Thương Sobey với hành trình chiến đấu chống ung thư vú

Thu Hương (Tổng hợp),
Chia sẻ

Thương Sobey đã thực hiện được một hành trình phi thường, khiến mọi người phải ngưỡng mộ và nể phục trước nghị lực của “nữ chiến binh chống ung thư vú”.

Ngày 17/3, tất cả những ai biết tới nữ “chiến binh chống ung thư vú” Thương Sobey đều không khỏi bàng hoàng và đau đớn khi biết tin chị đã đi xa, sau gần 3 năm chống chọi với bạo bệnh. Thương Sobey đã trở thành cái tên quen thuộc trong các hoạt động tình nguyện, đặc biệt là các chương trình ủng hộ bệnh nhân ung thư vú Việt Nam trong những năm qua.

Cùng nhìn lại hành trình trở thành anh hùng của nữ “chiến binh chống ung thư vú” Thương Sobey:

Tuổi thơ khó khăn và nghị lực của cô gái trẻ

Chị Nguyễn Thị Khánh Thương (thường gọi là Thương Sobey), sinh năm 1982 tại Thạch Thất, Hà Nội trong một gia đình nghèo đông con. Vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn, cô gái trẻ từng trở thành một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Những ngày đầu bước chân vào giảng đường Đại học, Khánh Thương từng bị lừa bởi những công ty ma để rồi khi túng bấn, cô sinh viên trẻ đã từng phải đi hiến máu nhân đạo chỉ để nhận lấy 70.000 đồng tiền bồi dưỡng trang trải cuộc sống.

ung thư vú
Khánh Thương trong lần nhận bằng Thạc sỹ tại Úc.

Thời sinh viên, Thương đã là một nhân tố tích cực trong nhiều hoạt động từ thiện, tình nguyện. Với việc dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật của trường Nguyễn Đình Chiểu, tham gia các nhóm từ thiện quyên góp vì học sinh nghèo, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nhiễm HIV…, đây chính là những viên gạch đầu tiên xây dựng hành trang cho một “nữ chiến binh” sau này.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ra trường, Thương đã đứng lên sáng lập là nhóm từ thiện “Vòng tay yêu thương” (Free Hugs Group - FHG) với nhiều chương trình ý nghĩa xuyên suốt một thời gian dài. Chiến dịch đầu tiên "Yêu thương trong những vòng tay" của FHG được tổ chức cuối năm 2006 tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, bệnh viện Bạch Mai, khu phố đi bộ trung tâm và ga Hà Nội. "Ngoài quà tặng cho học sinh khuyết tật, bệnh nhân, chúng tôi đã đem đến những cái ôm ấm áp mang ý nghĩa như người bạn lâu ngày gặp nhau, đứa con đã lâu chưa gặp bố hay cái ôm chia sẻ tình thương giữa người với người", Khánh Thương từng nói như vậy.

Tiếp nối thành công của “Yêu thương những vòng tay”, Khánh Thương tiếp tục thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa xã hội to lớn khác như: "Kết nối yêu thương", "Trao cho em ngày mai", "Giao thừa yêu thương", "Công trình Hy vọng" hay "Một giờ làm người khiếm thị"...

Trong đó ấn tượng nhất là chương trình "Trao cho em ngày mai" được thực hiện năm 2008, đây được coi như một món quà đón Tết sớm dành tặng các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn thuộc hai bệnh viện K và Bệnh viện Nhi Trung ương, động viên các em trong thời gian điều trị dài ngày tại bệnh viện. Cùng năm đó, khi mọi người háo hức chuẩn bị đón Tết thì Khánh Thương cùng bạn bè kêu gọi tài trợ, mua quà tổ chức "Giao thừa yêu thương" cho trẻ em ở Trung tâm bảo trợ xã hội Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).

Năm 2007, với những đóng góp của mình, Khánh Thương đã được chọn làm đại diện cho thanh niên Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về văn hóa châu Á và châu Âu tại Malaysia; tham dự Hội nghị Quốc tế "Thanh niên với các chính sách phát triển quốc gia” tại Campuchia (năm 2008)…

Năm 2010, chị được hội đồng ung thư của Úc tại bang NewsSouth Wales tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong chiến dịch gây quỹ phòng chống và nghiên cứu ung thư.

Không chỉ năng nổ trong hoạt động xã hội, Thương Sobey còn được đánh giá cao về chuyên môn. Bằng năng lực thực sự, Thương đã trở thành giảng viên khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng thời hoàn thành xong chương trình học Thạc sỹ ngành Quản lý Truyền thông tại ĐH Công nghệ Sydney (Australia). Chị là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô 2012 và là 1 trong 10 người được Hội liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội biểu dương Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2013.

ung thư vú
Trang Mạng lưới ung thư vú Việt Nam chia sẻ những tâm sự xót xa trước sự ra đi của Thương

Gần 3 năm chống chọi bệnh tật và đấu tranh với căn bệnh ung thư vú

Trong khoảng thời gian học tập tại nước ngoài, cơ duyên tình cờ đã đưa Khánh Thương gặp gỡ được người đàn ông của cuộc đời mình – anh Aaron Sobey. Khi tình cảm chín muồi, cả hai quyết định sẽ tổ chức lễ thành hôn. Nhưng thật không ngờ, chỉ ít ngày trước lễ ăn hỏi, Thương sững sờ phát hiện ra mình đã mắc căn bệnh ung thư vú quái ác. 

Sau những nỗ lực điều trị không thành công, Thương đã phải chấp nhận “chung sống” cùng căn bệnh ung thư vú cho đến hết quãng đời còn lại. Điều tuyệt vời nhất trong những ngày tháng đen tối đó chính là việc là người chồng ngoại quốc đã luôn ở bên cạnh chị, động viên chị vượt qua khó khăn. Lễ cưới của họ đã lấy đi không ít nước mắt xúc động của mọi người.

Cũng chính từ những tháng ngày đau đớn trị liệu, Thương đã nhen nhóm khát khao cháy bỏng dùng chuyên môn, khả năng của bản thân cũng như phần thời gian còn lại, Khánh Thương muốn chia sẻ các thông tin tới những người cùng cảnh ngộ để giúp họ bớt đau đớn và cải thiện phần nào chất lượng sống của họ.

Ngày 3/3/2013, dự án Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam (BCNV) của Khánh Thương được thành lập với mong ước đây sẽ là nơi cung cấp thông tin, tài liệu, nơi chia sẻ của phụ nữ quan tâm hoặc đang chiến đấu với ung thư vú.

Vào tháng 10 hàng năm, Thương Sobey và em gái tổ chức sự kiện “Ngày chiếc nơ hồng” cho bệnh nhân ung thư vú, thu hút hàng nghìn người tham gia ủng hộ. Trong đó, hai chiến dịch lớn nhất thu hút nhiều người nổi tiếng tham gia như “Vượt qua nỗi sợ hãi” (2013) và “Mạnh hơn sợ hãi” (2014) với nhiều hoạt động như: hội thảo, đạp xe diễu hành, hội chợ gây quỹ, các hoạt động xây dựng các câu chuyện của bệnh nhân ung thư vú qua các bức ảnh (photo voice), kể chuyện bằng video (video story) và ghi lại các chia sẻ của người bệnh, người thân của họ (chia sẻ chỉ bằng giọng kể) khiến cả xã hội quan tâm.

ung thư vú
Thương Sobey và chồng

Tháng 8/2014, chị nhận được chẩn đoán: ung thư vú đã di căn vào gan. Hết vòng hóa chất, không đợi đến khi tóc rụng, chị đến tiệm cạo đầu rồi gửi tặng mái tóc của mình cho tổ chức từ thiện chuyên làm tóc cho trẻ em bị hói bẩm sinh. Không những vậy, chị từ bỏ niềm đam mê lớn nhất đời mình, đi dạy học, để dành toàn bộ thời gian cho nghĩa vụ lớn hơn của cuộc đời mình: cùng các cộng sự chia sẻ về ung thư vú cho nữ giới ở Việt Nam.

Tháng 12/2014, Thương Sobey đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Ung thư thế giới tại Melbourne, Úc. Cũng trong dịp này, chị đã cùng nhiếp ảnh gia Yenny Trần thực hiện một bộ ảnh rất ý nghĩa với thông điệp: Ung thư không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Chỉ cần ý thức sớm về căn bệnh này, người bệnh có thể sẽ không phải điều trị cả đời, không tốn kém chi phí và có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Những ngày cuối năm 2014, những thông tin về bảo hiểm y tế sẽ giảm chi trả cho một số loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Hiểu tâm tư và sự đau khổ, tuyệt vọng của những người đồng cảnh ngộ, Thương Sobey, đã mạnh dạn viết lá thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Lá thư của Thương đã đến được với Bộ trưởng và bà đã viết thư gửi lại cho chị chỉ sau hai ngày.

ung thư vú
Chị vẫn năng nổ với các chiến dịch tình nguyện cho tới tận phút cuối đời.

Ngày 17/3/2015, sau gần 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác cùng rất nhiều những hoạt động có ích trong hành trình đem đến hi vọng cho những bệnh nhân cùng cảnh ngộ như mình, Khánh Thương đã mãi mãi ra đi, để lại bao tiếc thương trong lòng những người từng biết đến chị.

“Nữ chiến binh chống ung thư vú” Thương Sobey đã ra đi. Nhưng tinh thần kiên cường từ chị sẽ vẫn là tấm gương, là nguồn động lực cho những người đi tiếp kế bước và noi theo!
Chia sẻ