạng tiêu cực, hay trục lợi.

Chia sẻ