Thà lấy vợ hư còn hơn!

Sương Sương,
Chia sẻ

Vì vợ đoảng mà nhiều khi anh rơi vào thế dở khóc dở cười.

Vợ chăm đấy, mỗi tội đoảng

Cưới nhau được vài tháng, mọi người đã thấy “nhan sắc” của anh Quang ngày một xuống dốc trong khi chị Lan thì phơi phới hẳn ra. 

Đi bia bọt cùng lũ bạn, anh mới dốc bầu tâm sự: “Khổ! Thà vợ mình hư một tí, xấu một tí có khi dễ ‘xử’ hơn cái kiểu đoảng này. Cô ấy đoảng một cách 'khủng hoảng' ấy”. 

Theo như lời anh kể, ngày nào mà chị Lan không “đập” vài cái bát là chị không chịu được. Nếu anh mắng mỏ, phàn nàn thì "nhìn cũng tội", mà không nói thì nàng “liên tục phát triển”. Bộ bát đĩa tráng men xuất xứ Pháp xịn nhà anh chị sắm lúc cưới đã ra đi quá nửa.

Anh Quang là người ít nói nhưng cứ khi nào nhìn bộ dạng cô vợ đang lóng ngóng thu dọn hậu trường bát đũa vỡ, hay nàng nhăn nhở cười vì lỡ làm nồi thịt kho cháy tan tành là anh không cầm được lòng. 

Thà lấy vợ hư còn hơn!
"Khổ! Thà vợ mình hư một tí, xấu một tí có khi dễ ‘xử’ hơn cái kiểu đoảng này", anh Quang tâm sự 

Anh cho hay: “Ngày đầu trông cô ấy mới đáng yêu, trong sáng và tiểu thư làm sao. Tôi đưa nàng đi ăn hải sản, nàng chẳng phân biệt được con ngao với con sò, hôm đi ăn cơm, nàng cũng không biết nổi rau này là cải thảo hay cải bắp. Đưa nàng đi ăn phở thì nàng nhìn mì chính thành đường. Vui phải biết, nàng thật dí dỏm. Nhưng cưới nhau xong tôi mới phát hoảng, nàng không đùa mà tất cả do nàng không biết". 

Rồi ngày vợ sinh con, anh thấy không khí trong nhà như có chiến tranh. 1 tháng, 2 tháng... ừ đành rằng chưa hiểu con, chưa biết cách làm mẹ nhưng gần 2 tuổi con bé con nhà anh chị vẫn khóc thét mỗi khi tè dầm hoặc đói quá mà chị vẫn chẳng hay biết gì. 

"Vợ lười đi một nhẽ đằng này vợ chăm chứ, cầu tiến lắm chứ nhưng nàng đoảng quá, nàng chậm chạp không nhanh", anh lắc đầu ngán ngẩm. 

Trong khi chị cứ nhiệt tình chăm sóc bố mẹ chồng thì ông bà nhiệt tình... chê. Mẹ thỏ thẻ với anh: “Vợ con nó cũng tốt đấy mỗi tội đoảng quá, bảo mang thau nước ấm vào để mẹ ngâm chân thì vợ con lại tha ngay một chậu nước 100 độ. May mẹ chưa cho chân vào nước”. 

Nhân ngày sinh nhật mẹ, chị nhấm nhẳng nói với chồng: "Em vừa được thưởng chút tiền, vợ chồng mình biếu mẹ vài triệu nhé. Bởi em cũng chẳng biết mua gì”. 

Anh gật gù nhưng sợ vợ ăn nói không khéo, anh nhận nhiệm vụ biếu mẹ. Thế mà một lúc sau, chị hớt hơ hớt hải nói giọng rất nghiêm trọng với anh: “Chết, em quên bỏ tiền vào phong bì đấy”. Anh đến "bó tay" với cô vợ. 

Chung số phận "vợ đoảng không để đâu cho hết", anh Nam (Yên Ninh, Hà Nội) cũng chán ngán cùng cực. Bước chân ra đường, chị Tâm - vợ anh được rất nhiều người trầm trồ bởi chị có dáng vẻ đài các, gương mặt thanh tú, ăn mặc hợp thời trang. 

Nhưng chỉ có anh mới thấm thía: “Lấy vợ đoảng, thật… khổ”.

Vợ anh rất hay quên. Anh dặn vợ chiều đón con, chị cũng mướt mải đi làm rồi đi "chém gió" ở tận đâu đâu rồi về. Về mới ngớ người ra là hôm nay ông bà nội bận thế là chạy chối chết đến trường đón con.

Chưa hết, có lúc chị đang làm thức ăn, đứng ngay trong bếp, trông thế nào mà nồi sườm rim cháy đùng đùng. 

Đây không phải lần đầu anh nhận ra sự đãng trí của vợ. Có lần, nhân mấy ngày nghỉ dài, gia đình anh đi chơi xa. 4 ngày sau về, anh hoảng hốt khi về nhà thấy cửa ban công chưa khóa, điều hòa vẫn bật tưng bừng hóa ra chị là người đi ra sau cùng mà quên không kiểm tra. 

Anh hú hồn may không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. 

Thà lấy vợ hư còn hơn!
Đâu đâu cũng có thể bắt gặp tâm sự của một cô vợ lo lắng trước lời chê bai của chồng 
 
Hoàn thiện mình từ "đoảng" thành "đảm"

Ánh Nguyệt (Cầu Diễn, Hà Nội): "Lấy chồng được 2 tháng, anh ấy đã chê mình đoảng, không biết làm gì? Thực ra đúng là mình cũng đoảng thật. Nhưng tại vì trước ở với bố mẹ mình chẳng bao giờ phải làm gì ngoài việc học. Mình cứ ngỡ nấu ăn dễ lắm, ai dè khi bắt tay làm một món thôi cũng không đơn giản chút nào. Mình cũng lo lắng khi hàng ngày cứ bắt anh ấy phải ra tiệm ăn, trông anh ấy gầy đi mà mình thấy thương. Mình quyết tâm sẽ thay đổi, cầu tiến để hoàn thiện mình từ 'đoảng' thành 'đảm' bằng được".

Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Giang cho biết khái niệm “vợ đoảng” mỗi thời khác nhau. Thời hiện đại, những tưởng chuyện “vợ đoảng” chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực tế, nếu không chú ý điều chỉnh, vợ đoảng quá sẽ khiến gia đình có nguy cơ tan vỡ.

Khi nhắc tới khái niệm “đoảng” người ta hay nghĩ đến sự vụng về trong lĩnh vực “nữ công gia chánh” của phụ nữ. Vì thế, để giữ gia đình được yên ấm, người phụ nữ cần rèn luyện bản thân mình được hoàn thiện hơn. 

Bên cạnh đó, người chồng cũng không nên quá cầu toàn, đòi hỏi vợ mình phải hoàn hảo trong gia đình và ngoài xã hội, mà nên cảm thông và biết chia sẻ khó khăn.
Chia sẻ