Tẩy chay quần áo Trung Quốc: Biết mua gì cho con?

,
Chia sẻ

Đắn đo, băn khoăn tìm một nhãn hàng khác nhưng rồi lại thất vọng bởi kiểu dáng, màu sắc không ưng ý. Thậm chí, quần áo khi mang về nhìn kỹ nhãn mác thì vẫn là... Made in China

 

Phụ huynh đắn đo

 

Chị Thu Hương, nhân viên văn phòng tại Vincom (Hà Nội) đã cẩn thận hơn khi tìm mua quần áo cho cậu con trai 5 tuổi, chị cho biết: “Trước kia mua quần áo cho con thì cứ chọn kiểu dáng màu sắc và chất liệu ổn ổn là mua thôi chứ cũng chẳng cần biết đến xuất xứ vì nghĩ quần áo nào cũng chỉ để mặc là cùng. Khi biết tin quần áo trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc có chất gây hại, tôi đã chọn quần áo may mặc tại Việt Nam. Nhưng mua quần áo cho trẻ bây giờ khó quá".

 

Theo chị Hương thì quần áo trong nước giá cũng không quá cao so với hàng Trung Quốc nhưng vấn đề là mẫu mã, kiểu dáng rất chậm thay đổi, mắc những lỗi nhỏ nhưng gây khó chịu khi mua về như đường may cẩu thả, kích cỡ và kiểu dáng không phong phú. Trong khi đó hàng Trung Quốc thì nhiều mẫu mã, bắt mắt và điệu đà hơn và cũng rẻ hơn tới khoảng 30% so với hàng trong nước.

 

Chị Nguyễn Thị Huyền (Dịch Vọng, Cầu Giấy) thì tìm những cửa hàng như Made in Viet Nam, dệt kim  Đông Xuân, Hanosimex để mua quần áo cho con. Nhưng khi đến với hai thương hiệu này chị cũng cùng một nhận xét:“kiểu dáng kém phong phú nên cũng rất khó chọn cho con, vì các cháu cũng cần thay đổi chứ không thể mặc mấy bộ giống nhau được”.

 

Hàng nhái nhiều hơn... hàng thật


Tại hệ thống các siêu thị hoặc cửa hàng kinh doanh độc lập, một số thương hiệu được người tiêu dùng ghi nhận như Việt Thy Kid, Kico, Hoa Kim, Nhật Tân, IF... chỉ xuất hiện thưa thớt một vài nơi. Nếu so với giá bán tại chợ, những thương hiệu này có giá đắt hơn ít nhất 10%. Còn quần áo của một số thương hiệu danh tiếng như Puma, Lacoste, Bossini thì giá thành lại quá cao, không phải phụ huynh nào cũng có tể mua được. 


Dạo một vòng quanh các tuyến đường bán quần áo trẻ em như Sơn Tây, Trần Phú, Khâm Thiên cũng rất dễ nhận ra một điều là hầu hết mẫu mã quần áo trẻ em có xuất xứ trong nước đều nghèo nàn, không những vậy kích cỡ cho trẻ cũng không phù hợp. Chị Kim Dung khi mua hàng tại cửa quần áo trẻ em trên phố Sơn Tây, chọn được cái áo vừa ý về kiểu dáng, chất liệu cho con thì lại không vừa kích cỡ và ngược lại.


Mua bán trên mạng tiện nhưng chưa chắc đã lợi

 

Để đỡ mất công đi lại, chị Lương Hồng tại (Thụy Khuê, Hà Nội) đã lựa chọn tìm quần áo cho con qua các trang rao vặt, nhưng hầu hết các thông tin đều rao bán quần áo trẻ em ngoại nhập từ Pháp, Nhật hay của Cambodia và Thái Lan, cũng rất khó tìm hàng Việt Nam. Trong một lần giao dịch qua mạng để mua chiếc váy cho con gái 5 tuổi được quảng cáo là hàng từ Pháp chị đã rất mừng vì mua được hàng tốt giá rẻ, nhưng về xem kỹ mới biết là hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Người bán cũng xoay sở

 

Chị Tường Vi, chủ cửa hàng quần áo trẻ em trên đường Chùa Bộc (Hà Nội) cho hay, từ khi có thông tin quần áo trẻ em Trung Quốc có chất độc hại đồ Trung Quốc ế ẩm hẳn. Người mua cũng đã hỏi nhiều hơn về xuất xứ của hàng hóa, nhiều người xem nhãn mác rất kỹ, thậm chí có khách hàng đã ưng ý mua đồ nhưng đến khi biết nguồn gốc "Made in China" lập tức không mua nữa.

 


Người bán cũng xoay sở đủ cách.

Trên phố Sơn Tây, trong vai phụ huynh đi mua đồ cho con, chúng tôi hỏi mua quần áo trẻ em Việt Nam, người bán đã chỉ dãy cho chúng tôi dãy bày hàng Việt Nam. Tuy nhiên nếu tinh ý sẽ thấy trên đống dây treo, nhiều bộ quần áo trẻ em không nhãn mác được lồng khéo léo lẫn với hàng Việt Nam, hay những nhãn mác được in vội vàng xuất xứ không rõ ràng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó là quần áo có nhãn "Made in Cambodia” , ThaiLand, Singapore nhưng không có mã vạch nhập khẩu, hoặc nếu có thì lại là mã vạch thì xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Khi bị gặng hỏi về xuất xứ quần áo và nhãn mác không quy chuẩn trên quần áo, một chủ cửa hàng cho biết “Thì chúng tôi cũng chỉ biết nhập về chứ cũng không rõ xuất xứ của hàng lắm, mà bây giờ đồ ăn thức uống trực tiếp còn độc hại gấp nhiều lần vẫn cứ ăn chứ quần áo mua về giặt đi mặc bình thường có sao đâu (!?) “.

 

Trao đổi với chúng tôi chị Phương Liên một chủ cửa hàng quần áo trẻ em trên phố Sơn Tây cho biết, sở quần áo trẻ em  trong nước khó bán vì giá cao mà lại không đáp ứng đủ nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Bây giờ cửa hàng chỉ còn bán mỗi áo thun cotton mặc trong nhà của Hanosimex.

 

Theo chị, nhiều cửa hàng lớn thường lấy vải từ chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội) về may, nhưng vải ở đây phần lớn cũng nhập từ Trung Quốc, nên xét cho cùng, vẫn là hàng Trung Quốc hết.

 

Nhà sản xuất cũng trăn trở


Vẫn biết, người tiêu dùng bớt sử dụng hàng Trung Quốc, đó là cơ hội cho hàng nội, nhưng khi bước chân vào lĩnh vực may mặc, hầu hết doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn.


Các nhà sản xuất cho rằng giá nguyên liệu trong nước cao (nguyên phụ liệu Việt lại cao hơn ít nhất 15% so với nhập khẩu từ nước ngoài), chi phí nhân công và hàng loạt chi phí khác như thiết kế, điều tra thị trường, khiến cho sức cạnh tranh của hàng Việt Nam yếu. Hầu hết doanh nghiệp khi bước chân vào lĩnh vực này đều gặp khó khăn vì không có thông tin về nhu cầu thật của thị trường ở từng độ tuổi khác nhau của trẻ.


Một cán bộ của Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) xác nhận có rất ít doanh nghiệp chọn lĩnh vực sản xuất quần áo trẻ em để đầu tư, bởi “lợi nhuận thì ít, rủi ro thì nhiều”. Vốn ít, sản lượng sản xuất không nhiều khiến chi phí đầu vào tăng cao, không chủ động được nguồn tài chính do tiền hàng được trả theo phương thức gối đầu (nếu bán qua chợ), hoặc thanh toán sau khi bán hết hàng (nếu đưa vào hệ thống siêu thị) khiến bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cảm thấy “đuối”.

 

Chúng tôi cũng muốn sản xuất ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh với hàng Trung Quốc, nhưng với giá nguyên liệu trong nước khá cao, cộng thêm chi phí nhân công và hàng loạt chi phí khác “cắn” vào khiến sức cạnh tranh kém” - Nhà quản lý của Công ty TNHH sản xuất thương mại Hoa Kim cho biết.

 

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước muốn có chỗ đứng trên sân nhà cần phải đáp ứng nguồn nguyên liệu phù hợp với giá thành hợp lý. Khi có được đầu vào ở mức giá cạnh tranh, việc còn lại là thiết kế mẫu, tổ chức sản xuất, định giá sản phẩm thích hợp, tiếp thị sản phẩm, gầy dựng thương hiệu..., các doanh nghiệptrong nước mới có thể tồn tại và phát triển mộtcách tốt nhất.

 

 

N.C.K tổng hợp


Chia sẻ