Tết Hàn thực, dù đủ đầy mĩ vị, vẫn nhớ bánh trôi, bánh chay

Bleu,
Chia sẻ

Giống như năm mới dù có không ưa của nếp cũng phải nếm một miếng bánh chưng, Tết Hàn thực nếu không bánh trôi, bánh chay sẽ thiếu hẳn đi cái hồn của ngày lễ.

Những dịp lễ Tết từ xưa đến nay, dẫu rằng đôi khi bị chê là rườm rà, nhiều thủ tục nhưng xét cho cùng vẫn là dịp được mọi người đợi trông. Lễ mà, thế nào cũng có cái hay, cái đặc sắc, đặc trưng. Như năm mới thì đi chúc Tết, ăn bánh chưng, còn Tết hàn thực thì người người, nhà nhà dù giàu nghèo gì nhất định cũng phải có đĩa bánh trôi, bát bánh chay, trước để cúng tổ tiên, sau mới thưởng thức.

Tết Hàn thực, dù đủ đầy mĩ vị, vẫn nhớ bánh trôi, bánh chay - Ảnh 1.

Ảnh: anhngfood

Không cầu kỳ như bánh chưng, các công đoạn bẻ lá dàn đỗ, cho thịt, buộc lạt đều phải khéo léo, có kỹ thuật, bánh trôi, bánh chay dễ làm lắm, nên rất nhiều gia đình cứ đến Tết Hàn thực không mua sẵn mà nhất định muốn tự ngâm gạo, xay bột, rang vừng làm bánh. Còn bận rộn hơn thì mua bột, vừng sẵn từ hàng quen để làm bánh. Làm bánh trôi bánh chay chỉ cần cắt đường, vê nhân đỗ xanh cho vừa vặn, nặn bánh sao cho vừa miếng rồi bỏ vào luộc. Thế nên gần như người vụng đến mấy cũng làm được.

Với nhiều gia đình, làm bánh trôi, bánh chay còn là dịp để cả nhà sum họp. Ngày ấy, khắp trong căn bếp là tiếng giục "nặn bánh bé lại chút đi", "kìa canh bếp đi, thấy bánh nổi vớt đi không nhão đấy", "nhớ chú ý thêm nước lạnh vào chậu ngâm bánh nhé". Nghe mà vui vẻ, đầm ấm gì đâu. Có lẽ vì thế, viên bánh dân dã cũng trở nên thơm ngon hơn gấp bội phần.

Ảnh: @gypee_chan; @peachanpepe

Có điều nói đi cũng phải nói lại, bánh trôi, bánh chay làm thì dễ, nhưng làm ngon thì không đơn giản. Bánh muốn ngon trước hết gạo phải ngon, tỉ lệ gạo tẻ - gạo nếp phải chuẩn và muốn bánh thật mềm dẻo, bột nên là bột nước. Đường nhất định phải là đường phên, loại đường có độ giòn, thoảng hương gừng, không ngọt gắt. Đỗ xanh phải là loại đỗ tiêu hạt nhỏ, lòng vàng.

Bánh nặn không nên tham quá to lâu chín, không nên quá bé, dễ nát. Thậm chí có nhà còn cầu kỳ cho thêm vài chiếc lá dứa vào nồi nước đun cho thêm thơm. Đĩa bánh vớt thêm, trắng ngần, thơm mùi bột, lấm tấm những hạt vừng vàng nhìn vô cùng bắt mắt.

Ảnh: ann.dinhh

Ăn đĩa bánh trôi ngon thấy cái mềm của bột quyện cùng cái ngọt của đường, cái thơm của vừng vô cùng thi vị. Bánh làm tới đường không tan nhưng không quá cứng, khi ăn giòn rộp mới thật đã miệng. Còn với bánh chay, bột phải mềm, nhân đỗ xanh - dừa chỉ ngọt dìu dịu thì người thưởng thức mới cảm được hết được cái bùi - béo - thơm của bột, của đỗ, của dừa.

Ảnh: sophieyeuhatdau; iam.nguyetanh; ngoc.le.lybra

Một hai năm gần đây, ngoài phiên bản bánh trôi chay cổ truyền, nhiều bà nội trợ khéo léo còn xay rau củ lấy màu, nhuộm bột làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc. Dẫu người xưa cũ càm ràm rằng, bánh trôi, bánh chay phải truyền thống mới đúng chuẩn, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những viên bánh đủ màu xanh - đỏ - vàng - tím cũng khiến Tết Hàn thực màu sắc, tươi mới hơn hẳn và cũng khiến những người trẻ hào hứng hơn với lễ Tết xưa.

Tết Hàn thực, dù đủ đầy mĩ vị, vẫn nhớ bánh trôi, bánh chay - Ảnh 5.

Ảnh: Kiên Hoàng

Tết Hàn thực, dù đủ đầy mĩ vị, vẫn nhớ bánh trôi, bánh chay - Ảnh 6.

Ảnh: Kiên Hoàng

Ngày xưa cuộc sống còn khó khăn, chỉ đúng ngày, đúng dịp mới có bánh, còn ngày nay cuộc sống dư dả hơn, muốn ăn bánh trôi, bánh chay ngày nào chẳng được. Thế nhưng ăn những loại ấy đúng ngày vẫn có hương vị, màu sắc riêng. Nếu hỏi tại sao lại thế thì có lẽ rất khó trả lời, chỉ biết rằng, trong ngày Hàn thực, bánh không chỉ là miếng ăn mà còn là một nét văn hóa đẹp. Và người Việt xa xứ, những ngày này, nghe chuyện ở quê nhà bỗng dưng cũng chỉ muốn được về quê nhà, quây quần bên gia đình và nếm những miếng bánh gói gọn hồn cốt của ngày lễ tháng 3 này.

Chia sẻ