Thật khó tin, nhưng những thứ này trong cơ thể mẹ bầu cũng bị dịch chuyển khi mang thai

Phương Nguyễn,
Chia sẻ

Những thay đổi của cơ thể khi mang thai không chỉ xuất hiện ở vóc dáng bên ngoài mà các bộ phận bên trong cơ thể cũng có những thay đổi đáng kể để thích nghi với em bé đang lớn dần mỗi ngày.

Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi. Điều này là cần thiết để thích nghi với sự phát triển của thai nhi đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ sinh em bé. Thay đổi của cơ thể khi mang thai không chỉ xuất hiện ở vóc dáng bên ngoài mà các cơ quan, bộ phận bên trong cơ thể cũng có những biến đổi đáng kể và không phải mẹ nào cũng biết. Điển hình đó là những thay đổi ở hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, các tuyến nội tiết, bụng, ngực, xương khớp…

Thật khó tin, nhưng những thứ này trong cơ thể mẹ bầu cũng bị dịch chuyển khi mang thai - Ảnh 1.

Đối với hệ hô hấp, mẹ bầu sẽ có hiện tượng thở nhanh hơn, đôi lúc bị hụt hơi do quá trình tăng cường trao đổi khí để đáp ứng nhu cầu oxy tăng lên trong thai kì. Trong thời gian có thai, hệ tim mạch của mẹ bầu cũng có những thay đổi lưu lượng máu tăng lên đáng kể, các mạch máu giãn ra, áp lực do tử cung ngày càng lớn khiến cho việc đưa máu về tim ít và chậm hơn. Tam cá nguyệt thứ 2, một số mẹ còn bị hạ huyết áp.

Thật khó tin, nhưng những thứ này trong cơ thể mẹ bầu cũng bị dịch chuyển khi mang thai - Ảnh 2.

Khi tử cung phát triển lớn dần, nó sẽ nhô ra khỏi khung xương chậu và khiến cho dạ dày, ruột và các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa phải di chuyển khỏi vị trí cũ. Hormone Progesterone tăng làm giảm trương lực của cơ vòng thực quản dưới, gây ra một số triệu chứng khó chịu về dạ dày như trào ngược dạ dày, ợ nóng, ợ chua.

Thật khó tin, nhưng những thứ này trong cơ thể mẹ bầu cũng bị dịch chuyển khi mang thai - Ảnh 3.

Hormone estrogen và progesterone tăng trong thai kì khiến cho bầu ngực to và mềm hơn. Càng gần đến ngày sinh, bầu ngực càng tăng kích cỡ nhằm chuẩn bị sẵn sàng để tiết sữa cho bé bú. Núm vú, quần vú cũng phát triển to hơn. Và bắt đầu bước vào tam cá nguyệt thứ 3, mẹ sẽ thấy sữa non bắt đầu xuất hiện, có màu vàng, đặc dính. Các loại hormone trong thai kì thay đổi và khiến cho nhau thai trở thành tuyến nội tiết tạm thời trong thai kì, giúp cho tử cung phát triển lớn dần lên, duy trì hoạt động và chịu trách nhiệm tạo ra những thay đổi khác trong cơ thể.

Sự gia tăng hormone và các hoạt động trao đổi chất khiến mẹ bầu cảm thấy nóng bức, thậm chí như "bốc hỏa" trong suốt thai kì. Từ tháng thứ 3-4, bụng mẹ sẽ bắt đầu phình to. Đến cuối tháng thứ 6, đỉnh tử cung sẽ chạm gần đến khung xương sườn khiến cho mẹ bầu cảm thấy đau nhức một bên bụng hoặc cả hai bên vì thành bụng và dây chằng bị kéo căng để đỡ tử cung.

Thật khó tin, nhưng những thứ này trong cơ thể mẹ bầu cũng bị dịch chuyển khi mang thai - Ảnh 4.

Do tử cung ngày một lớn dần nên tạo ra lực ép lên bàng quang, niệu đạo và các cơ sàn chậu, gây ra một số hiện tượng cho mẹ bầu như tiểu nhiều, tiểu són mỗi khi hắt hơi, ho hoặc cười lớn. Thận cũng phải làm việc vất vả hơn để bài tiết các chất thải của cả mẹ và thai nhi.

Xương cột sống thay đổi độ cong, ưỡn ra như hình cánh cung để đảm bảo giữ thăng bằng cho cơ thể, khiến cho phần hông mở rộng ra hai bên tạo nên dáng đi đặc trưng của các mẹ bầu trong những tháng cuối thai kì. Các dây chằng nối tử cung và xương chậu bắt đầu dãn ra để chuẩn bị cho em bé chào đời cũng khiến những cơn đau lưng và háng thêm trầm trọng.

Đối với làn da, rất nhiều mẹ bầu phải trải qua sự xuất hiện các vết rạn ở bắp chân, mông, bụng, ngực do da bị kéo căng hơn vào nửa cuối thai kì, da trở nên sậm màu ở vùng bụng, núm vú, mặt, nách do sự thay đổi hormone trong khi mang thai, tính mạch mạng nhện, gân nổi chằng chịt trên da. Các hormone thay đổi cũng dẫn khiến cho tóc và móng thay đổi kết cấu. Hiện tượng chuột rút cũng xuất hiện thường xuyên do chân phải phải chịu sức nặng của cơ thể, sức ép của các mạch máu, thiếu canxi, magie và sự biến động hormone trong suốt thai kì.

Trọng lượng của mẹ bầu thay đổi đáng kể trong suốt hành trình mang thai, tổng trọng lượng có thể tăng từ 12-17kg. Mẹ bầu cần lưu ý giữ gìn sức khỏe và lựa chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý để vẫn bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé mà không bị tăng cân quá nhiều.

Nguồn: Healthline

Chia sẻ