Tiệm bánh homemade không bán cuối tuần, mỗi năm nghỉ hè một tháng ở Hà Nội và chuyện kỷ luật thép của bà chủ 8x mơ mộng

Phong Linh - Quý Nguyễn - Thiết kế: Hà Mĩ,
Chia sẻ

Ngọc Trà nghỉ phắt công việc đầu tiên và duy nhất trong đời để chạy theo mùa thu. Mấy năm sau khi thú giải trí trở thành việc kinh doanh, dù bận bù đầu, Trà vẫn giữ cho mình những khoảng riêng “trị giá bạc triệu” để tận hưởng cuộc sống.

Ở hiên nhà tầng 6 một khu tập thể đầy nắng và thảng hoặc hương hoa, lẫn trong không khí là mùi bơ bột phả ra từ căn bếp ấm sực, người đàn bà ấy ngồi đó, mặc áo dài họa tiết hoa, tựa cằm vào tay đọc sách. Cũng có khi, vẫn với những tà áo dài, người ấy ngồi uống trà, chăm những luống hoa, hoặc ôm đàn ca hát với guitar.

Đó là một ngày nghỉ ngơi điển hình, khoảng tĩnh lặng riêng tư Ngọc Trà dành cho mình. Có thể là cuối tuần, hoặc một ngày trong tuần nào đó mà chị bỗng cảm thấy mỏi mệt, kiệt sức đến độ không thể cố thêm. 

Còn thường thì, Trà quay cuồng với công việc, với bột đường bơ sữa, với thế giới bánh ngọt mà chị đã trót say mê và chọn nó gần 10 năm nay. Những ngày làm việc, Trà có thể mặc một chiếc áo cũ hơi sờn, đi tất mỗi chiếc một màu, đi giày bệt, chẳng quan trọng lắm, miễn là thoải mái, gọn gàng đủ để làm việc. 

Tiệm bánh homemade không bán cuối tuần, năm nghỉ hè một tháng ở Hà Nội và chuyện kỷ luật thép của bà chủ 8x mơ mộng - Ảnh 1.

Lần đầu tôi gặp Trà cách đây 4 năm, cô đã sở hữu một cuộc sống nhiều phụ nữ mơ ước (rằng về già mình sẽ sống như thế): Ung dung tự tại, có rất nhiều thời gian dành cho bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những mẻ bánh, trồng cây, đọc sách, chơi Facebook, xem phim, tự học đàn piano. 

Thời gian đó, Trà đã bỏ vị trí nhân viên quan hệ quốc tế của một công ty xuất nhập khẩu máy móc thiết bị được vài năm để về làm bánh, bán online. Lý do nghỉ việc khi ấy rất lãng mạn: “Một ngày mùa thu tươi đẹp, nhìn ra ngoài trời, thấy mùa thu, thấy cuộc sống ngoài kia đẹp bà cố, mà mình thì cứ chết dí trong văn phòng, chẳng làm được gì có ích lắm, thế là cơn chán lên cao và bỏ việc thôi”. Còn lý do bán bánh cũng bay bổng không kém “bánh ngon vậy, mình ăn một mình hoài cũng béo, dụ dỗ người khác cho béo cùng chứ”.

Tiệm bánh homemade không bán cuối tuần, năm nghỉ hè một tháng ở Hà Nội và chuyện kỷ luật thép của bà chủ 8x mơ mộng - Ảnh 2.

Trà bỏ việc lúc sắp lấy chồng, rồi sinh liền hai đứa con. Vậy là chị quyết định ở nhà cho rồi, dịch sách và làm bánh - mỗi ngày tối đa 10 cái để có chút đỉnh thu nhập. Ba mẹ càm ràm chuyện con gái học hành giỏi giang, du học Nhật chán chê rồi về thành “thất nghiệp”, Trà mặc kệ, bởi chị có đủ niềm vui rồi, và chồng chị cũng không phàn nàn bao giờ.

Còn hiện tại, Trà chẳng còn thảnh thơi như trước nữa. Mảnh vườn xinh với những bông hồng cũng hơi bị bỏ bê đôi chút, tự lớn, tự nở hoa. Tiệm bánh của chị 2 năm nay “bỗng dưng” đông khách, từ 10 đơn hàng đã lên tới bốn, năm chục đơn/ngày. 

Một mình Trà với căn bếp nhỏ xinh gia đình không đáp ứng đủ. Chị thuê lại nguyên căn hộ hàng xóm để làm bếp bánh, kiếm thêm vài em sinh viên phụ việc, dạy họ cách làm những món bánh đơn giản của tiệm mà khách đã quen mặt. Còn Trà thì đảm nhiệm những loại bánh khó, bánh mới của tiệm và những loại chị thích làm, kiểu như cuộn kiều mạch tinh than tre, đệm bông chẳng hạn. 

Ngoài ra, Trà cũng tự tay chăm chút cho page bán hàng và làm việc logistic như chốt đơn và giao, xếp hàng cho ship. Trà thừa nhận công việc làm bánh đã thay đổi mình theo nhiều cách. Chị cũng khẳng định luôn làm bánh để kinh doanh không mộng mơ như những hình ảnh đẹp đẽ trên tạo chí. “Bận thí mồ luôn, nhưng tôi đã độc lập tài chính, kiếm tiền ngang với chồng và có thể gọi là thành công - theo quan niệm của riêng mình”, Trà bật cười.

Tiệm bánh của Trà đôi khi bị tiếng là… chảnh. Nhưng Trà không có ý phản biện. Chị bảo nếu ai chê chất lượng bánh, phàn nàn bánh không ngon, chị sẽ tiếp thu; nếu ship sơ ý làm bể, nát bánh, chị sẽ xin lỗi, nhờ họ ăn giùm mà không tính tiền bánh. Nhưng cứ khách có thái độ khó chịu, oái oăm mấy chuyện không đâu… thì Trà thường từ chối bán lần sau.

Tiệm bánh homemade không bán cuối tuần, năm nghỉ hè một tháng ở Hà Nội và chuyện kỷ luật thép của bà chủ 8x mơ mộng - Ảnh 4.

Đó là những tình huống kiểu như giao hàng cách nhà chừng 10km, đến nơi khách không nghe máy, nhờ bảo vệ nhận giúp không được, xin gửi ở sảnh, không thu tiền cũng không xong. Ship quay đầu về và chị là người chịu phí đồng thời phải nghe hàng chục cuộc điện thoại phàn nàn của ship. Tối đến, chính khách đó liên lạc lại để… đòi bánh. 

Trà bảo, chị từ chối bán cho những khách như thế để giữ lại năng lượng cho mình, để làm mình không stress. Đó là do tính cách, do nguyên tắc sống chứ không phải vì chị đã đủ giàu để không cần khách hay tiệm làm ra bánh độc quyền mà nơi khác không làm được. Nhưng nếu vì thế mà mang tiếng chảnh, chị cũng đành chịu bởi kiếm sống đã đành, Trà cũng cần vui nữa.

Tiệm bánh homemade không bán cuối tuần, năm nghỉ hè một tháng ở Hà Nội và chuyện kỷ luật thép của bà chủ 8x mơ mộng - Ảnh 5.

Từ hồi mang tiếng là ở nhà rong chơi cho đến giờ gọi là có chút thu nhập, Trà vẫn sống sao để mình cảm thấy vui, làm điều mình thích, nhưng vẫn tuân theo một thứ kỷ luật khắc kỷ như định lượng, công thức để làm ra những mẻ bánh ngon. Chị “bê” cả kỷ luật trong bếp bánh ra cuộc sống của mình, căn ke, tính giờ từng chút một để không bao giờ lãng phí thì giờ.

Trà thường dậy lúc 7 giờ, nấu cho chồng con bữa sáng ở nhà. Đến 8 giờ, khi chồng đi làm con đi học, đó là lúc chị làm việc. Trà tốn khoảng 30 phút để thu xếp, gọi người mang tới tất cả nguyên liệu cần có trong ngày. Nếu có nhận dịch sách, chị sẽ ngồi dịch trong 2 tiếng đồng hồ, đương nhiên vẫn kèm theo việc vừa trả lời, tư vấn khách, ghi chú đơn hàng. 

Tiệm bánh homemade không bán cuối tuần, năm nghỉ hè một tháng ở Hà Nội và chuyện kỷ luật thép của bà chủ 8x mơ mộng - Ảnh 6.

Việc trả lời khách, ghi đơn thực ra có thể thuê nhân viên được, nhưng với Trà, đó là việc quan trọng, vì chị muốn trực tiếp tư vấn cho khách, rồi lên cung đường phù hợp để ship giao hàng thuận tiện, ngay cả việc xếp bánh theo thứ tự như thế nào, bánh nóng để đâu, bánh lạnh xếp ra sao cho hợp lý, tránh hư hỏng, bẹp bánh cũng cần am hiểu đặc tính từng loại, chứ không phải xếp đại là được. 

Việc làm bánh phải kết thúc trong buổi sáng, trễ lắm là 1 rưỡi chiều phải xong. Có ngày chỉ vài loại, nhưng có ngày tiệm của Trà phải làm đến 15 loại bánh, mỗi loại vài chiếc, phải cố mà bán hết trong ngày để bánh giữ độ tươi. Chỉ cần có 1 khách đặt bánh trước, hôm sau dù ốm Trà vẫn phải làm bình thường, chứ không hứng lên là nghỉ được. 

1 rưỡi đến 3 giờ chiều là giờ cao điểm bận rộn và căng thẳng của Trà, chị sẽ ghi hết các đơn hàng trong ngày, bày giấy ra, chia theo từng khu vực, điên cuồng trả lời hàng trăm cuộc điện thoại gọi ship, gọi khách, chạy lên chạy xuống 6 tầng lầu để đảm bảo tất cả (hoặc phần lớn) bánh sẽ được giao đi trước 4 giờ chiều. 

Khoảng 4 rưỡi, 5 giờ là Trà có thể đi ra công viên Yên Sở chơi, tập thể dục, chạy một vài vòng trước khi về nhà cơm nước, tắm giặt cho hai em bé. Khoảng 8 giờ đến 8 giờ 30 tối, Trà lại ngồi máy khoảng 1 giờ, tổng hợp đơn hàng khách đặt trước, lên kế hoạch làm việc cho hôm sau và post bài bán bánh trên page.

Cũng nhờ kỷ luật ấy mà dù bận túi bụi, làm việc cật lực so với thời đi làm công sở, Trà vẫn dành được ra thời gian để dịch sách - công việc mà chị làm vì đam mê và để không phí hoài những năm đèn sách (và cũng để bố mẹ tự hào khoe con mỗi khi có dịp). Thậm chí năm 2019, chị còn làm được hai cuốn với Nhã Nam.

Và kỷ luật của Trà cũng có nghĩa là, chị không cho phép công việc làm mình quá căng thẳng hay kiệt sức. Trà nghỉ hoàn toàn 2 ngày cuối tuần, mỗi năm chị nghỉ hè liền 1 tháng. Đó là khoảng thời gian Trà tự thưởng cho mình, để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Trong quá trình làm việc hàng tuần, nếu nếu mệt hay stress quá, Trà sẽ nghỉ hẳn 1 ngày, không nhận order, thông báo trước cho khách mà không phải xin sếp rồi chờ xét duyệt. “Đó là một trong những quyền lợi hiếm hoi của người tự làm chủ”.  

Tiệm bánh homemade không bán cuối tuần, năm nghỉ hè một tháng ở Hà Nội và chuyện kỷ luật thép của bà chủ 8x mơ mộng - Ảnh 8.

“Mấy năm trước tôi còn ham làm thứ bảy, giờ thì thôi hẳn, cuối tuần là dẹp hết máy tính, điện thoại, dẹp hết việc. Khách cũng có người phàn nàn rằng cuối tuần nhớ bánh, thì đó bạn có hai lựa chọn, mua sẵn từ thứ sáu, hoặc đợi đến thứ hai, còn tôi thì phải nghỉ. Có cái khoái nhất là tôi thấy mình đáng giá hơn, một ngày nghỉ của mình có giá vài triệu, oai không? (cười lớn)”.

Những ngày nghỉ, Trà không phải nghĩ ngợi về công việc, cho con đi chơi xa ngoài Hà Nội, học piano đệm hát, học guitar… Nhờ vậy, Trà luôn sẵn sàng cho một tuần mới với tâm thế hăng hái, và khách sẽ gặp lại một bà chủ tiệm hớn ha hớn hở. Đó cũng là Trà cách giữ năng lượng và niềm vui. 

*****

Hạnh phúc của Trà hiện tại là nhận thấy rõ việc mình có thể làm gì với niềm đam mê bánh trái, kiếm được tiền và có thời gian để đi du lịch với gia đình, chăm chút cho tương lai của con. 

Dù nhiều lúc thấy mình vất vả, căng thẳng hơn trước quá, có những hôm chưa bán hết bánh, đang nấu cơm vẫn chạy xuống giao hàng, những tối 9h vẫn chầu chực dưới cầu thang mà chẳng thấy ship đâu. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, và chị chấp nhận cái giá của hiện tại thay vì ngồi tiếc thời gian thảnh thơi uống trà, chăm hoa, đàn hát và làm vài ba chiếc bánh cho vui Trà đã từng sống qua. 

Trà đang cố gắng để cuộc sống hiệu quả hơn, tập thể dục nhiều hơn, tự nhủ hãy bớt tham việc, làm đủ thôi để mình không kiệt sức, và quan trọng hơn, còn có thời gian để sống chất lượng. Mà sống chất lượng, theo cách Trà chọn, đó là đứng bên ngoài cuộc sống tiêu dùng, tập trung chăm chút cho tâm hồn mình “giàu có” nhiều hơn. 

Chia sẻ