Tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3: “Phao cứu sinh” cho người suy giảm hệ miễn dịch?

Mai Trang ,
Chia sẻ

Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để xem xét về công dụng của liều vaccine Covid-19 thứ 3 đối với những người suy giảm hệ miễn dịch.

Người suy giảm hệ miễn dịch có nên tiêm liều vaccine thứ 3?

Đối với Esther Jones, một y tá ở vùng nông thôn Oregon, việc tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba là một cơ hội mới. Sau khi 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech không thể kích hoạt hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể, Jones đã quyết định tiêm mũi vaccine thứ ba, lần này là vaccine Moderna.

Và liều vaccine thứ ba đã có hiệu quả. Các xét nghiệm máu cho thấy phản ứng sinh ra kháng thể, mặc dù thấp hơn so với những người khỏe mạnh. Esther Jones đã tiêm liều vaccine thứ tư vào tháng 6 với hy vọng sẽ tăng khả năng sản xuất kháng thể của hệ miễn dịch.

Tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3: “Phao cứu sinh” cho người suy giảm hệ miễn dịch? - Ảnh 1.

Esther Jones, một y tá ở vùng nông thôn Oregon, người đã ghép thận vào năm 2010. Ảnh: New York Times

Jones, 45 tuổi, đã được ghép thận vào năm 2010. Để ngăn ngừa việc đào thải tạng ghép, cô đã dùng thuốc ức chế phản ứng miễn dịch. Bởi vậy, Jones nghĩ rằng bà sẽ gặp phản ứng tệ hại với vaccine Covid-19 và đã đăng ký tham gia một trong số ít những nghiên cứu kiểm tra công dụng của liều vaccine thứ ba ở những người có hệ miễn dịch kém.

Kể từ tháng 4, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Pháp đã thường xuyên tiêm mũi thứ ba của loại vaccine 2 liều cho những người có hệ miễn dịch kém. Báo cáo gần đây của của nhóm các nhà nghiên cứu Pháp chỉ ra rằng, số lượng người ghép tạng phát triển kháng thể đã tăng từ 40% sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai lên 68% trong 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ ba.

Nghiên cứu mà bà Jones tham gia đã cho kết quả tương tự ở 30 người ghép tạng, những người đã tự đi tiêm liều vaccine thứ ba.

“Dễ có khả năng lây nhiễm ngay cả sau khi đã tiêm chủng là điều rất đáng sợ và gây chán nản đối với những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Họ sẽ giống như chưa được tiêm chủng cho đến khi chúng tôi tìm ra cách để cung cấp cho họ khả năng miễn dịch tốt hơn”, Tiến sĩ Dorry Segev, bác sĩ phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Johns Hopkins và là người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.

Tuy nhiên, tại Mỹ, chưa có nỗ lực phối hợp nào giữa các cơ quan liên bang hoặc các nhà sản xuất để thử nghiệm phương pháp trên. Điều này khiến những người có hệ miễn dịch kém tỏ ra lo ngại. Trên thực tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã khuyến cáo không nên thử nghiệm để tìm ra đối tượng sẽ được bảo vệ sau khi tiêm liều vaccine thứ ba. Ngoài ra, các nhà khoa học bị cản trở trong việc nghiên cứu bởi các quy tắc hạn chế quyền tiếp cận với vaccine.

“Nên có một nghiên cứu cấp quốc gia để xem xét việc tiêm vaccine nhắc lại cho các bệnh nhân ghép tạng”, Tiến sĩ Balazs Halmos, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx, thành phố New York, cho biết.

Theo NY Times, ước tính có khoảng 5% dân số được cho là bị suy giảm hệ miễn dịch. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch như bị ung thư, cấy ghép nội tạng, mắc bệnh gan mãn tính, suy thận và việc sử dụng các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh vẩy nến.

“Đây là những người đang bị bỏ lại phía sau”, Tiến sĩ Jose U. Scher, bác sĩ thấp khớp tại trung tâm NYU Langone Health, nói.

Không phải tất cả những người có một trong những nguyên nhân có nguy cơ như trên đều bị suy giảm hệ miễn dịch. Nhưng nếu không có thêm nghiên cứu, không thể biết ai sẽ cần tiêm bổ sung vaccine và liều lượng là bao nhiêu. Bên cạnh nguy cơ mắc Covid-19, cũng có bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch thấp có thể khiến virus tiếp tục sản sinh trong cơ thể trong thời gian dài. Điều này dẫn đến nguy cơ xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2 mới.

John Moore, nhà virus học tại Weill Cornell Medicine ở New York, cho biết, truyền kháng thể đơn dòng có thể giúp ích cho một số người không tự sản sinh ra kháng thể, nhưng ý tưởng này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Việc sử dụng các kháng thể đơn dòng có ý nghĩa rất lớn đối với những người không tự sản sinh ra kháng thể, vì vậy tôi muốn các công ty tích cực nghiên cứu vấn đề này”, ông Moore nói.

Phương pháp tiêm mũi vaccine thứ ba đã được một số nhà nghiên cứu ủng hộ vì đã có tiền lệ. Ví dụ, đã có những người bị suy giảm miễn dịch được tiêm các liều vaccine tăng cường cho bệnh viêm gan B và cúm. Ngoài ra, việc ngừng sử dụng methotrexate (thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh vẩy nến) sau khi tiêm vaccine cúm sẽ cải thiện hiệu quả của vaccine. Hội Thấp khớp học Mỹ đã khuyến nghị tạm dừng sử dụng methotrexate trong 1 tuần trước khi tiêm vaccine Covid-19.

Tiêm vaccine tăng cường – chìa khóa cho cuộc chiến Covid-19?

VOV.VN - Theo The Conversation, tiêm các liều vaccine nhỏ hơn trong nhiều mũi tiêm sẽ tốt hơn so với một liều lượng lớn vaccine trong một mũi tiêm duy nhất.

Tại sao nghiên cứu về tiêm mũi vaccine thứ 3 lại “giậm chân tại chỗ”?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng liều vaccine Covid-19 thứ ba có thể hiệu quả ở những người có hệ miễn dịch không sinh ra kháng thể sau khi tiêm liều thứ nhất hoặc thứ hai. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó đến nay vẫn không có tiến triển.

Moderna đang chuẩn bị thử nghiệm tiêm liều thứ ba cho 120 người ghép tạng và Pfizer đang lên kế hoạch nghiên cứu 180 người lớn và 180 trẻ em có hệ miễn dịch kém.

NIH đang mời 400 người bị suy giảm hệ miễn dịch tham gia một thử nghiệm nhằm theo dõi mức độ kháng thể và tế bào miễn dịch của họ trong tối đa 24 tháng. Tuy nhiên, chưa có thử nghiệm nào đối với việc tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba.

Tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3: “Phao cứu sinh” cho người suy giảm hệ miễn dịch? - Ảnh 2.

Liều vaccine Covid-19 thứ ba có thể hiệu quả ở những người có hệ miễn dịch không sinh ra kháng thể sau khi tiêm liều thứ nhất hoặc thứ hai. (Ảnh minh họa: Reuters)

“Cần có thời gian để thực hiện những nghiên cứu như vậy. Chúng tôi phải trải qua rất nhiều quy trình phê duyệt”, Emily Ricotta, nhà dịch tễ học tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết.

Tuy nhiên, những cách giải thích đó không làm hài lòng một số nhà nghiên cứu. Theo Tiến sĩ Scher, nhiều trung tâm y tế đã có những nhóm bệnh nhân không đáp ứng với vaccine, vì vậy các cơ quan liên bang có thể tổ chức thử nghiệm lâm sàng mà không gặp quá nhiều khó khăn. “Đó là một nghiên cứu rất đơn giản. Không cần phải có những nghiên cứu khoa học phức tạp ở đây”, ông Scher nói.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng, nhiều bệnh nhân mắc ung thư sẽ không đáp ứng với vaccine, nhưng những phân tích đó được thực hiện sau khi bệnh nhân được tiêm 1 liều vaccine duy nhất. Theo một nghiên cứu mới được công bố trong tháng 7 bởi Tiến sĩ Halmos và các đồng nghiệp, các loại vaccine dường như hoạt động tốt ở những bệnh nhân có khối u rắn và lỏng.

Tuy nhiên, 15% những người bị ung thư máu và 30% những người dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch không sản sinh kháng thể sau khi tiêm liều vaccine thứ hai. Tiến sĩ Halmos cho biết ông và các đồng nghiệp đang rất mong chờ thử nghiệm để xem liều vaccine thứ ba có mang lại lợi ích cho những đối tượng trên hay không, nhưng họ vẫn chưa thể tiếp cận với vaccine.

Nhóm của Tiến sĩ Segev đã phát hiện ra trong một nghiên cứu trước đó rằng, chưa tới 1/2 trong số 658 người được ghép nội tạng có kháng thể sau khi tiêm cả 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Để tiếp tục nghiên cứu, họ phải tìm đến những người tình nguyện như Jones, những người đã tự tiêm liều vaccine thứ ba.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, liều vaccine thứ ba làm tăng nồng độ kháng thể ở tất cả 30 người ghép tạng có mức kháng thể thấp hoặc không thể phát hiện kháng thể.

Jones cho biết, nhiều người giống như bà cảm thấy bị chính phủ liên bang bỏ rơi, đặc biệt là trước mối đe dọa của các biến thể mới đang lây lan ở Mỹ./.

Chia sẻ