Thói quen 1 tháng có 25 ngày đi ăn hàng nhưng né "bão giá leo thang" tôi chỉ còn cách... về nhà nấu cơm

Hồng Nhung,
Chia sẻ

Thu nhập mùa dịch kém, chi tiêu mỗi tháng như tiền nhà, tiền điện nước, tiền đi lại không thể giảm nên Trinh suy nghĩ quyết định cắt giảm chi tiêu ở khâu ăn uống. Cô gái trẻ xoay xở bằng cách tự nấu ăn rồi mang cơm trưa theo cho tiết kiệm.

Giá hàng quán đang tăng vù vù

Việt Trinh (27 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết bản thân sống một mình nên rất ít khi nấu nướng. 1 tháng 30 ngày thì phải có đến 25 ngày cô ăn cơm ở bên ngoài.

"Lúc trước mình thật sự rất lười, lười nấu cơm rồi lại phải rửa bát nên không muốn bày ra. Đi làm thì công việc bận rộn, có giờ nghỉ trưa thì đặt ăn ở ngoài cho nhanh. Còn những ngày ở nhà, cuối tuần hay rảnh rỗi thì tụ tập bạn bè chứ cũng không cơm nước gì nhiều". Tuy nhiên, thời điểm hiện tại Trinh cũng bất ngờ khi hàng loạt hàng quán thông báo tăng giá để thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Điều này đã tác động để thay đổi thói quen trong suốt nhiều năm của cô.

"Nếu lúc trước, bữa trưa mình mua cơm bình dân chỉ 25k/suất giờ đã thấy tăng lên 35k, nếu gọi thêm gì đặc biệt còn tới 45k/suất, trung bình tăng 10k/suất. Còn nếu thích ăn món gì khác, ngon hay lạ miệng hơn phải ship từ xa về thì ngoài khoản đội giá này phải chịu thêm khoản chi phí vận chuyển cũng tăng lên".

Cơm bình dân nhìn chung đều tăng giá, trung bình từ 10k/suất do thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng.

Thói quen 1 tháng có 25 ngày đi ăn hàng nhưng né "bão giá leo thang" tôi chỉ còn cách... về nhà nấu cơm  - Ảnh 3.

Còn nếu gọi đồ ăn ở quán ngon, ship xa về thì giá cả còn đội lên cao hơn vì chi phí vận chuyển.

Cụ thể, mỗi đơn ship Trinh đã thấy tăng thêm tiền chi phí. Với 2km đầu tiên thấy tăng gần 2 nghìn đồng, các km sau thì rẻ hơn nhưng cũng khoảng 5k nữa. Mỗi ngày nếu chỉ vài chục ngàn nghe thì thấy nhỏ nhưng gộp vào cả tháng lại thành khoản lớn. Chưa kể, 1 tuần Trinh còn thường xuyên tụ tập bạn bè ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn. Tính toán thiệt hơn, Trinh quyết định thay đổi việc chi tiêu này của mình để tiết kiệm chi phí.

"Ăn quán thì tiện thật, nhưng giá cao vậy cũng xót lắm. Ở trọ mình cũng có thể nấu ăn được, chỉ là khoản giờ giấc sinh hoạt phải điều chỉnh lại thôi. Thu nhập mùa dịch kém, chi tiêu mỗi tháng lại chẳng giảm, tiền nhà tiền điện nước, tiền đi lại không thể giảm, nên mình suy nghĩ, quyết định cắt giảm chi tiêu ở khâu ăn uống, không đặt nhiều đồ ăn ngoài, uống nhiều trà sữa hay ăn vặt nữa. Mình sẽ xoay xở bằng cách tự nấu ăn rồi mang cơm trưa theo cho tiết kiệm", Trinh chia sẻ.

Bất ngờ khi nấu cơm ở nhà, tính ra 1 tháng tiết kiệm được kha khá

"Trung bình mỗi một suất ăn trưa ngoài hàng quán có giá là 35k/suất. 1 tháng mình ăn khoảng 20 bữa trưa như vậy đã hết 700k. Tụ tập bạn bè ở nhà hàng, quán ăn, chi phí mỗi lần khoảng 200k hoặc hơn. 1 tháng tụ tập trung bình 3 lần hết khoảng 600k nữa. Như vậy tháng trước mình chi hết khoảng 1,5 triệu chỉ tính riêng tiền ăn bên ngoài. Chi phí này chưa tính các bữa ăn tại nhà nữa", Trinh chia sẻ.

Cũng không có gì khó hiểu khi những cô nàng làm văn phòng thường hay tốn rất nhiều tiền cho ăn trưa vì tâm lý lười hay đồng ý lời mời gọi, thưởng thức những món ăn mới hay chỉ vì lý do đơn giản là "bận rộn".

Khi giá cả leo thang, quyết định thay đổi thì chỉ trong 1 tuần đầu tiên Trinh đã thấy khác biệt hoàn toàn. Thay vì order đồ thì mỗi chiều về Trinh đều ra chợ mua thực phẩm, sáng dậy sớm hơn làm cơm rồi mang đi làm. Vì mới tập nấu nên những nguyên liệu để nấu ăn chủ yếu là đơn giản, không cầu kỳ và phải nhanh gọn.

Thói quen 1 tháng có 25 ngày đi ăn hàng nhưng né "bão giá leo thang" tôi chỉ còn cách... về nhà nấu cơm  - Ảnh 4.

"Mình nấu ăn thấy rẻ hơn hẳn. Vì có thể chuẩn bị thức ăn cho cả bữa trưa lẫn bữa tối (đi làm về chỉ cần hâm nóng lại đồ ăn nữa thôi). Tuần đầu tiên mình chỉ hết 300k/7 ngày đi chợ thôi".

Cụ thể, Trinh mua 5 bìa đậu giá 15k, 1 túi kim chi giá 40k, 1 quả bí ngòi 9k, 1kg cá rô phi giá 42k, 1kg xương ức gà giá 40k (mua tại siêu thị phần xương vẫn còn khá nhiều thịt), 2 củ khoai tây giá 8k, 500 gram thịt băm giá 80k, 20k được 4 lạng rau cải chíp, 1 cây cải thảo giá 15k, 300 gram thịt lợn giá 30k, 2 quả trứng giá 7k.

Ngày đầu tiên Trinh nấu canh kim chi, đậu phụ, bí ngòi thêm 1 chút thịt băm để ăn hai bữa trưa và tối. Ngày thứ hai nấu món xương ức gà ninh cùng khoai tây. Ngày thứ 3 chiên giòn 500 gram cá rô phi, ăn cùng với cải chíp xào tỏi. Ngày thứ tư nấu thịt băm ăn cùng với kim chi, ngày thứ năm là cá rô phi xào cà chua, ăn cùng với cải thảo. Ngày thứ sáu là cải chíp và thịt lợn xào, ngày thứ bảy là đậu rán giòn, trứng hấp ăn cùng cải thảo xào tỏi.

1 tuần trôi qua khá nhanh và việc thay đổi trong cách ăn uống này không làm ảnh hưởng gì nhiều tới cuộc sống của Trinh. Chuyện mang cơm trưa đến văn phòng cũng không phải là chuyện lạ lùng, hiếm hoi gì. Trinh thấy bản thân chỉ cần thức dậy sớm hơn một chút, siêng năng hơn một chút hay thậm chí cứ xem tiết kiệm tiền bạc để làm mục đích phấn đấu thì hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian tới.

Thói quen 1 tháng có 25 ngày đi ăn hàng nhưng né "bão giá leo thang" tôi chỉ còn cách... về nhà nấu cơm  - Ảnh 5.

Có một số bí kíp Trinh thấy khá hay để việc nấu và mang cơm đến văn phòng dễ thực hiện hơn với người độc thân là đi chợ vào cuối tuần cho đủ một tuần, rửa sạch và xếp đầy đủ hộp nào ra hộp đó cho từng ngày trong tuần. Đối với đồ ăn nấu buổi trưa mang tới công ty thì chọn một số loại đồ ăn đơn giản, bảo quản được lâu như: rau, trứng, thịt, cá... Không cần làm cầu kỳ nhiều vị vì vừa dễ gây tăng cân lại vừa nhanh ôi thiu. Sau khi nấu đồ ăn xong, Trinh để các món ăn nguội bớt mới cho vào hộp đậy kín để tránh bị bí hơi và bốc mùi.

Qua lần này, Trinh cũng nhận thấy rằng nếu có thể thì tự mình xuống bếp cũng là một chuyện không tồi. Không chỉ giúp tiết kiệm được tiền bạc còn luyện tay nghề nấu cơm, hơn nữa tự mình làm cũng đảm bảo, sạch sẽ hơn, lại còn vừa miệng.

Ảnh: Internet

Chia sẻ