Thi vào lớp 10 tại TPHCM: Hơn 20.000 học sinh sẽ bị loại khỏi trường công lập

Nguyễn Dũng,
Chia sẻ

Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, năm học 2022-2023, TPHCM có gần 93.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu là 72.800. Điều đó đồng nghĩa hơn 20.000 học sinh sẽ không có cơ hội học lớp 10 công lập.

Một chọi hơn ba

Sở GD&ĐT cho biết, trong số 108 trường phổ thông công lập, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 cao nhất với 1.903 em; kế đó là THPT Hùng Vương với 1.835 em, Marie Curie với 1.829 em, Gia Định với 1.749 em. Những trường tiếp theo có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 cao hơn 1.500 em gồm Võ Trường Toản, Thủ Đức, Nguyễn Trung Trực, Phú Nhuận, Trường Chinh. Về tỷ lệ chọi, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có tỷ lệ chọi cao nhất (1 chọi 3,21), THPT Nguyễn Thượng Hiền có mức chọi 1/2,99. Tiếp theo là các trường THPT Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn… với mức 1 chọi 2 trở lên.

Thi vào lớp 10 tại TPHCM: Hơn 20.000 học sinh sẽ bị loại khỏi trường công lập - Ảnh 1.

Học sinh TPHCM lo ngại các kỳ thi cuối cấp do ảnh hưởng của 2 năm dịch bệnh COVID-19

Với lớp 10 chuyên, trường có số thí sinh đăng ký nhiều nhất vẫn là THPT Chuyên Lê Hồng Phong với hơn 3.100 em đăng ký, trong khi chỉ tiêu gần 900, ở cả lớp chuyên và không chuyên. Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cũng có số thí sinh đăng ký gấp đôi chỉ tiêu với hơn 1.100 em.

Trong khi đó, TPHCM có 37 trường THPT có tỷ lệ chọi dưới 1, số lượng đăng ký dự thi chưa bằng 50% tổng chỉ tiêu như trường THPT Long Trường, Nguyễn Văn Tăng, Ngô Gia Tự, Lê Thị Hồng Gấm, Phong Phú, Nguyễn Văn Linh... Điều này đồng nghĩa với việc thiếu học sinh kể cả khi các em dự thi đầy đủ và trúng tuyển.

Kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay của TPHCM sẽ diễn ra ngày 11 và 12/6. Từ nay đến 16/5, học sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng. Phiếu báo danh cho thí sinh được phát từ 19/5.

Chạy đua

Sau khi chốt nguyện vọng vào ba trường THPT, em Bảo Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS Gò Vấp, bắt đầu chạy đua với việc ôn tập. Dù có học lực thuộc loại khá giỏi, nhưng Bảo Anh cũng tỏ ra lo lắng bởi đây là ba trường thuộc tốp đầu và giữa nơi địa bàn em cư trú, tỷ lệ chọi luôn cao hơn các trường khác. “Ngoài học tập theo lịch của trường, em còn đăng ký học thêm ở bên ngoài môn Toán và tiếng Anh từ khi ra Tết đến nay. Trong thời gian tới, khi kết thúc các môn học ở trường, em sẽ dồn lịch và tăng thêm thời gian để luyện thi bên ngoài”, Bảo Anh cho hay.

Sau khi kết thúc học kỳ 2, kể từ 15/5, hơn 600 học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1) bước vào kỳ ôn tập trong 3 tuần. Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, học sinh sẽ ôn 3 môn thi là Văn, Toán, Ngoại ngữ với phí 200.000 đồng/môn, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Các em sẽ được học 4 buổi sáng/tuần.

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các trường THCS đã kết thúc kỳ thi học kỳ 2 và bước vào “chiến dịch” ôn tập thi lớp 10 cho học sinh. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Hậu Giang (Quận 11), cho hay, kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 sẽ bắt đầu ngày 16/5 (khi đã dạy hết chương trình lớp 9). Ông Nguyễn Bá Tước, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8), nói rằng, nhà trường đang lên kế hoạch tổ chức cho các em tự làm bài thi để tập dượt, làm quen với thời gian thi vào lớp 10.

Chất lượng giảm

Theo bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, chất lượng học của học sinh lớp 9 năm nay thấp hơn so với mọi năm bởi cả học kỳ 1 phải học trực tuyến, đến học kỳ 2 học trực tiếp nhưng cũng vướng phải F0, F1 trong suốt một thời gian dài. Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1), cho rằng, lứa học sinh lớp 9 năm nay chịu khá nhiều thiệt thòi khi hai năm liên tiếp học online vì dịch bệnh.

Chia sẻ