Tẩy giun định kỳ

,
Chia sẻ

Khi đã nhiễm giun thì phải dùng thuốc tẩy giun và cần phải tẩy định kỳ để đảm bảo sức khỏe.

Nhiễm giun - Một bệnh rất phổ biến

Ở nước ta, người mắc bệnh giun (các tỉnh phía Nam gọi là lãi) cực kỳ phổ biến. Giun sống ký sinh ở người gồm nhiều loại: thường gặp nhất là giun đũa, tiếp đến là giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn... Tỷ lệ nhiễm giun đặc biệt là giun đũa rất cao. Ở các tỉnh miền Bắc nhiều nơi có tỷ lệ nhiễm giun đũa cao tới 86 - 98% (trung bình là 70 - 85%); còn ở miền Nam thì vào khoảng 20 - 35%.

Người lớn nhiễm giun đũa thường là do ăn rau sống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián... Trẻ em, ngoài giun đũa còn dễ bị giun kim vì chơi nghịch đất cát có lẫn trứng giun, hoặc gãi vùng hậu môn (do giun bò ra đẻ trứng và gây ngứa) rồi đưa tay lên miệng và nuốt phải trứng giun...

Thuốc trị giun đường ruột là thuốc có tác dụng tẩy sạch, hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột. Dùng thuốc tẩy giun là một việc làm rất cần thiết.

Thị trường thuốc nước ta từ trước tới nay có nhiều loại thuốc tẩy giun. Có một số thuốc trước đây dùng nhiều, nhưng nay không dùng nữa vì có nhiều độc tính, nhiều tác dụng phụ. Như viên tinh dầu giun (tinh dầu chenopot) có độc tính cao, phổ tác dụng hẹp; santonin độc và làm giun di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể gây nguy hiểm; levamisol có thể gây tai biến nặng; piperazin sử dụng không thuận tiện phải uống nhiều ngày liên tiếp... nên hiện nay không dùng. Nhưng do thói quen, và do ít được thông tin cho nên ở một số nơi có thể vẫn còn sử dụng.

Một số thuốc tẩy giun thường dùng

Hiện nay có những thuốc tẩy giun rất tốt, có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, phổ tác dụng rộng (trị được nhiều loại giun cùng lúc).

Mebendazol: Thuốc này có nhiều biệt dược (tên thương mại) quen thuộc như: vermox, fugacar, mebendacin, noverm... Thuốc có phổ tác dụng rộng, công hiệu trị cùng lúc các loại giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, và giun lươn. Mebendazol có cơ chế tác dụng là ức chế tổng hợp tubulin (một loại protein đặc biệt dạng cầu chứa 10 -14 phân tử sắp xếp để tạo ra một vi cấu trúc hình ống) khiến cho không thành lập được các tiểu quản trong cơ thể giun. Thuốc hay được dùng, không độc nên liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là giống nhau. Khi dùng thuốc không phải nhịn ăn, hoặc uống kèm thuốc tẩy như các thuốc trị giun cũ.

Mebendazol có các dạng bào chế: viên nén 100mg, 500mg, dung dịch uống 20mg/ml, hỗn dịch uống 20mg/ml. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Albendazol: Với các tên biệt dược quen thuộc như aldazol, abentel, zeben, zentel... có phổ tác dụng rộng, diệt giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn. Cơ chế tác dụng của thuốc tương tự như mebendazol. Thuốc không độc, nên người lớn và trẻ em trên 2 tuổi uống liều lượng như nhau. Albendazol có các dạng viên nén 200mg và 400mg, lọ 10ml hỗn dịch 20mg/ml (2%) và 40mg/ml (4%).

Không dùng albendazol cho người có thai và phụ nữ nuôi con bú, người bệnh gan, bệnh máu và tủy xương. Với phụ nữ có thai, có tài liệu còn ghi mạnh mẽ hơn: không được có thai ít nhất sau 30 ngày dùng thuốc, vì thuốc có thể gây tai biến nguy hiểm cho thai (nên dùng thuốc ở tuần lễ đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau xét nghiệm thai âm tính). Còn các phản ứng phụ rất ít xảy ra, nếu có cũng nhẹ (chóng mặt, buồn nôn, đau bụng...) và ngừng thuốc sẽ khỏi.

Pyrantel pamoat: Thuốc thuộc nhóm amidin vòng. Với các biệt dược như: anthel, combantrin, pilcom, panatel... có tác dụng diệt giun đũa, giun kim, giun móc nhưng không có tác dụng với giun tóc. Pyrantel có cơ chế tác dụng như acetylcholin, làm cơ giun khử cực bền, cơ giun co mạnh cấp tính, ngừng co bóp tự phát (tác dụng nicotinic), đồng thời pyrantel ức chế cholinesterase, rút cuộc cơ giun liệt cứng và bị tống ra khỏi ruột người.

Pyrantel pamoat ít hấp thu qua ống tiêu hóa người nên tác dụng tại chỗ mạnh và là nhóm thuốc được đánh giá khá an toàn cho phụ nữ có thai bị nhiễm giun cần tẩy. Tuy vậy, để dè chừng, người ta vẫn khuyên tránh dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Cũng nên tránh dùng cho người bệnh gan và trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Các tác dụng phụ thường nhẹ (nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn...) và sau khi ngừng thuốc sẽ hết.

Điều quan trọng là phải phòng bệnh để tránh bội nhiễm, tái nhiễm giun. Cần phải giữ gìn môi trường sống tốt (vệ sinh phân, nước, rác, chống ruồi, nhặng, gián...) và có ý thức vệ sinh ăn uống, định kỳ tẩy giun 4 - 6 tháng một lần.

Theo BS. Vũ Hướng Văn
SK&ĐS
Chia sẻ