“Thi sĩ ở ẩn” 6 năm bền bỉ chiến đấu với ung thư

Kiều Bích Hậu,
Chia sẻ

Lần đầu gặp “thi sĩ ở ẩn” Cao Xuân Thái, tôi chú ý đến vẻ bình lặng, thanh thản của ông. Có vẻ như ông là người đã thoát ra khỏi mọi vui buồn, lo lắng ở đời.

Bên ông, người vợ nhanh nhẹn và chu đáo chăm sóc ông từng ly nước đến việc chụp ảnh với bạn hữu trong một sự kiện văn chương ở Thủ đô. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói đùa với tôi rằng: Gặp được Cao Xuân Thái ở đây quả là hiếm hoi và may mắn, bởi có mấy khi ông thi sĩ ở ẩn này rời rừng về phố đâu.

Qua cửa tử

Thấy vẻ ngoài trầm tư, cứ nghĩ ông xa cách lắm, nhưng khi tôi bắt chuyện, mới thấy ông thật gần gũi và cởi mở. Trong lúc ông chậm rãi nói chuyện với tôi thì nhà thơ Trần Đăng Khoa chợt nắm cả hai bàn tay ông và nhìn thật lâu, miệng nhắc đi nhắc lại: “Thật kỳ lạ”.

Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên trước cử chỉ đó của Trần Đăng Khoa, thi sĩ Cao Xuân Thái giải thích:

- Lần trước anh Trần Đăng Khoa gặp tôi thì móng tay và móng chân tôi rụng hết! Nay nó mọc lại rồi nên anh Khoa mới nói là “kỳ lạ” đó.

- Có chuyện gì đã xảy ra với bác chăng? (Tôi hỏi ông, chăm chú hơn vì linh cảm có gì nghiêm trọng).

- Tôi chiến đấu với ung thư đã 6 năm rồi (nhà thơ Cao Xuân Thái bình tĩnh nói). Tôi đã trải qua những khoảng thời gian kinh khủng, nay được như thế này cũng một phần nhờ anh Trần Đăng Khoa giúp cho cách ngăn chặn bệnh phát triển và phục hồi sức khỏe.

Tìm hiểu ra, tôi được biết, kể từ năm 2011, sức khỏe của nhà thơ Cao Xuân Thái đã xấu đi rất nhiều. Khi ông đi khám bệnh thì nhận được tin choáng váng: ung thư bàng quang. Không còn cách nào khác, ông chấp nhận lịch điều trị của bệnh viện, dù quá khắc nghiệt.

Ông phải phẫu thuật 2 lần, cắt 1/2 bàng quang ở Bệnh viện Việt Xô năm 2012, sau đó truyền hóa chất. Nhà thơ gầy rộc đi, chỉ còn da bọc xương. Việc ăn uống đối với ông như cực hình. Những cơn đau vẫn không thôi hành hạ ông. Thậm chí, ông ăn vào còn bị nôn ra hết. Vợ ông tiếp tục kiên nhẫn động viên chồng ăn uống, nấu nước cháo, củ, rau cho ông uống để dễ tiêu hóa hơn. Thần chết không bắt ông đi, nhưng sức khỏe nhà thơ rất kém.

Cho tới năm 2014, ung thư di căn dạ dày. Ông lại bị chỉ định truyền hóa chất theo phác đồ 6 đợt hóa chất trong nửa năm, truyền đến đợt thứ 4 thì ông bị kiệt sức, tóc rụng hết. Truyền hóa chất đến lần thứ 5 thì ông phát hiện thấy dưới móng tay và móng chân có những ổ nước đọng. Vài ngày sau, móng tay và móng chân lần lượt tuột ra hết. Người thân của ông tuy vẫn nỗ lực động viên, chăm sóc ông nhưng trong thâm tâm đều gần như đã tuyệt vọng, chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất.

Cuối năm 2015, nhà văn Cao Xuân Thái nhận được thông báo, ông được trao tặng Giải thưởng văn học sông Mekong cho tác phẩm bút ký “Một nẻo Mekong” của mình. Dẫu không thể đến sự kiện nhận giải thưởng nhưng tin vui đó như nguồn sức mạnh tiếp cho ông trước khi lên bàn mổ cắt 4/5 dạ dày. Ông không đủ sức để đến Bệnh viện Việt Đức thực hiện cuộc phẫu thuật, kíp mổ bệnh viện phải tới Bệnh viện Tuyên Quang mổ cho nhà thơ. Ca mổ thành công, Cao Xuân Thái vượt qua cửa tử, nhưng không ai dám nói chắc điều gì vì ông quá yếu, không còn mấy sức sống.

“Thi sĩ ở ẩn” 6 năm bền bỉ chiến đấu với ung thư - Ảnh 1.

Nhà thơ Cao Xuân Thái (giữa), bên cạnh là vợ ông và nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Với niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ sống

Cuối năm 2017, nhà thơ Trần Đăng Khoa lên Tuyên Quang thăm nhà thơ Cao Xuân Thái, thấy ông kiệt lực quá, người gầy gò chưa được 40kg bèn hướng dẫn cho ông một bài tập dưỡng sinh đặc biệt phòng ngừa bệnh tái phát. Cao Xuân Thái tin tưởng vào bài tập này, nhưng sau đó ông còn tìm hiểu kỹ hơn bài tập đó trên mạng, tìm sách đọc và bắt đầu tập theo.

Sau hơn nửa năm kiên trì luyện tập, nhà thơ đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện thì vô cùng bất ngờ khi bác sĩ thông báo, trong cơ thể ông đã hết tế bào ung thư. Chưa dám tin hẳn, ông đi kiểm tra thêm ở một bệnh viện quốc tế nữa thì vẫn cho kết quả không còn tế bào ung thư. Bên người vợ hiền, ông ngồi lặng đi trước niềm hạnh phúc bất ngờ. Ông vẫn thế, buồn cũng lặng lẽ mà vui cũng lặng lẽ thôi.

Ông cho rằng khi đã bị căn bệnh ung thư, cần hết sức tôn trọng phương pháp chữa trị khoa học, nghiêm ngặt tuân thủ phác đồ điều trị, phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Khi đã vượt qua được quá trình điều trị, đến giai đoạn hồi phục sức khỏe cũng rất quan trọng, nhất là chế độ ăn uống. Do hóa chất độc hại phá hoại lục phủ ngũ tạng nên việc ăn uống là rất khó khăn. Người bệnh phải xác định ăn là trách nhiệm, người thân xung quanh cần hết sức chu đáo chăm sóc chế độ ăn cho người bệnh thì mới hồi phục thành công. Nếu ăn món này không hấp thụ được thì phải đổi chế độ ăn, phải thử món khác, sao cho cơ thể hấp thụ được chất dinh dưỡng. Bởi có một số bệnh nhân chết vì kiệt sức do hóa chất phá hoại cơ thể chứ không hẳn do bệnh ung thư.

Ngoài ra, tinh thần tích cực cũng là một yếu tố then chốt, giúp người bệnh khỏe lên. Người bệnh cần được tĩnh tâm, có niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ sống, sẽ vượt qua và trở nên khỏe mạnh hơn mỗi ngày. Nhà thơ Cao Xuân Thái cho biết, khi cơ thể đau đớn, yếu đuối dễ sinh ra tư tưởng chán nản, những suy nghĩ tiêu cực. Ông phải ngăn chặn mọi suy nghĩ xấu trong đầu, hướng đến những hy vọng, vững niềm tin. Và khi cố gắng được, ông sẽ ngồi dậy viết. Những vần thơ, dòng chữ nâng đỡ tinh thần ông. Trong suốt 6 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư, nhà thơ Cao Xuân Thái vẫn hàng ngày làm thơ in báo, đã viết và xuất bản 4 cuốn sách cho người lớn và cả thiếu nhi, đoạt 2 giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học sông Mekong 2015 và Giải thưởng viết về Bác Hồ năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng.

Về chế độ ăn uống hiện nay, nhà thơ Cao Xuân Thái cho biết, ông thường ăn cơm với rau luộc và muối vừng, hạn chế ăn thịt và bỏ hẳn rượu bia. Mỗi bữa chỉ ăn một bát cơm nấu mềm, ngoài ra còn uống mật ong pha với chanh cùng nhiều nước ấm, mật ong với tam thất pha loãng trong nước. Nhờ chế độ ăn tuy đơn giản mà lành như vậy, mỗi khi trở trời, ông chỉ thấy đầy bụng chứ không đau dữ dội như khi xưa. Hiện nay, ông không dùng bất cứ loại thuốc tây nào nữa, dạ dày dần ổn định trở lại, ăn uống ngon miệng hơn.

Hàng ngày, ông dậy từ 6 giờ sáng, tập dưỡng sinh, ăn cháo với các loại hạt. Ông gọi đó là cháo hạt thập cẩm, gồm đậu xanh, đậu trắng, đậu đỏ, đậu hà lan, đậu đen, hạt sen… Ăn sáng xong, ông làm việc, đọc sách, viết trong 2 tiếng thì nghỉ ăn trưa. Sau bữa trưa, ông nằm nghỉ ngơi chừng 1 tiếng thì trở dậy vận động nhẹ, rồi đi bộ quanh các con phố yên tĩnh ở thành phố Tuyên Quang. Ông cũng thỉnh thoảng tham gia sinh hoạt các hội, câu lạc bộ tại địa phương để giao lưu với mọi người và tìm ý tưởng mới mẻ.

Gặp bạn văn, ông nhẹ nhàng kể chuyện văn thơ, kể chuyện bệnh tật nhưng với niềm tin và tâm nguyện rằng câu chuyện của ông có thể giúp ích cho ai đó đồng cảnh ngộ, để động viên họ cố gắng vượt qua, để trở lại và yêu thương cuộc sống, bình tĩnh hơn. Tại thành phố vùng trung du yên bình, ngôi nhà rộng của vợ chồng ông cũng luôn mở cửa đón bạn văn đến đàm đạo, đón bạn hữu khắp nơi đến trải nghiệm. Thi sĩ Cao Xuân Thái và câu chuyện đời cũng như hoạn nạn của ông chính là một bài học ý nghĩa, một trải nghiệm đặc biệt cho bất cứ ai được gặp và trò chuyện cùng ông.

Chia sẻ