Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ thông tin hoá đơn tiền điện cao bất thường
Tại cuộc họp ngày 22-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu EVN làm rõ thông tin hóa đơn tiền điện cao bất thường, bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện.
Ngày 22-6, Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường.
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm rõ, bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN, cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh các trường hợp có tiền điện tăng cao để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN làm rõ thông tin người dân phản ánh hóa đơn tiền điện cao bất thường - Ảnh: Quang Hiếu
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao ngành điện bảo đảm đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa hè, nắng nóng gay gắt. Về quản lý điện lực, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, có trách nhiệm bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết phải áp dụng Nghị quyết của Bộ Chính trị và pháp luật liên quan đã được Quốc hội thông qua trong vấn đề phát triển nguồn và lưới điện. Theo đó, mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải. Phát triển điện gắn với bảo vệ môi trường sống; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ít gây ô nhiễm. Áp dụng quy luật thị trường trong sản xuất điện, do đó, bảo đảm giá điện cạnh tranh rất quan trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Cái gì có lợi cho người dân, cho người sản xuất để thu hút đầu tư thì nên làm". Do đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn nhà nước, cơ quan có liên quan có sự phối hợp, phân công cụ thể về triển khai các dự án, bảo đảm tiến độ và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tập đoàn.
Các bộ, ngành, EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần nỗ lực thực hiện và phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương trong thực hiện chủ trương này. Thủ tướng yêu cầu sau cuộc họp này, Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo cơ chế, Bộ Tư pháp thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Về nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, khuyến khích xã hội hóa, kể cả đầu tư nước ngoài.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý việc điều chỉnh sơ đồ điện 7 theo đề nghị của Bộ Công Thương để tạo không gian phát triển phù hợp với tình hình, nhất là tình hình phát triển điện tái tạo. Đồng thời, yêu cầu sớm trình sơ đồ điện 8 lên Chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đề xuất quy hoạch sơ đồ điện 7, sơ đồ điện 8.
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, anh Nguyễn H. (trú quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình anh hơn 1,5 triệu đồng, trong khi tháng 4 chỉ gần 800.000 đồng.
"Với 2 vợ chồng và 1 con nhỏ, tiền điện tháng 5 tăng gấp đôi tháng trước khiến chúng tôi bất ngờ. Nhu cầu sử dụng điện của gia đình không thay đổi so với tháng 4, máy điều hòa chủ yếu sử dụng vào ban đêm, bật ở nhiệt độ khuyến cáo của ngành điện là từ 26-28 độ C" - anh H. phản ánh.
Gia đình anh Lê Ngọc T. (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) nhận hóa đơn tiền điện của tháng 5 hơn 2,4 triệu đồng. Tháng này, gia đình anh sử dụng 880 KWh, tăng hơn 250 KWh so với tháng trước đó. Khi kiểm tra lại hóa đơn điện 2 tháng gần nhất, mức tiền phải trả của gia đình anh chỉ khoảng 1,5 triệu đồng và không chênh lệch quá lớn giữa các tháng mùa hè này. "Được giảm hơn 62.000 đồng hỗ trợ sau dịch Covid-19 nhưng hóa đơn lại tăng vọt lên gần 1 triệu đồng" - anh T. băn khoăn.