Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng "rắn thành tinh"?

Min,
Chia sẻ

Nguyễn Trãi và hơn 400 người trong gia tộc bị giết, vợ ông còn bị dìm chết dưới đáy sông Hồng - vụ án Lệ Chi Viên có thể nói là thảm án gây chấn động trong lịch sử Việt Nam phong kiến, mà đến nay, đã hơn 5 thế kỷ trôi qua, sự thật vẫn còn bỏ ngỏ.

Nguyễn Trãi và hơn 400 người trong gia tộc bị giết, vợ ông còn bị dìm chết dưới đáy sông Hồng - vụ án Lệ Chi Viên có thể nói là thảm án gây chấn động trong lịch sử Việt Nam phong kiến, mà đến nay, đã hơn 5 thế kỷ trôi qua mà nó vẫn còn là một đề tài còn bỏ ngỏ trong giới sử học. Thậm chí nó còn là nỗi đau day dứt về mối oan ngàn đời của một gia tộc bị tru di vì tội danh mưu sát vua thực thực giả giả?

Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng rắn thành tinh? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Tóm tắt vụ án Lệ chi viên khiến gia tộc Nguyễn Trãi bị giết 400 người

Vụ án Lệ Chi Viên hay còn gọi "vụ án vườn vải", là một vụ án oan nổi tiếng thời Lê Sơ. Qua vụ án này, Đại công thần Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã bị triều đình Lê Sơ kết tội giết vua Lê Thái Tông. Bản án cho tội lỗi tày trời này chém đầu đến 3 họ nhà Nguyễn Trãi. Riêng vợ ông, bà Nguyễn Thị Lộ lại bị nhốt vào rọ, dìm chết ở Sông Hồng.

Lật lại vụ án, có rất nhiều sử liệu chép lại rằng, tháng 7 âm lịch, vua Lê Thái Tông tuần hành phía đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Sau đó, vua được Đại công thần Nguyễn Trãi mời đến chơi chùa núi Côn Sơn - nơi ở của Nguyễn Trãi. Tại đây, Lê Thái Tông thấy Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ của Nguyễn Trãi, có tài văn hay chữ tốt, lại hiền thục dịu dàng dù đã bước sang tuổi tứ tuần, nên phong bà làm Lễ nghi học sĩ với trách nhiệm chuyên dạy dỗ các cung nữ trong cung.

Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng rắn thành tinh? - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Sau đó, Vua Lê Thái Tông quay về kinh thành, mang theo cả Nguyễn Thị Lộ. Về đến Lệ Chi Viên, thuộc huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), vua và đoàn tùy tùng nghỉ qua đêm tại đây. Đêm đó, vua Lê Thái Tông được cho là phát chứng sốt rét, Nguyễn Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhưng không qua khỏi, nhà vua mất.

Trăm quan giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về kinh đô, ngày 6 tháng 8 âm lịch về tới mới phát tang. Ngay lập tức, đưa thái tử Bang Cơ khi đó mới 2 tuổi lên nối ngôi (tức là Lê Nhân Tông). Rồi quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, bắt dìm chết ở Sông Hồng. Thậm chí, triều đình còn cho bắt và giết Nguyễn Trãi, tru di tam tộc, tổng cộng xấp xỉ 400 người đã bỏ mạng sau thảm án.

Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng rắn thành tinh? - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Nỗi oan ngàn đời của nữ học sĩ tài danh chỉ vì mưu đồ của một phi tần?

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục viết, vua Lê Thái Tông chết là do phát bệnh, đây là một vụ án đầy oan khuất cho vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và 400 trăm người trong họ tộc của ông. Nhưng trái lại, sách Lịch triều hiến chương loại chí lại cho rằng, chính tay Nguyễn Thị Lộ đã đầu độc giết vua. Vậy đâu mới là sự thật?

Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng rắn thành tinh? - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Câu trả lời cho câu hỏi này đến tận ngày nay vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ trong giới sử học Việt Nam, và cũng đã từng gây ra không ít tranh cãi. Dù cho sau vụ án đó vài thập kỷ, thậm chí Lê Nhân Tông - con trai vua Lê Thái Tông đã lên tiếng đính chính cho rằng Nguyễn Trãi bị oan, sau khi đọc sách Dư địa chí do đại công thần này viết và đã có hành động ban chiếu minh oan. Nhưng sách cũng hoàn toàn không đề cập gì tới Nguyễn Thị Lộ, vậy liệu có phải vị vua này đã ngấm ngầm đồng ý với việc chính Nguyễn Thị Lộ đã giết chết tiên đế hay không?

Vẫn còn một giả thuyết khác, cho rằng, người lập ra âm mưu giết vua này không ai khác chính là Nguyễn Thị Anh - một phi tần của vua Lê Thái Tông và là mẹ ruột của Thái tử Ban Cơ, tức là vua Lê Nhân Tông sau này. Bởi lẽ, sử liệu cho rằng vợ chồng Nguyễn Trãi hay bảo vệ bà Lê Thị Ngọc Dao - một phi tần khác của Lê Thái Tông, cũng như đứa con trong bụng Ngọc Dao - người mà bà Nguyễn Thị Anh lo ngại sẽ đe dọa đến ngôi vị của con trai mình.

Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng rắn thành tinh? - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Trong lúc đó, lời đồn đại về danh tính thật sự của Thái tử Bang Cơ ngày càng nhiều. Người ta cho rằng Bang Cơ không phải con ruột của Lê Thái Tông vì bà Nguyễn Thị Anh đã có mang với người đàn ông khác trước khi vào cung. Thế là, nhân lúc Bang Cơ vẫn còn tại vị Thái tử, bà Nguyễn Thị Anh liền lập mưu giết vua, cùng với đó là giết luôn cả vợ chồng Nguyễn Trãi, như một mũi tên trúng hai con nhạn. Vua chết, Bang Cơ nghiễm nhiên theo di chiếu mà lên ngôi, lấy hiệu Lê Nhân Tông. Nhưng thật ra người nắm quyền hành chính lúc bấy giờ là Nguyễn Thị Anh, bởi Bang Cơ khi ấy chỉ mới có 2 tuổi.

Về sau này, khi Bang Cơ lớn, ông nhận ra Nguyễn Trãi và gia tộc bị giết oan nên đã lập chiếu minh oan. Còn về phần Nguyễn Thị Lộ, ông lại không nói gì. Phải chăng, nếu nói ra bà Thị Lộ cũng bị oan, thì tức là vua cha bị giết bởi một thế lực khác, vụ án sẽ tiếp tục là một ẩn số, và ai mới là người giết vua thực sự?

Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng rắn thành tinh? - Ảnh 6.

(Ảnh minh họa)

Giai thoại con rắn thành tinh gán tiếng xấu cho một nữ học sĩ suốt hơn 5 thế kỷ qua? 

Và để tăng thêm tính huyền sử nhằm củng cố giả thuyết nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ là người mưu sát vua, thậm chí đã có một giai thoại ra đời. Giai thoại kể rằng một hôm ông Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi) nằm mộng thấy 1 người đàn bà dẫn bầy con nhỏ đến xin ông hãy khoan đuổi mẹ con họ đi, hãy thư thả cho ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dời nhà, ông nhận lời. Hôm sau, tỉnh dậy, giấc mộng khó hiểu ấy ông đã sớm bỏ ra khỏi đầu. Đến khi học trò của ông phát cỏ đập chết 1 bầy rắn con, lúc ấy ông mới hiểu ra ý nghĩa của giấc mộng, nhưng muộn rồi.

Thảm án Lệ Chi Viên: 1 ông vua băng hà, gia tộc 400 người bị tru di và nỗi đau của một nữ học sĩ mang tiếng rắn thành tinh? - Ảnh 7.

Tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại khu di tích lịch sử văn hóa Lệ Chi Viên (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Đêm đó khi ông ngồi đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà, nhỏ xuống 1 giọt máu thấm ngay chữ "tộc" qua 3 lớp giấy, ứng với việc gia tộc của ông bị hại đến 3 họ. Ngày sau con rắn mẹ hóa kiếp là nàng Thị Lộ để làm hại 3 họ nhà ông. Đến đời Nguyễn, trong Lịch triều hiến chương loại chí lại có thêm chi tiết: Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ, nàng sinh ra dưới sườn có vảy…

Mặc dù câu chuyện được truyền tụng, nhưng nhiều người tin rằng nó chỉ nhằm đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ, giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Thái Tông và Nguyễn Trãi chứ không phải từ một thế lực nào khác. Tóm lại, mọi mũi dùi dường như chỉ hướng về bà Nguyễn Thị Lộ, trong khi đến tận ngày nay, ngay cả một lý do thực tế để bà Lộ ra tay giết vua cũng không được ai tìm ra.

(Nguồn: Nghiên cứu sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí)

Chia sẻ