Thông tin mới nhất về hiệu quả phòng bệnh và ngăn tử vong của vắc xin Covid-19 Pfizer

Minh Thu,
Chia sẻ

Hiệu quả phòng Covid-19 của vắc xin Pfizer giảm còn 47% sau 6 tháng tiêm mũi 2 nhưng vẫn ngăn 90% khả năng nhập viện và tử vong do nhiễm virus corona.

Theo dữ liệu được công bố hôm 4/10 giữa lúc các cơ quan y tế Mỹ cân nhắc về mức độ cần thiết tiêm mũi tăng cường thứ 3, hiệu quả phòng bệnh Covid-19 của vắc xin Pfizer/BioNTech đã giảm từ 88% xuống còn 47% trong 6 tháng sau tiêm mũi thứ 2.

Thông tin mới nhất về hiệu quả phòng bệnh và ngăn tử vong của vắc xin Covid-19 Pfizer - Ảnh 1.

Người cao tuổi ở Mỹ tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 Pfizer/BioNTech. (Ảnh: Reuters)

Phát hiện trên được công bố trên tạp chí Lancet. Tuy nhiên, phân tích cho thấy hiệu quả phòng trường hợp phải nhập viện và tử vong vì nhiễm virus corona của vắc xin Pfizer/BioNTech vẫn duy trì ở mức cao là 90% trong vòng ít nhất 6 tháng sau tiêm đủ 2 mũi, ngay cả đối với biến chủng có tốc độ lây nhiễm nhanh như Delta.

Các nhà nghiên cứu nhận định tình trạng sụt giảm khả năng phòng bệnh của vắc xin Pfizer là do sự suy yếu của vắc xin theo thời gian, chứ không phải do Delta hoặc các biến chủng khác đã có khả năng thoát khỏi sự bảo vệ của vắc xin.

Kết quả trên được các nhà nghiên cứu của Pfizer và Trung tâm Y tế Kaiser Permanente tiến hành trên hồ sơ sức khỏe điện tử của 3,4 triệu người là thành viên của Cơ quan Nghiên cứu và Đánh giá Kaiser Permanente Nam California trong giai đoạn từ tháng 12/2020, thời điểm tiêm mũi 1 bắt đầu phổ biến, cho tới tháng 8/2021.

“Phân tích rõ ràng cho thấy, vắc xin Pfizer/BioNTech hiện hiệu quả phòng chống tất cả các biến chủng virus corona đang gây lo ngại bao gồm Delta” - Reuters dẫn lời Tiến sĩ Luis Jodar, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc y tế của vắc xin Pfizer.

Theo dữ liệu được công bố, sau tiêm 2 mũi, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Pfizer đối với biến chủng Delta là 93% sau tháng đầu tiên, giảm còn 53% sau 4 tháng. Hiệu quả của vắc xin Pfizer đối với các biến chủng khác cũng giảm từ 97% xuống còn 67%.

“Đối với chúng tôi, kết quả trên cho thấy Delta không phải là biến chủng có thể hoàn toàn thoát khỏi sự bảo vệ của vắc xin”, người dẫn đầu nghiên cứu Tiến sĩ Sara Tartof thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đánh giá Kaiser Permanente Nam California cho biết thêm.

Cơ quản Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 Pfizer/BioNTech để tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho đối tượng là người cao tuổi và những người có nguy cơ cao nhiễm virus corona. Hiện các nhà khoa học Mỹ kêu gọi cần có thêm dữ liệu để đưa ra quyết định tiêm mũi tăng cường cho tất cả người dân Mỹ.

Theo Reuters, tính tới ngày 1/10, số ca tử vong ở Mỹ vì mắc Covid-19 đã vượt qua con số 700.000 người.

Mỹ vẫn đang là quốc gia có số người mắc và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, chiếm lần lượt 19% và 14% tổng số ca trên toàn cầu. Hiện thế giới có hơn 5 triệu người chết vì Covid-19.

Mỹ cũng đang đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho đối tượng trẻ em. Trong đó, ở tất cả nhóm tuổi trẻ em, Pfizer là vắc xin Covid-19 duy nhất được FDA phê chuẩn sử dụng. Hai loại vắc xin Covid-19 Moderna và Johnson & Johnson cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp nhưng chỉ được tiêm cho đối tượng trên 16 tuổi.

Các nước EU có đủ vắc xin Covid-19 để tiêm cho người dân, nhưng một số nước thành viên lại có tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn nhiều so với láng giềng.

Chia sẻ