Thấy con tăng cân trong những ngày nghỉ ở nhà phòng dịch, đừng vội mừng, hãy chú ý đến các biểu hiện này để đảm bảo trẻ không ‘béo bệnh’
Theo các chuyên gia, việc trẻ ở nhà nhiều, ít vận động, ngồi xem tivi, điện thoại quá lâu cũng là nguy cơ dẫn đến trẻ dễ bị thừa cân, béo phì. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm sau này như: Tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao…
Tăng cân vù vù trong những ngày ở nhà phòng dịch
Từ Tết đến thời điểm hiện tại, bé Bảo Nam (5 tuổi), con trai chị Trúc (ở Hà Đông, Hà Nội) tăng liền 7kg và vẫn đang trên đà tăng tiếp dù vợ chồng chị đã chủ động hạn chế cho con ăn những đồ ăn vặt như bim bim và uống nước ngọt.
Theo lời người phụ nữ này, khi nghỉ Tết, con trai chị ở mức cân bình thường (18kg) và nhanh nhẹn, hoạt bát. Ra Tết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bé được nghỉ học ở nhà. Đây cũng là thời điểm, chị thấy con mình bắt đầu nhỉnh dần từng ngày.
"Vợ chồng tôi đi làm từ sáng đến tối còn bé ở nhà với ông bà. Khoảng tháng đầu, khi thấy con béo lên, chúng tôi cũng mừng vì nghĩ đơn giản là ở nhà ông bà chăm tốt, bé ăn được nhiều nên lên cân. Béo lên cho khỏe.
Tuy nhiên, dần dần, tôi thấy con chỉ to bề ngang mà không phát triển chiều cao, con lại có phần chậm chạp hơn nên tôi đâm lo nhưng ngại dịch bệnh nên cũng tặc lưỡi bỏ qua không cho con đi khám.
Vài ngày trước, tình cờ xem một chương trình giao lưu trực tuyến về dinh dưỡng cho bé, tôi có đặt câu hỏi về tình trạng của con thì được chuyên gia cho biết, con trai tôi đang ở diện thừa cân, nếu tiếp tục tăng cân nhanh sẽ bị béo phì. Nếu không "hãm" được, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy xấu về sức khỏe của con", chị Trúc chia sẻ.
Nhiều trẻ bị thừa cân, béo phì vì ăn uống mất cân đối, lười vận động trong những ngày ở nhà phòng dịch. Ảnh minh họa
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thời điểm hiện tại, học sinh cả nước vẫn đang được nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch bệnh. Khi ở nhà, nhiều trẻ sẽ có thói quen ăn nhiều bim bim, bánh kẹo, thức ăn nhanh và uống nước ngọt.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc trẻ ăn, uống quá nhiều đường ngọt dễ làm tăng sinh virus, vi khuẩn. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, điều này khiến trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch và dễ bị các tác nhân xấu tấn công, gây bệnh.
Cùng với đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, việc trẻ ở nhà nhiều, ăn uống mất cân đối, ít vận động, ngồi xem tivi, điện thoại quá lâu cũng là nguy cơ khiến trẻ dễ bị thừa cân, béo phì. Điều này thực sự là vấn đề bố mẹ cần quan tâm khi béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm sau này như: Tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao…
Vị chuyên gia này lưu ý, dấu hiệu dễ nhận thấy ở trẻ bị thừa cân, béo phì là việc gia tăng nhanh trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi... (có thể xuất hiện các vết nứt rạn trên da trẻ). Bên cạnh đó, khi quan sát kỹ sẽ thấy trẻ "ì ạch", phản xạ kém và chậm chạp hơn so với thông thường, dễ vấp ngã đồng thời có xu hướng ngày càng lười vận động, giao tiếp với mọi người xung quanh.
Do đó, nếu thấy con tăng cân nhanh và có những dấu hiệu trên, bố mẹ nên đưa con đi khám dinh dưỡng để được thăm khám và tư vấn chế độ ăn lành mạnh, hạn chế nguy cơ gia tăng béo phì, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Chế độ ăn cho trẻ thừa cân, béo phì
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, đối với các gia đình có con đang trong giai đoạn thừa cân, thậm chí béo phì, điều quan trọng phải nhớ là cần hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh kẹo, đường ngọt và nước uống có gas. Trong những ngày trẻ ở nhà liên tục, bố mẹ không nên dự trữ sẵn các loại thực phẩm trên trong tủ lạnh hay những chỗ mà trẻ dễ dàng có thể lấy ra sử dụng.
Mỗi ngày, bố mẹ nên cân đối khẩu phần ăn cho trẻ, nên kết hợp đa dạng các loại thức ăn, tránh ăn nhiều một loại thực phẩm nào đó. Bên cạnh đó, khi chế biến món ăn, nên hạn chế các món chiên, xào nhiều dầu mỡ mà nên thay bằng các món luộc, hấp...
Bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng ngô, khoai - những thực phẩm giàu chất xơ. Nên ăn nhiều vào bữa sáng, giảm ăn vào chiều và tối. Không để trẻ bỏ bữa, dẫn đến đói và có xu hướng ăn bù vào các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.
Ngoài ra, thường xuyên vận động để nâng cao sức khỏe, tránh ngồi một chỗ, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì trầm trọng hơn.
Trẻ ở nhà phòng dịch, bố mẹ nên làm gì?
Các chuyên gia khuyến cáo, cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ đồng thời khuyến khích trẻ tập luyện đều đặn hàng ngày để nâng cao sức khỏe. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh hiện nay khi trẻ nhỏ thường xuyên ở nhà để phòng ngừa dịch bệnh, để hạn chế nguy cơ bị thừa cân, béo phì cũng như giúp trẻ khỏe mạnh hơn, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, bữa ăn của trẻ luôn phải đa dạng, đủ chất dinh dưỡng, trong đó, nên tăng cường rau xanh, trái cây, hạn chế các đồ ăn nhanh, nước ngọt có gas, bánh kẹo ngọt… Hàng ngày, nên đảm bảo cho trẻ khoảng 400-500 ml sữa để tăng cường canxi, protein để nâng cao miễn dịch.
Cùng với đó, gia đình cần dạy trẻ tuân thủ việc rửa tay thường xuyên với xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh để bàn tay luôn sạch sẽ, loại bỏ các virus, vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, với những trẻ lớn, cần có chế độ sinh hoạt điều độ, vận động thường xuyên để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.
Về vấn đề tập luyện, theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, trong những ngày ở nhà, bố mẹ không nên cho con ngồi một chỗ trên 120 phút/ngày vì cơ thể của trẻ sẽ trở nên trì trệ. Thay vào đó, bố mẹ cần khuyến khích trẻ vận động và tập thể thao để phát triển ở khối cơ, xương và tầm vóc. Trẻ cần duy trì tập thể thao thường xuyên tối thiểu 2 - 3 lần/tuần. Trong thời điểm hiện nay, với các khuyến cáo từ Bộ Y tế, trẻ em có thể tập thể thao tại nhà với các môn như yoga, aerobic...
Bố mẹ có thể cung cấp những đồ chơi giúp phát triển kỹ năng sáng tạo; khuyến khích trẻ tham gia những công việc nhà cùng mẹ như nhặt rau, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo, thậm chí có thể tham gia chế biến một số món ăn cho cả gia đình cũng giúp các em hứng thú hơn với việc ở nhà.
Lưu ý, để duy trì trong một thời gian dài và có nề nếp, bố mẹ nên cùng con lên kế hoạch, lịch hoạt động cụ thể từng ngày và kiểm tra việc thực hiện vào cuối ngày để thành thói quen về sau.
Trong bối cảnh hiện nay, bố mẹ nên cho các cháu lớn uống 1 ống vitamin D liều cao, kèm theo 1 viên đa vi chất dinh dưỡng. Viên đa vi chất dinh dưỡng có thể dùng hàng ngày nhưng vitamin D thì 5-6 tháng uống 1 lần. Với các cháu nhỏ, bố mẹ có thể sử dụng các chế phẩm vitamin D kèm theo vi chất dinh dưỡng dạng gói, dạng siro để giúp nâng cao miễn dịch, phòng ngừa dịch bệnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia