"Thót tim" xem bé trai 5 tuổi treo lơ lửng trên thanh chắn ban công tầng 19 - cảnh báo an toàn cho trẻ khi ở nhà cao tầng

Giang Nguyễn,
Chia sẻ

Vụ việc bé trai treo mình lơ lửng trên ban công tầng 19 xảy ra ngày 11/7 mới đây một lần nữa cho thấy người lớn chưa ý thức đầy đủ về các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống trên nhà cao tầng.

Cậu bé đu mình ở thanh chắn ban công tầng 19 của tòa nhà trong gần 30 phút trước khi được giải cứu. Sự cố trên xảy ra hôm 11/7 tại thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Mỗi khi nào nghe tin về các vụ tai nạn ở tòa nhà cao tầng liên quan tới trẻ em, chúng ta thường thấy nạn nhân là một bé sơ sinh hoặc ở độ tuổi chập chững biết đi. Nhưng vụ tai nạn mới nhất xảy ra ở Trung Quốc lại cho thấy, nguy cơ không hề loại trừ với những trẻ lớn hơn.

Vụ tai nạn "như trong phim hành động"

Cậu bé 5 tuổi đã được giải cứu kịp thời sau khi treo lơ lửng trên ban công tầng 19.

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng chắc hẳn khiến nhiều người thót tim, dựng tóc gáy. Bức ảnh chụp từ trên cao xuống, ghi lại cảnh ngàn cân treo sợi tóc: một cậu bé 5 tuổi đang treo mình lơ lửng, tay bám vào thanh chắn ban công căn hộ nằm ở tầng 19.

Thót tim xem bé trai 5 tuổi treo lơ lửng trên thanh chắn ban công tầng 19 - cảnh báo an toàn cho trẻ khi ở nhà cao tầng - Ảnh 2.

Cậu bé bị treo lơ lửng gần 30 phút trước khi được giải cứu.

Theo Dailymail, một người thu gom rác đã phát hiện ra vụ việc tầm 6 giờ sáng hôm 11/7. Khi nhìn thấy cậu bé, người này đã cố gắng không hét lên để không làm bé bị giật mình. Được biết, cậu bé rơi từ tầng 20 xuống nhưng may mắn bám được vào thanh chắn ban công tầng dưới. Nếu không, chắc chắn sẽ là kết cục bi thảm nhất dành cho bé.

Thót tim xem bé trai 5 tuổi treo lơ lửng trên thanh chắn ban công tầng 19 - cảnh báo an toàn cho trẻ khi ở nhà cao tầng - Ảnh 3.

Bà ngoại cậu bé cho biết thấy cháu đang ngủ say nên đã để cháu ở nhà để xuống tầng 1 tập thể dục, không ngờ bé dậy sớm hơn dự tính.

Thót tim xem bé trai 5 tuổi treo lơ lửng trên thanh chắn ban công tầng 19 - cảnh báo an toàn cho trẻ khi ở nhà cao tầng - Ảnh 4.

Trong camera từ người hàng xóm ở tòa nhà đối diện, cậu bé đã được kéo vào an toàn.

Ngay lập tức, người thu gom rác này đã kêu gọi sự giúp đỡ. 3 nhân viên an ninh cùng với hàng xóm của cậu bé đã chạy lên căn hộ nơi cậu bé đang mắc kẹt nhưng cửa nhà đã bị khóa. Sau đó họ phải đi vào một căn hộ khác và phá khóa cửa. Mất khoảng 8 phút cậu bé được giải cứu thành công nhưng theo quan sát của người hàng xóm, trước đó, cậu bé đã lơ lửng trên ban công khoảng chừng 20 phút.

Rõ ràng, thời điểm xảy ra sự cố, không có ai ở nhà, bà ngoại cậu bé đã đi tập thể dục. Cậu bé thức giấc và đi ra ban công để nhìn ra ngoài, xem người nhà đâu rồi bất ngờ bị trượt chân ngã.

Cảnh báo an toàn cho trẻ khi sống trong các tòa nhà cao tầng

Rất may là sự việc đã có kết thúc tốt đẹp. Nhưng tại sao những sự cố như vậy vẫn liên tiếp xảy ra hết lần này tới lần khác? Tháng 5 vừa qua, tại Pháp, một thanh niên đã phải vận dụng "tuyệt kĩ" của mình để leo qua nhiều tầng nhà, cứu sống đứa trẻ cũng đang treo mình lơ lửng ở ban công. Trong một vụ việc khác diễn ra vào tháng 7 tại một khu chưng cư cao tầng ở Trung Quốc, bé gái bị kẹt đầu giữa các thanh chắn ban công trên tầng 4 tòa nhà.

Những đứa trẻ này vẫn vô cùng may mắn. Nhưng một số không được như vậy. Tháng 2 năm nay, bé gái 4 tuổi đã thiệt mạng sau khi rơi từ tầng 10 xuống đất.

Nói tới nguy cơ tiềm ẩn từ các tòa nhà cao tầng, những vụ tai nạn kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rõ ràng, người lớn đang chưa ý thức đầy đủ về các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống trên cao.

Vậy, cha mẹ có thể làm gì?

1. Lắp đặt thanh chắn bảo vệ lên cửa sổ

Những thanh chắn này sẽ bảo vệ trẻ khỏi bị ngã khi cửa sổ mở.

2. Không để các vật dụng lớn ở khu vực xung quanh cửa sổ, tường ban công

Trẻ có thể trèo lên đó và tai nạn rất dễ xảy ra.

3. Để ý những vật dụng có thể làm vỡ kính cửa sổ khi ném mạnh

Chúng có thể bao gồm các viên bi và đồ chơi to nặng của trẻ.

4. Khóa cửa sổ và cửa ra vào ban công khi bạn không ở bên cạnh trẻ

Hãy tạo thành thói quen khi làm việc này. Ghi vào mảnh giấy nhắn và để ở vị trí bạn cất chìa khóa. Nhờ đó, bạn sẽ nhớ ra bất cứ khi nào rời khỏi phòng.

5. Dạy trẻ về nguy cơ từ cửa sổ và ban công

Giải thích cho trẻ tại sao các vị trí trên cao lại nguy hiểm thay vì chỉ nhắc trẻ không được làm gì đó. Nếu trẻ đủ lớn để hiểu những chỉ dẫn đơn giản, bạn nên đưa ra một quy tắc cố định rằng: trẻ không được phép mở cửa sổ hay trèo lên cửa sổ.

Không những thế, bạn cần giải thích rõ ràng cho trẻ về hậu quả có thể xảy khi trẻ làm vậy. Hãy tìm kiếm những video giáo dục trên mạng để dạy trẻ về việc này.

6. KHÔNG BAO GIỜ để trẻ một mình trong nhà

Đừng chấp nhận sự mạo hiểm này. Các chuyên gia cảnh báo việc để trẻ một mình trong nhà, dù trong khoảng thời gian ngắn, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Chỉ vài giây thôi, một đứa trẻ 3 tuổi có thể làm bất cứ việc gì bởi trẻ luôn nhìn thế giới với sự tò mò vô hạn.

7. Khóa cửa ra ban công

Nếu quản lý tòa nhà bạn ở không cho phép lắp đặt thanh chắn ban công, hãy đảm bảo rằng, cửa ra khu vực này luôn được khóa bất cứ khi nào bạn không ở bên cạnh con.

Ngay cả khi ban công được bảo vệ bởi thanh chắn, hãy kiểm tra xem, con bạn có thể lọt người qua khe không. Nếu bạn nghĩ rằng các thanh chắn cách nhau quá xa, hãy nói chuyện với ban quản lý tòa nhà để tìm ra biện pháp an toàn phù hợp hơn.

8. Cảnh báo tất cả những người lớn khác chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ

Người giúp việc, người trông trẻ phải đặc biệt coi trọng các quy tắc an toàn khi sống ở nhà cao tầng. Trong những vụ tai nạn kể trên, ngoài trường hợp trẻ ở một mình trong nhà, phần lớn các trường hợp còn lại, trẻ ở người chăm sóc không phải là cha/mẹ mình.

Cần đảm bảo rằng người chăm sóc trẻ phải luôn quan sát, ở bên trẻ mọi lúc mọi nơi. Cảnh báo họ rằng ngay cả khi họ bế con bạn, họ vẫn cần tránh xa ban công. Trẻ hoàn toàn có thể vùng khỏi tay người bế trong nháy mắt và rơi xuống.

Đôi khi, chúng ta không thể dự đoán trước mọi nguy cơ đe dọa con mình. Nhưng với những vụ việc như trẻ rơi ngã từ tầng cao, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa chuyện đó xảy ra.

Nguồn: Parent, Scmp, Dailymail

Chia sẻ