Thế giới 1 tuần tăng hơn 1 triệu ca nhiễm, Bắc Kinh bùng dịch nghiêm trọng: Xin đừng chủ quan, đừng để thêm một lần cách ly

J.D,
Chia sẻ

Cần phải nhớ rằng đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra, tất cả chúng ta đều đang chịu rủi ro cho đến khi nhân loại sản xuất được vaccine phòng bệnh.

Thời gian gần đây, thế giới có rất nhiều sự kiện gây biến động mà nổi bật nhất là những cuộc biểu tình, bạo loạn sau cái chết của George Floyd - nạn nhân người Mỹ gốc Phi thiệt mạng vì bị cảnh sát ghì đầu gối vào cổ. Biểu tình lan rộng ra nhiều quốc gia, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Nhưng cũng chính những tuần vừa qua, ít người để ý rằng đại dịch Covid-19 đã lan rất nhanh, với những con số ai nghe cũng phải giật mình.

Hồi cuối năm 2019, đầu tháng 1/2020, Trung Quốc xuất hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên, và phải đến đầu tháng 5 mới đạt được 4 triệu ca. Nhưng chỉ 5 tuần sau đó, số ca nhiễm trên toàn thế giới đã là hơn 8 triệu. Đặc biệt là trong vòng 1 tuần qua, cả thế giới đã ghi nhận đến hơn 1 triệu ca nhiễm mới. Cụ thể theo số liệu do Worldometer thống kê, ngày 8/6 thế giới có 7,08 triệu ca mắc, thì đến ngày 16/6 là 8,1 triệu ca, với hơn 438.000 trường hợp tử vong.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ dịch bệnh, nhưng yếu tố "đóng góp" chính cho con số này tới từ các điểm nóng mới của dịch bệnh tại Mỹ Latin, châu Phi và châu Á. Và ngoài ra còn là nguy cơ về làn sóng dịch bệnh thứ 2 từ các quốc gia tưởng đã thoát khỏi nanh vuốt của tử thần sau thời gian dài phong tỏa.

 - Ảnh 1.

Làn sóng dịch bệnh thứ 2: không thể lường trước được

Ngay từ đầu năm 2020, vào giai đoạn đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, đã có nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về một "làn sóng thứ 2" sau khi phần nào kiểm soát được dịch bệnh.

Trong những tuần vừa qua, nhiều tiểu bang của Mỹ đã bắt đầu quá trình gỡ phong tỏa, nới lỏng hạn chế kinh doanh, du lịch... Còn giờ, họ đang lo sợ, nhất là khi những cuộc biểu tình quy mô lớn gần như đạp bỏ mọi tiêu chuẩn giãn cách trong thời gian qua. Dù chưa có số liệu chính thức, nhưng ngay chính bản thân George Floyd cũng có dấu vết của Covid-19 trong người theo kết quả khám nghiệm tử thi (không khẳng định nguy cơ lây nhiễm).

Còn tại châu Á, đây là nơi đầu tiên trải nghiệm virus corona chủng mới, nơi đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa, nơi được gỡ phong tỏa sớm nhất. Nhưng thật bi kịch, châu Á giờ đang phải chứng kiến những làn sóng dịch bệnh thứ 2, khi các ổ dịch mới bùng lên ở những nơi bất ngờ nhất.

 - Ảnh 2.

Một phần Bắc Kinh bị phong tỏa vì ổ dịch mới

Ví dụ điển hình nhất phải kể đến Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh. Nhờ sớm ban hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, họ kiểm soát được dịch bệnh sau hơn 2 tháng, sớm gỡ bỏ phong tỏa và đưa mọi thứ trở về đúng quỹ đạo. Rồi ổ dịch mới bùng lên, ban đầu là các tỉnh biên giới giáp với Nga, rồi thành phố Cáp Nhĩ Tân bị phong tỏa hồi tháng 4 vì một ca siêu lây nhiễm. Mới đây nhất là ổ dịch tại chợ đầu mối Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, nghiêm trọng đến mức khiến giới chức phải ban hành "tình trạng thời chiến" khẩn cấp và phong tỏa một thành phố hơn 11 triệu dân như trường hợp của Vũ Hán.

Chỉ sau 5 ngày bùng phát, số trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tăng lên hơn 100 ca. Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ nhận định, đợt dịch lần này "hết sức nghiêm trọng".

Hay như Ấn Độ. Hồi tháng 4/2020, thế giới bất ngờ vì sự thành công của Ấn Độ trong việc ngăn dịch bệnh lây lan, khi đất nước 1,3 tỉ dân chỉ có hơn 30.000 ca nhiễm cùng hơn 1008 trường hợp tử vong. Nhưng hiện tại, Ấn Độ đã vươn lên đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm với con số hơn 344.000, cùng gần 10.000 ca tử vong.

Hàn Quốc cũng là một ví dụ không thể bỏ qua. Bằng những biện pháp kiểm soát đầy quyết liệt, họ dập thành công ổ dịch tại nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở thành phố Daegu. Nhưng giai đoạn yên bình chỉ kéo dài một thời gian ngắn ngủi, trước khi ổ dịch mới ở khu giải trí Itaewon sầm uất của thủ đô Seoul nổ ra, khiến một loạt quán bar, nhà hàng phải đóng cửa, cùng hàng chục ngàn người phải làm xét nghiệm.

Ngay cả với một quốc gia có kinh nghiệm đương đầu với 2 đại dịch nguy hiểm là SARS và MERS như Hàn Quốc, họ cũng liên tục phải chứng kiến các ca nhiễm mới. Vậy nên, chúng ta cần hiểu rằng sẽ luôn có nguy cơ rình rập. Vấn đề là làm cách nào để dự đoán xu hướng, theo dõi và xử lý các ca nhiễm như thế nào.

Cách ly xã hội hoàn toàn có thể quay trở lại

"Đừng bao giờ quá lạc quan," - giáo sư Alistair McGuire, trưởng khoa chính sách y tế tại Trường kinh tế London cảnh báo. "Cách ly, phong tỏa thành công không có nghĩa một khu vực đã an toàn với virus.

Đảo Hokkaido (Nhật Bản) đã phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2, sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Được biết, Hokkaido là một trong những nơi đầu tiên của Nhật Bản ban hành quy định nghiêm ngặt nhất từ cuối tháng 2/2020. Đến giữa tháng 3, số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm xuống chỉ còn 1 - 2 người.

 - Ảnh 3.

Những con số quá khả quan đã giúp giới chức trách gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, cho phép trường học mở cửa. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng sau, tình trạng ấy lại phải tái lập, với làn sóng dịch bệnh bùng phát lần 2. Hiện tại, lệnh phong tỏa lại được nới lỏng, nhưng họ hiểu rằng dịch bệnh quay lại chỉ là vấn đề thời gian, cho đến khi nhân loại tìm ra vaccine.

Những bài học từ các làn sóng dịch bệnh lần 2

Đầu tiên, đó là phải thật cảnh giác với những ca bệnh đến từ nước ngoài. Tại Trung Quốc, làn sóng dịch ở 2 tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang chủ yếu là từ người nước ngoài trở về. Chẳng hạn như trường hợp 8 công dân Trung Quốc trở về từ Nga dương tính với virus, khiến hơn 300 người khác phải cách ly.

Thứ 2 là việc lần vết dịch bệnh. Hồi đầu tháng 2, Hàn Quốc đã phát triển thành công hệ thống xét nghiệm nhanh cho phép thực hiện 10.000 xét nghiệm mỗi ngày, đồng thời áp dụng hệ thống công nghệ GPS và ứng dụng điện thoại để theo dõi các ca lây nhiễm, nhằm nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới. Như khi các ca nhiễm mới bùng lên vào ngày 12/5, Hàn Quốc đã có thể nhanh chóng lần vết và tìm ra ổ dịch Itaewon, theo dõi được 90.000 người liên quan.

 - Ảnh 4.

Thứ 3 liên quan đến chuyện xét nghiệm. Cần phải xét nghiệm hơn 1 lần, bởi có nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà không có triệu chứng.

Và thứ 4, đó là sẽ không có giải pháp nào vẹn toàn cả, nếu không có sự hợp tác của cộng đồng. "Không có bất kỳ biện pháp nào cho giải quyết được mọi vấn đề," - trích lời tiến sĩ Naoko Ishikawa từ WHO. "Không thể chỉ dựa vào xét nghiệm, hoặc cách ly xã hội. Các quốc gia đã phải kết hợp nhiều phương pháp, với sự hợp tác từ cộng đồng."

"Miễn dịch cộng đồng hiện tại là không thể. Cho đến khi có vaccine, tất cả chúng ta đều gặp rủi ro."

Vậy nên, xin đừng chủ quan. Hãy tự bảo vệ, không chỉ vì cộng đồng mà còn cho chính bản thân mình.

Nguồn: BBC, Forbes

Chia sẻ