Thực hư chuyện tẩy lông laser gây ung thư

Hồng Quân,
Chia sẻ

Trong khi các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo những hiểm họa từ việc tẩy lông từ laser, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp vẫn khẳng định chúng an toàn với người điều trị.

Hiện nay có khá nhiều phương pháp triệt lông nhưng cách được nhiều chị em ưa chuộng nhất là sử dụng tia laser. Theo quảng cáo của các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, phương pháp này không gây đau đớn và có khả năng triệt lông hiệu quả tận gốc.

Quá trình triệt lông nhờ laser trên thực tế khá đơn giản. Lớp da cần triệt lông sẽ được chiếu một tia laser với bước sóng khoảng 1000 nanomet. Sóng ánh sáng với bước sóng khá lớn so với mắt thường nên không thể nhận ra nếu chỉ nhìn bình thường. Tia laser sẽ tạo những vết cháy nhỏ xuyên qua da và triệt tiêu những sợi lông từ gốc. Phương pháp có thời gian trị liệu khá nhanh, tương đối hiệu quả và triệt để. Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích này, quá trình triệt lông bằng laser còn gặp phải sự phản đối từ nhiều nhà khoa học.

triet long bang laser
Hiện nay có khá nhiều phương pháp triệt lông nhưng cách được nhiều chị em ưa chuộng nhất là sử dụng tia laser. 

Cảnh báo từ các nhà khoa học

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc tẩy lông bằng laser và ung thư. Các chuyên gia y khoa cho rằng, quá trình đốt lông tạo nên những chất độc hại và là nguyên nhân gây ra ung thư. Tiếp xúc và hít phải những chất này thậm chí còn gây nhiều mối nguy hại khác với cơ thể.

Tiến sĩ Gary Chuang (Đại học California - Los Angeles, Mỹ) cảnh báo rằng, rất ít người nhận thức được mối nguy hại từ những chất hóa học này. Ông cho hay: "Việc trị liệu không đúng cách hoặc sử dụng các trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn có thể đẩy cả người được trị liệu và nhân viên tiến hành trị liệu vào nguy hiểm. Theo tiêu chuẩn, khu vực diễn ra quá trình tẩy lông bằng laser cần đủ rộng, thoáng khí và phải bố trí hệ thống lọc gió để giảm thiểu tác động của khói sinh ra trong quá trình triệt lông".

Tiến sĩ Chuang cũng tiến hành thử nghiệm xác định mức độ độc hại của loại khói này. Ông và các đồng nghiệp lấy một vài mẫu tóc và cho vào lọ kín để tiến hành đốt laser trong 30 giây. Toàn bộ lượng khói sản sinh trong quá trình đốt được thu lại để tiến hành nghiên cứu.

Sau khi khảo sát thành phần của loại khói thu được, các nhà khoa học xác định được 377 hỗn hợp hóa học. 20 trong số đó là chất rất độc trong tự nhiên như Cacbon mônôxít (CO). Tuy vậy, câu chuyện còn tồi tệ hơn khi chuyên gia phát hiện có đến 13 loại chất là nhân tố chính dẫn đến ung thư bao gồm benzen, toluene… 

triet long bang laser
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc tẩy lông bằng laser và ung thư.

Nhóm các nhà khoa học của tiến sĩ Chuang cũng tiến hành đo lượng phân tử không khí để đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng lên các tế bào. Chỉ trong vòng vài giây sau khi tiến hành đốt laser, các phân tử khí đã lan ra khắp không gian thí nghiệm. Nồng độ phân tử được xác định cao gấp 8 lần so với trước khi đốt. Sau 30 giây, lượng phân tử hóa chất trong không khí đã cao gấp 26 lần.

Nghiên cứu đã đi đến kết luận: Khí sản sinh từ việc đốt laser có thể được coi như một chất độc sinh học và đòi hỏi con người phải được bảo vệ tuyệt đối khi tiếp xúc. Những người tiếp xúc liên tục 8 tiếng một ngày trong điều kiện bí khí rất dễ hứng chịu những tác động tiêu cực. Tuy vậy, hiện tại chưa có nghiên cứu xác định chính xác mức độ độc hại là bao nhiêu.

Tiến sĩ Chuang cho biết, giống như đánh giá mức độ độc hại của khói thuốc lá, việc xác định chính xác ảnh hưởng của loại khói này lên cơ thể là rất khó. Do vậy, điều duy nhất chúng ta cần đảm bảo là giảm thiểu những nguy cơ này tối đa.

Bác sĩ da liễu Delphine Lee đến từ Viện Ung thư Wayne John ở Santa Monica, California (Mỹ) kêu gọi mọi người nên chú ý vào vấn đề này trước khi quyết định tẩy lông. Trả lời phỏng vấn từ Reuters, bà cho biết: "Nếu so sánh với lượng khí thải ô tô, chỉ cần 30 giây tiếp xúc với khói từ quá trình này có thể độc bằng tiếp xúc cả ngày với khí thải xe cộ".

Bà cũng bày tỏ quan điểm cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định tác động mà quá trình tẩy lông bằng laser mang lại cho con người. Nghiên cứu của tiến sĩ Chuang là tiền đề cho những nhà khoa học khác tiếp tục vấn đề này.

(Nguồn: Dailymail)
Chia sẻ