Thai dị tật - lựa chọn nghiệt ngã

,
Chia sẻ

Chúng ta, những người ngoài cuộc, đừng vội lên án người bỏ thai là lạnh lùng, vô cảm hay kết tội người giữ lại thai là mù quáng, thiếu kiến thức. Hãy tôn trọng quyết định của họ.

Có nhiều phương tiện quan sát thai từ rất sớm, khả năng của bác sĩ siêu âm cũng ngày càng nâng cao, nhiều xét nghiệm có khả năng khảo sát dị tật thai; người dân cũng thông hiểu, theo dõi sức khoẻ thai thường xuyên hơn… Những điều này đã giúp chẩn đoán tình trạng dị tật thai từ rất sớm, trong 3 - 5 tháng đầu.

Siêu âm không phải mắt thần

Máy siêu âm, phương tiện được xem rất hiệu quả trong chẩn đoán dị tật thai, thật ra cũng chỉ chính xác đến 70 - 80% và không phải mắt thần có thể thấy được mọi dị tật trên thai. Có những nội tạng của thai nhi khá nhỏ không thể nào nhìn thấy qua siêu âm. Có những bất thường hình thành muộn trong những tháng cuối mới phát hiện ra, đó cũng là lý do tại sao khám thai và siêu âm rất thường nhưng lại không phát hiện được. Ngoài ra, những bất thường về chức năng hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể cũng không dễ phát hiện.

Hiệu quả các xét nghiệm khác

Xét nghiệm sàng lọc: hiện làm nhiều tại các thành phố lớn là sàng lọc xem thai có hội chứng down không. Xét nghiệm này chỉ cho biết thai có nhiều hay ít nguy cơ bị bệnh. Khi xét nghiệm dương tính có nghĩa nhiều nguy cơ và ngược lại. Thường kết quả sẽ cho ra một phân số, ví dụ 1/150 có nghĩa là khả năng bệnh là 1 trong 150 trường hợp hay 1/50 nghĩa là khả năng bệnh 1 trong 50 trường hợp.

Sau xét nghiệm sàng lọc, không ai được quyền chẩn đoán thai nhi có bệnh, chỉ là kết luận có ít hay nhiều khả năng bệnh down. Việc cần làm kế tiếp là xét nghiệm chẩn đoán để xem có hay không có bệnh. Độ chính xác của các xét nghiệm sàng lọc đang dùng tại Việt Nam vào khoảng từ 70 đến hơn 80%, tuỳ loại.

Xét nghiệm chẩn đoán: với thai nhi nghi ngờ bệnh down là phải lấy nước ối để xem bộ nhiễm sắc thể. Xét nghiệm này là chẩn đoán cuối cùng, không những cho biết trẻ có bệnh down không mà còn biết thêm được các nhiễm sắc thể còn lại có bình thường không (nếu bệnh down, nhiễm sắc thể thứ 21 có ba thay vì hai chiếc).

Hãy tôn trọng quyết định của họ.

Đến đây sẽ có người thắc mắc, tại sao không làm xét nghiệm chẩn đoán ngay từ đầu mà phải qua sàng lọc chi cho tốn kém này nọ? Xét nghiệm ối, trước hết khá đắt tiền, và không phải ai cũng có khả năng thực hiện. Việc lấy ối có thể gây sẩy thai (dù thai bình thường), tuy có khả năng rất thấp 1/300 – 1/500. Việc làm xét nghiệm ối hàng loạt sẽ gây lãng phí cho xã hội và gia đình, cũng như gia tăng khả năng thai sẩy một cách đáng tiếc. Hơn nữa, thai bệnh down, hay các bệnh lý thai do bất thường nhiễm sắc thể, nằm trong khoảng vài phần trăm trong các thai kỳ, trong đó hơn phân nửa sẽ tự bị sẩy trong những tháng đầu tiên.

Đừng vội lên án người mẹ

Sau khi có kết luận phát hiện có dị tật thai, nhiệm vụ của người bác sĩ theo dõi thai là thông báo cho thai phụ và người nhà về tình hình dị tật, giải đáp những thắc mắc của thai phụ quanh tình trạng dị tật như: nguyên nhân, khả năng sống của thai trong bụng mẹ và khi ra đời, khả năng chữa trị của y tế với dị tật thai, mức độ tàn tật hay khiếm khuyết của trẻ trong đời sống sau này…

Công việc này được xem là khá nặng nề, có khi phải nhờ đến các bác sĩ nhi trong các chuyên khoa liên quan dị tật thai, để mục đích cuối cùng là giúp thai phụ và người nhà hiểu thật rõ tình trạng của em bé, hiểu rõ mình được gì, mất gì trong cả hai quyết định bỏ thai hay giữ thai. Bác sĩ hay chuyên viên y tế khi nói chuyện về dị tật thai không hướng thai phụ vào quyết định bỏ hay giữ thai, mà đây là quyết định của chính thai phụ và gia đình, sau khi đã hiểu rõ tình trạng con mình, cân nhắc tâm tư tình cảm, hoàn cảnh của bản thân.

Cũng giống như một cuộc chơi, khi quyết định theo hướng nào, cũng có một cái giá nhất định phải trả. Có khác chăng là với cuộc chơi, khi chơi thất bại ta có thể chơi lại và dư vị cũng không lâu dài; còn quyết định giữ hay bỏ thai dị tật là quyết định “hạ thủ bất hoàn”, theo hướng nào cũng để lại sự áy náy, hối hận hay dằn vặt cho thai phụ và gia đình. Có lẽ, tốt nhất chúng ta, những người chung quanh thai phụ và gia đình họ, có chuyên môn hay không có chuyên môn, nên giúp cho họ có nhiều thông tin chính xác về nhiều mặt (xã hội, sức khoẻ, tâm lý…) để họ có thể ra quyết định hợp lý nhất, thay vì đứng đó lên án hay kết tội họ.

Theo SGTT
Chia sẻ