Thay vì an ủi vô nghĩa "Đừng lo", hãy tập nói những điều sau để đồng nghiệp thực sự cảm thấy được vỗ về

Quiry,
Chia sẻ

"Đừng lo" chính xác là lời an ủi vô nghĩa, vô vị, vô duyên và vô tác dụng với bất cứ ai.

Có một thực tế hơi phũ phàng là 99% các lời khuyên đều không có tác dụng lắm. Đơn giản bởi chúng ta thường đứng từ góc độ của mình mà đưa ra ý kiến đối với người khác. Lời khuyên có sức mạnh là lời khuyên xuất phát từ chính hoàn cảnh của đối phương.

Trong môi trường công sở, chẳng khó để chúng ta có thể nghe những băn khoăn, những áp lực, lời than vãn và nỗi lo sợ của đồng nghiệp. Ví dụ như "Bạn ơi tôi rất lo về việc không hoàn thành KPI", "Bạn ơi tôi rất lo về cân bằng công việc và cuộc sống", "Bạn ơi tôi rất lo về mối quan hệ của sếp và mình"...

Khi ấy, nếu bạn đưa ra lời an ủi "Đừng lo, mọi chuyện không quá quan trọng đâu, rồi sẽ ổn mà!" thì thật là mâu thuẫn. Tất cả những điều than vãn suy cho cùng chính là mục tiêu mà chúng ta muốn phấn đấu. Vậy mà bạn lại làm giảm mức độ của nó đi và nói với họ rằng những thứ ấy không đáng để bận tâm lắm. Điều này vô hình trung khiến cho đồng nghiệp của bạn càng rơi vào cơn khủng hoảng hơn đó.

Vậy làm thế nào để an ủi và giúp đỡ đồng nghiệp đúng cách nhất?

1. Nếu bạn thực sự muốn giúp giảm bớt căng thẳng, hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận những lo lắng của đồng nghiệp

Những nỗi lo cơm áo gạo tiền, danh vọng sự nghiệp, tình cảm, mối quan hệ... là những khủng hoảng chung của bất cứ ai. Bạn có thể bắt đầu hỏi đồng nghiệp của mình thay vì gạt hết chúng đi. Ví dụ như "Vì sao bạn lại lo lắng về nó?", hay "Vì sao bạn lại phân vân vì quyết định này?"...

Thay vì an ủi vô nghĩa "Đừng lo", hãy tập nói những điều sau để đồng nghiệp cảm thấy được vỗ về - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Bằng cách lắng nghe, chúng ta có thể thấu cảm hơn với họ và xóa bỏ đi những hiểu nhầm. Từ đó lời khuyên của chúng ta sẽ hữu dụng hơn. Có thể là đồng nghiệp đang hiểu sai về mức độ của sự lo lắng. Có thể họ chưa nhận ra những điều tốt đẹp mà các phương án họ bỏ qua sẽ đem lại. Khi bạn khám phá và hiểu những lo lắng của ai đó, bạn có thể bắt đầu giải quyết chúng.

2. Khám phá các lựa chọn của đồng nghiệp qua việc hiểu mối quan tâm thực sự của họ

Cách duy nhất để giúp đỡ đồng nghiệp là ngồi xuống và xem xét các vướng mắc/sự lựa chọn của họ. Bạn nên nói cho họ nghe một cách khách quan về chi phí cơ hội của các lựa chọn. Mỗi sự lựa chọn có ưu điểm, nhược điểm gì. Và cả điểm mạnh, điểm yếu của bản thân họ trước hằng hà sa số các sự chọn lựa. Rồi cùng họ phân tích để nhằm gỡ rối những nỗi lo, đồng thời thúc đẩy sự lựa chọn của họ đúng đắn hơn.

Thay vì an ủi vô nghĩa "Đừng lo", hãy tập nói những điều sau để đồng nghiệp cảm thấy được vỗ về - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

3. Sau khi các lựa chọn được đưa ra, hãy cho họ sự hỗ trợ

Khi biết được nỗi lo lắng của đồng nghiệp thực sự nằm ở đâu, bạn hẳn là sẽ biết thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ và giúp đỡ họ. Từ những nguồn thông tin mà bạn biết, từ những mối quan hệ mà bạn quen, hãy cố gắng vận dụng tài nguyên chính bản thân mình để giúp đỡ đồng nghiệp hết sức. Vừa là cách để tăng niềm tin của họ vào bạn, vừa là để kéo đồng nghiệp ra khỏi những mớ bòng bong.

Nếu muốn đồng nghiệp thực sự không còn lo lắng, hãy thấu cảm và vận dụng sức mạnh nội tại của bản thân mình nhé!

Theo Business Insider

Chia sẻ