Thầy giáo bày cách giành 9, 10 điểm môn Sinh học thi tốt nghiệp THPT

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Còn hơn 1 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức bắt đầu. Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh Covid-19.

Thầy giáo Ths. Phạm Ngọc Hà - trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ đã “mách nước” cho thí sinh cách "kiếm điểm" tối đa môn Sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Sinh học gồm 40 câu với thời gian 50 phút. Trong đó sẽ có khoảng 10 câu đếm số nhận định đúng nên thực tế thí sinh phải rất nhuần nhuyễn kĩ năng tính toán, nắm chắc lí thuyết mới có khả năng đạt trên 9 điểm.

Thầy Phạm Ngọc Hà cho biết, bài thi trắc nghiệm khách quan thực chất là một cuộc thi phân bổ thời gian của thí sinh.

“Nếu quá đam mê câu khó, chủ quan với câu dễ thì khả năng đạt 9, 10 điểm của thí sinh là không cao. Thực tế cho thấy nhiều thí sinh học rất tốt nhưng điểm bài thi lại không được như ý muốn”, Thạc sĩ Phạm Ngọc Hà cho hay.

Thầy giáo bày cách giành 9, 10 điểm môn Sinh học thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Hà- THPT Chuyên Nguyễn Huệ

Sau đây thầy Hà sẽ gợi ý một số phương pháp làm bài thi giúp các em đạt được điểm cao nhất trong khả năng có thể, đôi khi nó cũng là một số mẹo, kinh nghiệm của các thế hệ thí sinh đi trước để lại.

1. Muốn đạt điểm cao phải đúng 100% các câu lí thuyết. Đây là điều kiện quan trọng nhất vì hiểu lí thuyết thì dễ nhưng lựa chọn đáp án thì không đơn giản một chút nào.

Những câu sai gây thất vọng nhất cho thí sinh lại chính là các câu lí thuyết. Các bạn nên nhớ một câu bài tập giải mất 10 phút có số điểm bằng một câu lí thuyết làm trong 15 giây. Bạn chỉ nên làm bài tập khó sau khi đã biết chắc chắn mình không còn sai câu lí thuyết nào. Có rất nhiều mẹo để làm đúng lí thuyết, ví dụ khi nói về học thuyết Đác-Uyn thì không bao giờ có các khái niệm: "đột biến”, “kiểu hình”, “kiểu gen”,… như câu sau:

Câu 1: Để giải thích tai thỏ dài, quan niệm nào sau đây là của Đác-Uyn:

A.Thỏ có bản năng tự vệ yếu đuối, khi ăn cỏ chúng phải vươn tai lên để nghe ngóng phát hiện địch thủ từ xa do đó tai chúng ngày càng dài ra, biến dị này được di truyền cho các thế hệ sau tạo thành thỏ tai dài.

B.Thỏ lúc đầu tai chưa dài, trong quá trình sinh sản phát sinh nhiều biến dị cá thể: Tai ngắn, tai vừa, tai dài. Khi có động vật ăn thịt xuất hiện trên môi trường thì thỏ tai dài phát hiện sớm và thoát hiểm, còn thỏ tai ngắn và tai vừa phát hiện muộn, số con cháu giảm dần rồi bị đào thải. Thỏ tai dài tiếp tục sinh sản, di truyền củng cố biến dị tạo thành loài thỏ tai dài.

C. Thỏ lúc đầu tai chưa dài, trong quá trình sinh sản đột biến gen qui định tính trạng tai dài xảy ra. Đột biến ở trạng thái lặn nên không được biểu hiện ngay ra kiểu hình mà chỉ được phát tán chậm chạp trong quần thể qua giao phối. Chỉ qua rất nhiều thế hệ sau, các cá thể dị hợp mới có khả năng gặp gỡ nhau quá trình giao phối tạo điều kiện cho đột biến gen lặn ở trạng thái đồng hợp và biểu hiện ra kiểu hình thành thỏ tai dài chịu tác động của chọn lọc tự nhiên. Khi có động vật ăn thịt xuất hiện thì kiểu gen lặn có lợi cho thỏ và được giữ lại tạo thành loài thỏ tai dài.

D. Cả 2 câu B và C.

Đây là câu hỏi khá dài, nếu chúng ta làm theo biện pháp thông thường sẽ mất thời gian. Các em chú ý quan sát đáp án B có từ “đột biến gen” nên đây không phải là quan niệm của Đác-Uyn. Vậy đáp án C, D bị loại. Chúng ta chỉ còn lựa chọn giữa A và B, với kiến thức cơ bản chắc chắn các bạn sẽ chọn B. Với một chút mẹo thôi là chúng ta đã biến một câu hỏi phức tạp thành một câu đơn giản. Còn rất nhiều mẹo làm như vậy các bạn có thể tìm hiểu thêm từ các giáo viên giảng dạy của mình.

Thầy giáo bày cách giành 9, 10 điểm môn Sinh học thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

2. Khi làm bài tập hãy tận dụng tối đa thông tin của bài trắc nghiệm để khoanh vùng trường hợp xảy ra, đừng mất sức giải bài tập chi tiết khi mà đáp án A, B, C, D không hỏi bạn điều đó, ví dụ:

Câu 2: Ở một loài thực vật, alen A quy định thân cao trội hoàn toàn so với alen a quy định thân thấp; alen B quy định hoa đỏ trội hoàn toàn so với alen b quy định hoa trắng; alen D quy định quả tròn trội hoàn toàn so với alen d quy định quả dài. Cho cây thân cao, hoa đỏ, quả tròn (P) tự thụ phấn, thu được F1 gồm 301 cây thân cao, hoa đỏ, quả dài; 900 cây thân cao, hoa đỏ, quả tròn; 301 cây thân thấp, hoa trắng, quả tròn; 100 cây thân thấp, hoa trắng, quả dài. Biết rằng không xảy ra đột biến, kiểu gen của (P) là:

A. Dd B. C. D.

Bình thường chúng ta sẽ phải giải bài tập này theo một trình tự nhất định để tìm ra qui luật di truyền nhưng ta thấy tỉ lệ phân li là 9:3:3:1= (3:1)(3:1) nên có một cặp liên kết gen theo kiểu dị đều. Và ta nhận ra thân cao luôn đi với hoa đỏ, thân thấp luôn đi với hoa trắng chứng tỏ hai cặp tính trạng này di truyền liên kết. Đáp án đúng là đáp án A. Với kinh nghiệm đó khi gặp dạng bài này, thấy số 9 ta sẽ chọn cặp di đều, số 6 ta sẽ chọn cặp dị chéo. Thời gian làm bài sẽ giảm đi rất nhiều.

3. Trong bài thi sẽ có 4 đến 6 câu rất khó, để làm được sẽ ta mất trên 30 phút, các em hãy cân nhắc khi quyết định làm chúng hay là kiểm tra chắc chắn các câu đã làm được. Các em hãy kiểm tra lại 34 câu đã làm, chỉ mất vài phút thôi nhưng sẽ quyết định sự thành bại. Khi có 8,5 điểm trong tay dù có khoanh bừa 6 câu kia thì cơ hội đạt 9 điểm của các em là rất cao. Nếu quyết chiến 6 câu cuối số câu đúng may mắn lắm chỉ đủ bù cho số câu sai trước đó. Các em nhớ nhé khi nào có đủ 8,5 điểm rồi hãy làm nốt các câu khó.

4. Môn Sinh học là bài thi thứ 3 trong tổ hợp KHTN, các em sẽ rất mệt mỏi và căng thẳng. Bình tĩnh, phân bổ thời gian hợp lí giữa câu dễ và khó, giữa lí thuyết và bài tập là yếu tố quyết định sự thành công. Mặc dù là bài thi Sinh nhưng yếu tố Toán học là không hề nhỏ vì vậy hãy rèn luyện kĩ năng toán xác suất thật chắc chắn.

"Đừng bao giờ trông chờ vào sự may rủi của con số 25%, hãy tự tin quyết định chiến thắng của mình", thầy Hà nhắc nhở thí sinh.

Chia sẻ