Thử kiểm tra rau thịt bằng chiếc máy đo an toàn thực phẩm tiền triệu đang khiến nhà nhà xôn xao

Lê Bảo,
Chia sẻ

Phải bỏ ra từ 4-6 triệu đồng để mua máy kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng liệu rằng sản phẩm có phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả cho người tiêu dùng?

Sợ thực phẩm bẩn, đổ xô mua máy phát hiện chất độc

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại được người dân cả nước quan tâm như hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều bà nội trợ đã và đang tìm cách đối phó, tìm nhiều biện pháp để bảo vệ mâm cơm hàng ngày cho gia đình mình.

Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện loại máy đo nồng độ Nitrat với nhiều mẫu mã, kiểu dáng và nơi phân phối khác nhau. Tuy nhiên, giá của những chiếc máy này khá “chát”, thường dao động từ 4-6 triệu đồng. Nhiều bà nội trợ vẫn không ngần ngại bỏ tiền ra để sắm vì sự an toàn của cả gia đình với tâm lý "đắt xắt nên miếng".

máy đo thực phẩm
Chiếc máy đo sự an toàn của thực phẩm được nhiều bà nội trợ mua sắm.

Theo tìm hiểu, dòng máy này thường được chia làm 2 loại gồm nhập khẩu và xách tay. Đối với loại máy nhập khẩu trực tiếp thì được 1 công ty trong nước phân phối và được Việt hóa thông tin trên máy. Còn máy được xách tay rẻ hơn khoảng 1 triệu nhưng lại chỉ có tiếng Nga.

Trao đổi với chúng tôi, chị Thu Hương ( trú tại Thịnh Hào 3 -Tôn Đức Thắng – Đống Đa – Hà Nội), người đang dùng máy này cho biết:“Ban đầu mình cũng không tin nhưng thấy bạn bè dùng rồi và khá khen ngợi nên mình cũng đặt mua về dùng thử được 2 tháng nay rồi. Qua thời gian thì cho thấy máy cũng phát huy tác dụng, nếu những loại thực phẩm nào có hàm hượng Nitrit cao quá thì mình không dùng, còn ở trong ngưỡng cho phép hoặc quá một chút thì khi dùng cũng không lăn tăn gì”.

máy đo thực phẩm
Nhiều người dắt túi chiếc máy theo người mỗi khi đi chợ.

Cùng quan điểm với chị Hương, chị Kim Dung cũng trú tại ngõ Thịnh Hào 3 cho biết: “Thấy nhiều người dùng nói tốt và phát huy tác dụng tốt thì tôi cũng mua để an tâm phần nào thôi chứ cũng chẳng thể biết được máy có phát huy tác dụng thật hay không nữa”. Tuy nhiên, chị Dung cũng cho biết chị dùng máy rất tích cực. Đi chợ chị đều mang theo để kiểm tra trước tất cả các loại thực phẩm, món nào không vượt ngưỡng quá cao thì mới bỏ tiền mua món đó.

Chỉ dám mang máy ra hàng quen!

Nhiều người nội trợ xem chiếc máy đo như một “bảo bối” để dắt túi quần mỗi khi đi chợ nhưng chiếc máy chỉ sử dụng được ở những hàng quen, tiệm quen.

Trao đổi về điều này, chị Kim Dung cũng nói thêm: “Thực tế thì tôi đã từng mang máy đi ra hàng thịt quen, rau quen ở chợ và đề nghị test thử, nếu an toàn sẽ mua còn không thì thôi. Những hàng quán mình mua quen rồi thì không sao nhưng với những hàng lạ thì đương nhiên họ sẽ từ chối thẳng thừng”.

Cô Vinh, người bán cá ở Chợ Hôm cho biết: “Thử hỏi con cá đang sống, đang bơi lội như thế mà khách dùng chiếc máy đâm phần kim loại nhọn vào thì cá lúc sau sẽ chết mà nhiều bà nội chợ còn giao hẹn nếu đo xong an toàn mới mua, không an toàn không mua thì có ai chấp nhận được. Máy mà sai thì chúng tôi mất khách oan à?”. Trong khi đó, nhiều tiểu thương kinh doanh rau, thịt cũng bày tỏ băn khoăn về những sự bất cập từ chiếc máy này. Như rau đã được kiểm tra nồng độ từ các vườn chuyển đến, nhưng khi đo bằng máy này lại cho ra kết quả khác dẫn đến tranh cãi. Hay bảng giới hạn dư lượng nitrat trong thực phẩm chỉ có một số mặt hàng, những loại khác nếu không có thì người đi chợ sẽ đo thay thể bằng 1 loại rau, củ tương tự. Ví dụ đo bầu, bí thay cho dưa leo, dẫn đến kết quả không chính xác.

máy đo thực phẩm
Chị Thủy bán rau cho biết: "Thi thoảng vẫn có khách quen mang máy ra thử rau củ".

Không chỉ hàng cá mà chị Thủy bán rau cũng chia sẻ: “Chúng tôi không chấp nhận khách mua hàng cứ dùng máy đâm hết quả này đến quả khác, củ này đến củ khác xong nếu phát hiện máy báo màu đỏ thì không mua. Những quả cà chua, củ khoai tây ấy sẽ thối nếu chúng tôi không bán hết trong ngày. Một số khách sử dụng máy có ý hơn thì họ chỉ mua 1 loại củ, quả về nhà thử, thấy an toàn thì họ mới mua nhiều thì chúng tôi rất vui vẻ”.

Đứng trước sự phản ứng dữ dội của người buôn, khách hàng không dám hoặc chỉ dám thử ở sạp thịt, rau thân quen. Như vậy, nếu muốn thử hàm lượng Nitrat các bà nội trợ chỉ còn cách mua về nhà rồi tiến hành thử từng món!

máy đo thực phẩm
Tuy nhiên, ở trong siêu thị, trung tâm thương mại thì người tiêu dùng không thể đem máy ra thử.

Tuy nhiên, khi thử xong nhiều người tá hỏa khi kết quả báo một số rau củ, trái cây tại siêu thị lớn cũng có hàm lượng Nitrat vượt ngưỡng cho phép. Thịt cá, rau củ, trái cây mua ở chợ cũng thường xuyên bị máy báo đỏ chót là hàm lượng nitrat gấp 5-6 lần cho phép.

Đến lúc này nhiều người đành ngậm ngùi vứt bỏ cả đống tiền đi trong khi mớ rau, miếng thịt còn tươi rói. Bên cạnh đó cũng có nhiều bà nội trợ do tiếc tiền nên vẫn sử dụng và tự "xử lý" bằng cách rửa sạch hơn, ngâm thêm nước muối…

Máy đo có thực sự chính xác?

Chúng tôi có trên tay một chiếc máy đo sự an toàn thực phẩm mang nhãn hiệu SOEKS được nhập khẩu từ Liên Bang Nga và do một công ty trong nước nhập khẩu và phân phối.

Để tiến hành test thực tế các loại thực phẩm, chúng tôi tiến hành mua một số loại thực phẩm ở siêu thị nổi tiếng và ở một chợ cóc.

máy đo thực phẩm
Kết quả đo thịt lợn lần 1 mua tại chợ cóc cho kết quả cao gấp 5 lần so với ngưỡng.

Kết quả kiểm tra thịt lợn được mua tại một chợ cóc tại quận Đống Đa cho thấy hàm lượng vượt chuẩn ở mức cho phép lên đến 1009mg/kg, gấp 5 lần so với tiêu chuẩn mà máy báo.

máy đo thực phẩm
Đo chuối chín mua tại chợ cóc cũng gấp gần 6 lần so với ngưỡng.

Kiểm tra tiếp chuối chín cũng bị vượt ngưỡng lên đến 1196mg/kg, gấp gần 6 lần so với tiêu chuẩn an toàn.

Riêng đối với dưa chuột thì máy báo ở ngưỡng an toàn. Kiểm tra tiếp 2 quả bí được mua tại 1 siêu thị nổi tiếng cho thấy máy báo kết quả là 1/400mg/kg đạt tiêu chuẩn cho phép.

Video test thử máy đo an toàn thực phẩm 2 lần nhưng cho 2 kết quả khác hẳn nhau.

Như vậy ở vòng kiểm tra lần đầu máy cho kết quả tưởng chừng an tâm bởi 3 loại thực phẩm mua ở chợ cóc thì có 2 loại thực phẩm vượt ngưỡng an toàn. 2 quả bí xanh và bí ngòi mua trong siêu thị đều cho kết quả an toàn.

máy đo thực phẩm
Khi tiến hành đo lần 1 thì chuối vượt ngưỡng an toàn, màn hình máy hiện màu đỏ.

máy đo thực phẩm
Tiến hành đo lần thứ 2 thì máy báo kết quả bằng 0, đạt ngưỡng cho phép, máy hiện màn hình màu xanh.

máy đo thực phẩm
Đo máy lần 1 với dưa chuột thì máy báo vượt ngưỡng cho phép, máy báo màn hình màu đỏ.

máy đo thực phẩm
Nhưng khi đo lần 2, thì máy báo đạt độ an toàn, màn hình hiển thị màu xanh.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tiến hành kiểm tra lần 2 thì máy cho kết quả ngược lại: Đơn cử như chuối đang trong ngưỡng vượt giới hạn cho phép lại an toàn, đo lần 1 đối với dưa chuột thì máy báo vượt ngưỡng thì đo lần 2 máy báo an toàn. Vậy liệu máy đo nitrat này có thực sự chính xác? Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm có thể chỉ thông qua chiếc máy này hay không? Cơ quan nào sẽ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, kiểm soát hàm lượng độc tố trong thực phẩm thay vì để người tiêu dùng tự bỏ tiền mua máy để phòng vệ mà kết quả vẫn chưa chắc đã chính xác? Nhiều câu hỏi đang đặt ra cho các chuyên gia và cơ quan quản lý.

Về vấn đề liệu chiếc máy này có thực sự là bảo bối phát hiện ra chất độc trong thực phẩm như những bà nội trợ tin hay không, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, hóa sinh học cho rằng nó không thể phát hiện hết chất độc trong thực phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Loại máy này chỉ đo được hàm lượng Nitrit và Nitrat, đây là 2 yếu tố nếu vượt ngưỡng sẽ làm giảm khả năng lưu thông ô xy trong máu. Thực tế còn rất nhiều thành phần độc hại khác mà máy không thể đo được.

Theo PGS Thịnh, Bộ Y tế chỉ cấp phép cho thiết bị đo này của SOEKS. Tuy nhiên, trước khi đầu tư mua sắm, người dùng cần biết, máy SOEKS không thể đo toàn bộ độ an toàn thực phẩm, nó chỉ có tính năng phát hiện nồng độ Nitrat, Nitrit tồn dư trong rau củ, thực phẩm chứ không phải là thiết bị có thể kiểm tra được dư lượng mọi chất. Thực tế, ngoài dư chất Nitrit, thực phẩm không đạt chất lượng còn có thể tồn đọng nhiều dư chất khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
 
Còn TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới trả lời về vần đề này trên báo Tuổi Trẻ cho rằng :“Thật sai lầm khi nghĩ rằng hàm lượng nitrat ở ngưỡng an toàn là thực phẩm an toàn. Do đó, việc mua máy thử nitrat chỉ như một liệu pháp tinh thần là chính chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề”. Theo ông Nghĩa, ngoài hàm lượng phân đạm (gốc NO3) trong thực phẩm, các loại kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tăng trưởng và vi sinh vật cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của thực phẩm. Đặc biệt, thuốc trừ sâu có hàng ngàn loại khác nhau và không thể kiểm tra bằng máy test nhanh được mà phải đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích.


 
Vì sao phải kiểm tra nitrat?

Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, nitrat tồn dư trong thực phẩm rau củ là do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học để trái có thể phát triển nhanh và thường được bón gần thời điểm thu hoạch. Nitrat cũng có thể tìm thấy trong các hóa chất bảo quản chứa gốc nitrat dùng để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm.

Bản thân nitrat không phải là chất gây ung thư, nhưng là nghi phạm gián tiếp gây ra ung thư khi nó biến thành nitrit, chất này kết hợp với gốc amin tự do tạo thành tiền chất gây ung thư.

Theo Quyết định 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 quy định về SX kinh doanh rau, quả, chè an toàn của Bộ NN-PTNT hàm lượng nitrat trong một số rau quả được quy định mức an toàn như sau: xà lách (1.500 mg/kg), rau gia vị (600), bắp cải, súp lơ, củ cải, su hào, tỏi (500), hành lá, bầu bí, ớt cây, cà tím (400), ngô rau (300), khoai tây, cà rốt (250), đậu ăn quả, măng tây, ớt ngọt (200), cà chua, dưa chuột (150), dửa bở (90), hành tây (80), dưa hấu (60).


Chia sẻ